Dù cuộc xung đột tại Ukraine vẫn đang diễn biến phức nhưng đã bắt đầu xuất hiện các cuộc tranh luận về những ý tưởng tái thiết đất nước này thời hậu chiến. Đây sẽ là dự án tái thiết lớn nhất châu Âu kể từ sau thời chiến tranh Thế giới thứ II.
Cuộc tranh luận có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo của các nhóm nhân đạo, trường đại học và ngân hàng từ khắp nơi trên thế giới — đại diện cho các chính phủ, tổ chức và công ty sẵn sàng quyên góp hoặc cho vay hàng trăm tỷ USD phục vụ công cuộc tái thiết.
Ukraine đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc xung đột hiện nay. Ảnh: NY Times
Thời điểm hiện tại, trọng tâm của các cuộc tranh luận về việc tái thiết Ukraine chủ yếu xoay quanh chi phí cho dự án này. Các cuộc tranh luận này vốn đã diễn ra từ lâu nhưng không được công chúng biết tới.
Mọi sự thay đổi đối với Ukraine từ nền kinh tế thời chiến sang kinh tế thời bình đều có thể gây ra rủi ro tạo ra những ý tưởng về một chính quyền trung ương mạnh mẽ sẽ nhắm mục tiêu chi tiêu chặt chẽ hơn so với chính quyền trong đó thị trường tự do chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có cả những sự chuyển đổi phức tạp khác, dù ít nổi bật hơn, nhưng vẫn cần được điều hướng đồng thời.
Đã 30 năm trôi qua kể từ khi Ukraine chính thức tuyên bố độc lập nhưng di sản thời Liên Xô vẫn còn tồn tại ở đó. Điều này được thể hiện trong các tuyến cung ứng và mạng lưới giao thông. Phần lớn Ukraine hiện vẫn đang sử dụng những thiết kế, trang bị máy móc và cơ sở hạ tầng từ thời Liên Xô và chưa có nhiều sự kết nối mới mạng lưới châu Âu. Ví dụ, khổ đường sắt của Ukraine có kích thước khác với khổ của châu Âu, điều này nghĩa là các đoàn tàu từ Ukraine không thể đi qua biên giới một cách dễ dàng.
Thách thức lớn hơn là di sản của quá trình chuyển đổi thiếu sót và không hoàn chỉnh của Ukraine sang nền kinh tế thị trường dân chủ, hiện đại sau khi Liên Xô tan rã. Các phần trong thế giới thương mại của họ bị cản trở bởi tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Ngoài ra, Ukraine vẫn chưa xây dựng được mô hình thể chế chính trị kiên cường. làm cơ sở cho các tiêu chuẩn quản trị mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra. Đây là một trở ngại lớn bởi EU sẽ là một trong những đối tác lớn nhất của Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
Việc tái thiết đất nước thời hậu xung đột không hề dễ dàng. Ảnh: NY Times
Việc thiếu một khu vực công có trách nhiệm giải trình, minh bạch và đáng tin cậy là cốt lõi trong các cuộc tranh luận về việc Ukraine sẽ được tái thiết như thế nào và ai sẽ đưa ra những quyết định về việc này.
Ông Yuriy Gorodnichenko, nhà kinh tế học tại Đại học California, nhận xét: "Có một quan niệm lý tưởng rằng chính phủ chỉ đạo và mọi người lắng nghe. Nhưng là một người lớn lên ở Ukraine, tôi biết điều đó không thực tế. Chính phủ không có khả năng điều tiết. Họ không giống một chính phủ được đào tạo bài bản".
Ông Gorodnichenko đã đóng góp cho dự thảo tái thiết Ukraine của Trung tâm Nghiên cứu chính sách Kinh tế tại London (Anh). Trong các khuyến nghị của mình, nhóm đã kêu gọi "bãi bỏ quy định triệt để hoạt động kinh tế"bao gồm sự phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường để phân phối nguồn lực và hướng dẫn nền kinh tế, nới lỏng luật lao động và thay đổi quan điểm chính trị và xã hội về việc kiểm soát kinh tế từ trung ương tới địa phương.
Ukraine hiện vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng, phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung thức ăn, nhà ở và sưởi ấm cho người dân trong suốt mùa đông. Sống sót qua mùa đông là ưu tiên hàng đầu của họ. Còn việc tái thiết hậu xung đột dự kiến sẽ mất ít nhất một thập kỷ. Dù vậy, ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế tại Đại học Columbia và là người đoạt giải Nobel, nói rằng những quyết định trong ngày hôm nay có thể định hình những gì sẽ diễn ra trong thời gian đó.
Những thay đổi gần đây đối với luật lao động được Quốc hội Ukraine thông qua đã trở thành tâm điểm chú ý. Ông Stiglitz và những người chỉ trích cảnh báo rằng các biện pháp bảo vệ người lao động đang bị gạt bỏ, đồng thời lưu ý rằng người sử dụng lao động đang có nhiều quyền hạn hơn trong việc ấn định giờ làm, thay đổi điều kiện làm việc và sa thải công nhân đồng thời làm suy yếu khả năng đàm phán của công đoàn.
Các cuộc tranh luận về kế hoạch tái thiết Ukraine đã bắt đầu trong một thời gian. Ảnh: NY Times
Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ, những sửa đổi này là một cuộc đại tu rất cần thiết đối với các quy tắc cứng nhắc và lỗi thời của thời Xô viết. Ông Gorodnichenko cho biết các quy định lao động cũ yêu cầu người sử dụng lao động phải giữ người trong biên chế ngay cả khi toàn bộ nhà máy đã bị giải thể hoặc công nhân đã rời khỏi đất nước nhiều tháng trước đó.
Tymofiy Mylovanov, giáo sư tại Trường Kinh tế Kiev và là cựu bộ trưởng chính phủ, người cũng đã đóng góp cho các tài liệu chính sách của Trung tâm chính sách Kinh tế London, nhấn mạnh việc thúc đẩy bãi bỏ quy định không phải do niềm tin mù quáng vào nền kinh tế thị trường, mà dựa trên những nỗi lo rằng các thể chế công không được phát triển đủ để xử lý công việc.
Ông Mylovanov đồng tình với nhận định chung của ông Stiglitz nhưng nhiều vấn đề thực tế mà Ukraine phải đối mặt khác xa so với các cuộc thảo luận trên lý thuyết về sự kiểm soát của chính phủ và bãi bỏ quy định thị trường. Ông nói Ukraine là một "nền kinh tế chuyển đổi" và "dân chủ còn non trẻ". Ông Mylovanov lưu ý các trợ cấp thôi việc hoặc thông báo trước hai tháng về việc sa thải nhân viên không liên quan khi các doanh nghiệp đã bị phá hủy và cần xây dựng lại.
Ông Mylovanov thừa nhận, sự kém cỏi và tham nhũng gây tác động tiêu cực tới cả khu vực tư nhân và công cộng. Do đó, Ukraine cần có sự cân bằng để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Minh Hạnh (Theo New York Times)