Theo quan niệm truyền thống của người Việt, tháng 12 âm lịch (còn gọi tháng Chạp) là tháng cuối cùng của năm. Do đó, đây cũng là tháng để chuẩn bị “tống cựu, nghinh tân”, tiễn những điều cũ và đón điều an lành trong năm mới.
Nhìn chung, lễ cúng Rằm tháng Chạp không khác nhiều so với những ngày rằm khác. Thế nhưng, vì đây là ngày rằm cuối cùng của năm nên nhiều gia đình thường chuẩn bị tươm tất hơn, vừa để tạ ơn gia tiên, thần linh, vừa cầu mong những điều tốt lành, may mắn trong năm mới.
Tùy theo văn hóa mỗi nơi và điều kiện gia đình, mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ được chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau. Ảnh minh họa
Cúng Rằm tháng Chạp năm Nhâm Dần 2022 giờ nào đẹp?
Theo quan niệm dân gian xưa, cúng Rằm tháng Chạp nên làm vào đúng ngày rằm hoặc trước đó 1 ngày, tức ngày 14 tháng Chạp âm lịch. Ngoài 2 ngày này, dân gian tin rằng cúng rằm vào các ngày khác đều không thiêng.
Năm nay, Rằm tháng Chạp rơi vào thứ Sáu, ngày 6/1/2023. Tùy thuộc vào công việc, gia đình có thể dâng cúng vào ngày 14 âm lịch, tức ngày 5/1/2023 dương lịch hoặc cúng đúng ngày rằm.
Nếu cúng Rằm tháng Chạp vào 2 ngày nói trên, bạn có thể tham khảo các khung giờ tốt sau:
- Ngày 14 âm lịch:
Bính Thìn (7h-9h): Tư Mệnh
Mậu Ngọ (11h-13h): Thanh Long
Kỷ Mùi (13h-15h): Minh Đường
Nhâm Tuất (19h-21h): Kim Quỹ
- Ngày 15 âm lịch
Đinh Mão (5h-7h): Ngọc Đường
Canh Ngọ (11h-13h): Tư Mệnh
Nhâm Thân (15h-17h): Thanh Long
Quý Dậu (17h-19h): Minh Đường
Mặc dù không có quy định cụ thể về ngày giờ làm lễ cúng nhưng các gia đình nên cúng Rằm tháng Chạp vào ban ngày hoặc chiều tối, không nên cúng quá muộn, tốt nhất nên cúng trước khi trời tối.
Lễ cúng Rằm tháng Rạp cần chuẩn bị những gì?
Tùy theo văn hóa mỗi nơi và điều kiện gia đình, mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ được chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau, có nhà làm cả mâm cỗ cúng chay và mặn.
Với mâm cỗ cúng chay, dù ít hay nhiều, to hay nhỏ thì đều cần có đủ 5 lễ vật là hương (nhang), hoa tươi, đèn hoặc nến, quả tươi và các món chay. Hương (nhang) thường chọn loại tự nhiên, không dùng loại có nhiều chất hoá học gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Hoa tươi có thể chọn những loại hoa dâng lên ban thờ như hoa cúc, hoa huệ… Quả tươi có nhiều lựa chọn hơn nhưng bạn có thể chọn ngũ quả để tượng trưng cho sự đủ đầy và cân bằng.
Lưu ý, nếu không dùng nến thì có thể dùng đèn thắp sáng nhưng nến sẽ mang đến cảm giác ấm cúng hơn. Mâm cỗ chay Rằm tháng Chạp còn gồm các món như rau củ luộc, canh nấm, nem chay rau củ, bánh chưng đậu xanh…
Với mâm cỗ cúng mặn, gia đình cần chuẩn bị đĩa xôi gấc đầy đặn và đỏ au tượng trưng cho sự may mắn. Bạn cũng có thể thay bằng xôi đỗ, xôi hạt sen. Mâm cỗ còn có bát canh măng mọc/ canh bóng thả màu sắc, bát miến, gà luộc, giò cắt hoa và nem rán.
Vào ngày Rằm tháng Chạp, nhiều gia đình cũng dâng lên tổ tiên một đĩa bánh chưng xanh gợi thêm không khí xuân mới, giúp mâm cỗ thêm hài hòa. Món xào trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ dễ nấu đến cầu kỳ, ví dụ như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông...
Nhìn chung, lễ cúng Rằm tháng Chạp không cần quá cầu kỳ nhưng gia đình cần thành tâm. Cúng Rằm tháng Chạp là nghi lễ tâm linh tưởng nhớ, thức tỉnh và gửi gắm nhiều hy vọng. Trong lễ cúng này, các gia đình chủ yếu cầu khấn về sức khỏe, may mắn và bình an cho cả nhà.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm
Đinh Kim (T/h)