Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc chơi mới của “đại gia thép” Thái Hưng Nguyễn Thị Cải

(DS&PL) -

Không chỉ chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, Công ty Thái Hưng của gia đình bà Cải gần đây đã “nhắm” sang cả buôn bán sách.

Công ty Thái Hưng lấn sân sang mảng kinh doanh mới là bán sách. Ảnh: Thái Hưng

Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng kinh doanh thép từ năm 1993, được xây dựng bởi vợ chồng ông bà Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Cải.

Ba mảng kinh doanh chính doanh nghiệp của vợ chồng ông Thái và bà Cải là sản xuất (phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng), kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng...). Trong đó, hai lĩnh vực đầu tỏ ra nổi trội hơn.

Công ty của gia đình bà Cải là cổ đông lớn ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) chỉ sau Tổng công ty thép Việt Nam, và chiếm cổ phần lớn ở thép Việt Ý. Ông Nguyễn Quốc Thái làm chủ tịch hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thị Cải là tổng giám đốc cho đến năm 2015, chuyển giao cho thế hệ F1 của mình.

Tính đến tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Thái Hưng được nâng lên mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân. Trong đó vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải mỗi người sở hữu 24,8% vốn điều lệ.

Các con của ông Thái và bà Cải là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Thượng Nguyên nắm 35,4% vốn điều lệ.

15% vốn điều lệ còn lại nằm trong tay hai cổ đông Lê Hồng Khuê và Trịnh Gia Tâm. Hai cổ đông này có địa chỉ thường trú trùng với bà Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Quy.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức chủ tịch HĐQT Thái Hưng, còn bà Nguyễn Thị Vinh thay mẹ làm Tổng giám đốc công ty của gia đình.

Trước đây, bà Cải được biết đến là người “đàn bà thép” có khả năng làm khuynh đảo thị trường nơi “đất thép” Thái Nguyên, với những quyết định táo bạo và nước đi mạo hiểm nhưng đã giúp doanh nghiệp của gia đình bà từ một công ty chỉ có 9 lao động với cơ sở vật chất là một ngôi nhà cấp bốn rộng 32m2 vừa làm kho chứa hàng, vừa làm văn phòng giao dịch được trở thành “đại gia” trong lĩnh vực thép.

Dưới sự quản lý, lãnh đạo nhanh nhạy của giám đốc Nguyễn Thị Cải, sau nhiều năm hoạt động, Thái Hưng đã phát triển lớn mạnh không ngừng.

Từ một công ty nhỏ với nhân công ít ỏi, Công ty gia đình bà Cải vươn mình trở thành "ông lớn" trong ngành thép khi là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các nhà máy thép tên tuổi như: CTCP Gang Thép Thái Nguyên, CTCP Thép Việt Ý, Công ty TNHH NatSteelVina (NSV, liên doanh giữa Tập đoàn NatSteel - Singapore và Tổng công ty thép Việt Nam, nhà máy tại Thái Nguyên), Công ty sản xuất Thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty thép VSC-POSCO (VPS, Thép Việt –Hàn, là liên doanh giữa Tổng Công ty thép Việt Nam với Tập đoàn POSCO của Hàn Quốc, tại Hải Phòng)…

Theo dữ liệu của PV, từ năm 2016 – 2019, doanh thu của Thái Hưng đạt từ 12.000 tỷ đồng đến hơn 15.000 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng đạt từ mức 100 đến 290 tỷ đồng.

Trong khi vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Thái Hưng tăng theo các năm. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Thái Hưng đạt 1.870 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ở con số 7.848 tỷ đồng.

Những năm qua, Thái Hưng của gia đình ông Thái và bà Cải đã chuyển sang hướng kinh doanh bất động sản. Nổi bật đó là dự án Thái Hưng Eco City (Crown Villas) trên khu đất vàng của nhà máy thép Gia Sàng.

Gần đây, Công ty Thái Hưng đã lấn sân sang mảng kinh doanh mới là bán sách.

Theo tìm hiểu của PV, Thái Hưng và những thành viên trong gia đình ông Thái, bà Cải đã nắm lượng lớn cổ phần, đồng thời giữ các vị trí chủ chốt tại Công ty cổ phần phát hành sách Thái Nguyên (Mã UpCom: STH).

Cụ thể Công ty Thái Hưng nắm 18,46%, bà Nguyễn Thị Quy nắm 13,44% và bà Nguyễn Thị Vinh nắm 11,05% vốn điều lệ tại STH. Chức Chủ tịch HĐQT hiện nay do ông Nguyễn Quốc Thái đảm nhiệm, trong khi Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Quy, còn bà Nguyễn Thị Vinh là thành viên HĐQT. Kế toán trưởng của STH là bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng là người của Thái Hưng.

STH trước đây được biết đến là công ty 100% vốn của nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2003. Khi đó STH có vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước nắm 51%, và cổ đông là cán bộ, công nhân viên sở hữu 49%.

Năm 2008, STH tăng vốn điều lệ lên 2 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước chỉ sở hữu 49%. Và đến năm 2010, cổ đông Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại đây.

STH là doanh nghiệp kinh doanh sách, lợi nhuận không cao song có lợi thế sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có thể kể đến khu đất số 65 Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên.

Tháng 5/2019, STH có bước tăng vốn mạnh từ 2 tỷ đồng lên mức 65 tỷ đồng, lúc này vai trò của Thái Hưng và những người liên quan mới được thể hiện rõ nét. Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Quy đã tham gia điều hành STH từ năm 2011.

Dưới sự điều hành của những nhân sự Thái Hưng, STH nhanh chóng ký hợp đồng hợp tác với chính Công ty Thái Hưng, để thực hiện dự án trường học liên cấp quốc tế Iris trong khu đô thị Thái Hưng Eco City.

Trong năm 2020, STH đã phát hành 130 tỷ đồng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 195 tỷ đồng. Số tiền thu được STH chuyển cho Công ty Thái Hưng để đầu tư dự án trường học liên cấp quốc tế Iris.

Nhóm PV

Tin nổi bật