Đã gần 90 tuổi nhưng ông cụ vẫn phải một thân một mình đứng chờ mua 2 suất cơm giảm giá ở siêu thị cho bản thân và người con bại liệt nằm ở nhà. Thậm chí có những ngày cụ phải ra về tay trắng.
Mới đây, một cô gái có tên V.N, sống tại Đà Nẵng đã đăng tải lên trang cá nhân câu chuyện về một ông cụ tóc bạc phơ vẫn phải tự nuôi chính mình bằng những bữa cơm đại hạ giá ở siêu thị lúc đêm khuya đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng.
Bài viết ông lão đợi mua cơm giảm giá ở siêu thị thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình. |
V.N chia sẻ rằng ông cụ này đã dành cả đời để nuôi con nhưng về già lại không ai phụng dưỡng. Ông phải tự nuôi chính mình bằng những bữa cơm hạ giá ở siêu thị. Cứ đến tầm 20h hàng ngày, ông sẽ đứng chờ những hộp cơm giảm giá một nửa để mua. Đặc biệt, có những hôm, siêu thị không còn hộp cơm nào, ông đành tay trắng ra về.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng với rất nhiều lượt thích, chia sẻ và bình luận. Hầu hết mọi người đều xót xa với hoàn cảnh đáng thương của cụ ông.
Theo Trí Thức Trẻ, cụ ông trong câu chuyện trên là là Nguyễn Văn Roanh, năm nay đã 87 tuổi. Được biết vợ của cụ mất cách đây cũng đã tròn nửa thế kỷ, một mình cụ chật vật nuôi 2 đứa con khôn lớn.
Cách đây 6 năm, đứa con trai đầu của cụ là chú Nguyễn Văn Giang (54 tuổi) bất ngờ gặp tai nạn lao động. Dù ông Roanh đã dốc hết tài sản chữa trị nhưng con trai vẫn bị bại liệt chỉ ngồi một chỗ và không thể lao động được.
Cụ Roanh bên cạnh người con trai đầu bị tàn tật do tai nạn lao động. Ảnh: Trí Thức Trẻ. |
Hàng tháng cụ Roanh nhận được 280.000 đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi, còn con trai tàn tật nhận được nhận 500.000 đồng tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Nhưng số tiền ít ỏi này cũng chỉ đủ "chắp vá" vào vài ba đơn thuốc mỗi khi chú Giang lên cơn đau lúc trái gió trở trời, thành ra gia đình luôn lâm vào tình cảnh bữa đói, bữa no.
Cứ thế, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng suốt 6 năm nay, hằng ngày cụ Roanh phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân cho người con trai bệnh tật. Do người con trai út cũng làm nghề thợ hồ, thu nhập bấp bênh nên cũng không đỡ đần được gì cho cụ Roanh. Hiện cuộc sống của cụ Roanh và người con trai đầu bị bại liệt chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp cho người khuyết tật và người già hằng tháng, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đùm bọc của hàng xóm, láng giềng…
"Để tiết kiệm tiền, hằng ngày tôi thường đi bộ qua siêu thị để chờ đến khuya người ta bán cơm với đồ ăn còn một nửa giá thì thôi mua 2 phần để về 2 cha con ăn tối”, ông Roanh tâm sự. Nói đến đây giọng cụ Roanh bỗng nghẹn lại, đôi mắt ngấn lệ khi nhìn đứa con trai tàn tật đang ngồi dựa đầu vào góc nhà. Cụ lo sợ mình chết đi thì sẽ không ai chăm sóc cho người con trai tàn tật.
Thu Hằng (T/h)