Ở tuổi 34, anh Nguyễn Tấn Đạt (trú xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã là chủ nhân của một trang trại heo rừng rộng hàng nghìn mét vuông, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 1.000 con heo, mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh Đạt đã phải trải qua một hành trình đầy chông gai, thử thách với hai lần thất bại cay đắng và những khoản nợ chồng chất.
Cuộc "đào tẩu" ngoạn mục của anh quản lý nhà hàng Nguyễn Tấn Đạt, về quê thành "ông trùm" nuôi heo "khét tiếng". Ảnh: Dân trí
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Đạt có thể được ví như một bộ phim đầy kịch tính với những cú "tam tai" liên tiếp. Tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, anh xin vào làm quản lý tại một nhà hàng ở Cần Thơ.
5 năm miệt mài làm việc, tích góp được một số vốn, anh quyết định hùn hạp với bạn bè đầu tư vào mô hình nuôi heo rừng kết hợp trồng rau sạch. Tuy nhiên, sau một thời gian dài góp vốn mà không thu được lợi nhuận như mong đợi, anh quyết định rút khỏi nhóm, tự mình khởi nghiệp.
"Khoảng năm 2018, tôi bắt đầu xây dựng trại heo rừng. Lúc đó, tôi đã có sẵn con giống vì trước đó có góp vốn kinh doanh rồi. Vừa đầu tư chuồng trại xong thì dịch tả heo Châu Phi ập đến, heo rừng chết sạch, không còn một con", anh Đạt tâm sự trên báo Dân trí.
Không nản lòng, năm 2019, anh Đạt tiếp tục tái đàn với suy nghĩ mình đã có kinh nghiệm nên sẽ không gặp vấn đề gì. Nhưng rồi, dịch tả heo Châu Phi lại một lần nữa ập đến, cướp đi toàn bộ đàn heo của anh. Hai lần thất bại liên tiếp khiến anh Đạt lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền tiết kiệm và vay mượn từ người thân.
Bế tắc, chán nản, anh Đạt quyết định quay trở lại Cần Thơ làm việc ở nhà hàng. Nhưng ngọn lửa đam mê khởi nghiệp, làm chủ vẫn âm ỉ cháy trong anh. Và rồi, chỉ vài tháng sau, anh Đạt lại quyết định trở về quê, bắt tay vào nuôi heo rừng lần thứ ba. Lần này, may mắn đã mỉm cười với anh.
Học hỏi từ những lần vấp ngã, trong lần tái đàn này, anh Đạt đặc biệt chú trọng đến việc tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại và áp dụng chế độ chăm sóc phù hợp với đặc tính hoang dã của heo rừng.
Heo rừng tại trang trại của anh Đạt. Ảnh: Thanh niên
Ban đầu, anh chỉ nuôi hơn 20 con. Dần dần, anh tích lũy kinh nghiệm, áp dụng vào quy trình chăn nuôi, nhờ đó đàn heo phát triển tốt. Anh tiếp tục đầu tư con giống và mở rộng quy mô đàn. Đến nay, trang trại của anh đã có hơn 200 con heo.
Chia sẻ về bí quyết nuôi heo rừng thành công trên báo Thanh niên, anh Đạt cho biết phải áp dụng phương pháp "bán hoang dã" để heo có thịt ngon, săn chắc. Tuy nhiên, vào mùa mưa, cần nuôi nhốt heo trong chuồng để tránh ký sinh trùng ngoài da. Ngoài ra, dù heo rừng có sức đề kháng tốt nhưng vẫn cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Về chế độ dinh dưỡng, anh Đạt đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường rau củ quả và hạn chế thức ăn công nghiệp.
"Nhiều người nuôi heo rừng theo kiểu 'nhà có gì ăn nấy' và ít tiêm phòng vắc xin vì cho rằng heo rừng vốn khỏe mạnh. Nhưng thực tế, cần có chế độ ăn hợp lý với bã đậu nành, rau, củ, xác bia… để heo phát triển đồng đều", anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.
Heo rừng nuôi khoảng 6 tháng là có thể xuất bán. Heo từ 9 - 12 tháng tuổi bắt đầu sinh sản, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Để phòng bệnh, heo con cần được tiêm vắc xin ngay từ khi mới sinh.
Với phương châm kinh doanh uy tín, chất lượng, anh Đạt chỉ bán heo giống đạt từ 20 kg trở lên để khách hàng dễ dàng nhận biết heo rừng thuần chủng, tránh mua phải heo lai. "Heo rừng ở miền Tây bị lai rất nhiều, mục tiêu của tôi là cung cấp con giống tốt nhất cho bà con", anh Đạt khẳng định.
Anh Đạt thả nuôi heo rừng theo kiểu bán hoang dã trong vườn cây ăn trái. Ảnh: Thanh niên
Hiện tại, anh Đạt cung ứng heo rừng giống và heo rừng thương phẩm cho các tỉnh, thành miền Tây. Với giá heo thương phẩm từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, heo giống 180.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng. Trong tương lai, anh dự định sẽ tiếp tục tăng đàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trại nuôi của anh Đạt đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cấp giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại và UBND huyện Kế Sách xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.