EU bàn kế hoạch tái thiết Ukraine
Ngày 24/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi một chiến lược tái thiết Ukraine sau khi kết thúc xung đột, cho rằng đây là nhiệm vụ mang tính thế hệ phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Trong bài xã luận đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Scholz và bà von der Leyen đã mô tả việc tái thiết Ukraine là một nhiệm vụ mang tính thế hệ và kêu gọi một “Kế hoạch Marshall mới” cho thế kỷ 21, trong đó nhà lãnh đạo Đức đã nêu tầm quan trọng về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.
Phát biểu tại Berlin bên lề Diễn đàn Kinh tế Đức-Ukraine, Thủ tướng Đức cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần ở Ukraine nên được phát triển để đất nước này có thể dễ dàng kết nối với EU.
Ông Scholz nêu rõ: "Khi tái thiết Ukraine, chúng ta hãy làm với mục tiêu Ukraine là sẽ một thành viên EU. Bất cứ ai đầu tư vào việc tái thiết Ukraine ngày nay sẽ là đầu tư vào một quốc gia thành viên EU trong tương lai, đồng thời là một phần của cộng đồng pháp quyền và thị trường nội bộ của chúng tôi".
Ukraine bị thiệt hại nặng nề trong các cuộc xung đột. Ảnh: Getty
Mặc dù vậy, Thủ tướng Scholz cũng kêu gọi Chính phủ Ukraine cải thiện hơn nữa các điều kiện đầu tư, pháp luật cần minh bạch hơn và cuộc chiến chống tham nhũng cần quyết liệt hơn.
Trong khi đó, Italy và Pháp cũng đã thống nhất lập trường về Ukraine.
Ngày 24/10, tân Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani đã thảo luận với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna về các khía cạnh hợp tác khác nhau trong EU, đồng thời khẳng định lập trường của Rome đối với tình hình xung đột tại Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy nêu rõ các bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ của hai nước này đối với hòa bình và sự ổn định tại Ukraine.
Trong cuộc hội đàm, hai ngoại trưởng đã nhất trí phối hợp trong các vấn đề toàn châu Âu về năng lượng, quốc phòng và di cư, cũng như cải cách Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, liên quan đến chính sách tài chính và ngân sách của EU.
Ngoại trưởng Tajani lưu ý rằng Italy mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Pháp, một trong những đối tác kinh tế chính, cũng như một đồng minh quan trọng trong EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Thủ tướng Na Uy phản đối cô lập Nga
Hôm 25/10, đài truyền hình NRK trích dẫn lời Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store phát biểu trước quốc hội: "Không có gì tốt đẹp trong việc cô lập Nga. Điều đáng báo động là hiện nay chúng ta quá ít liên lạc và trao đổi trực tiếp với Nga".
Thủ tướng Na Uy nói rằng tình hình chính trị hiện nay đang ở mốc khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Các nước phương Tây đã quyết tâm cô lập Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Các chính phủ đã triển khai một chiến dịch trừng phạt toàn diện chống lại Nga, đồng thời đe dọa cấm vận đồng minh và đối tác của Nga nếu tiếp tục hợp tác và hỗ trợ quốc gia này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nói rằng nước Nga không thể bị cô lập. Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối ý tưởng áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với bất kỳ quốc gia nào, cũng như kêu gọi tiếp tục đối thoại vì lợi ích của hòa bình trên thế giới.
Tình trạng gián đoạn trong hoạt động hậu cần và tài chính do khủng hoảng năng lượng cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã làm suy yếu chuỗi cung ứng, cũng như dẫn đến giá năng lượng trên toàn cầu tăng vọt, buộc nhiều chính phủ châu Âu phải dùng đến các biện pháp dự phòng. Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn khí đốt tự nhiên của Nga vì đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng này.
Ngày 7/10, EU đã công bố gói trừng phạt thứ tám chống lại Moskva, trong đó, đặt ra một khuôn khổ để giới hạn giá trần xuất khẩu dầu đường biển của Nga ở mức do nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) điều phối.
Minh Hạnh (T/h)