Tuy có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không biết cách uống điều độ và đúng cách thì trà thảo dược cũng có thể khiến người dùng mất mạng.
Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada vừa công bố nghiên cứu mang tính cảnh báo thông qua trường hợp một nam bệnh nhân 84 tuổi, phải đi cấp cứu với huyết áp tăng lên tới 180/120 mmHg, một con số cực cao, nguy hiểm đến tính mạng.
Cam thảo có thể giúp tách trà thêm hương vị nhưng có thể là "tử thần" với người cao huyết áp - ảnh minh họa từ internet |
Trước đó, bệnh nhân này còn bị hành hạ thường xuyên bởi nhiều vấn đề và tưởng rằng đó là do tuổi già: Đau đầu, mắt quá nhạy cảm ánh sáng, đau ngực, mệt mỏi, sưng phù, ứ nước ở bắp chân… Kết quả kiểm tra còn phát hiện tình trạng quá tải thể tích, một vấn đề tuần hoàn.
Bệnh nhân hiện tại bị cao huyết áp, tiền sử bệnh động mạch vành và tiểu đường type 2, tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân của tất cả các vấn đề kể trên. Sau khi hỏi kỹ bệnh nhân về thói quen ăn uống, các bác sĩ biết được ông có thói quen uống 1-2 ly trà cam thảo mỗi ngày, trong vòng 2 tuần liên tục trước khi nhập viện.
Và quá liều cam thảo chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt triệu chứng, bao gồm cú "bùng nổ" huyết áp chết người.
Rất may, do thể trạng bệnh nhân tốt nên sau 24 giờ nghỉ ngơi và điều trị bằng thuốc huyết áp, các triệu chứng đã dần biến mất. Ông được xuất viện 13 ngày sau đó với lời khuyến cáo ngừng ngay thói quen uống trà thảo dược.
Ca bệnh nêu trên là điển hình bị tác dụng phụ do dùng cam thảo dư thừa. Hiện tượng này có thể xảy ra với tất cả các dạng chế phẩm của cam thảo như: Trà cam thảo, bánh kẹo chứa cam thảo đen, hoặc thực phẩm, đồ uống có chất phụ gia từ cam thảo. Người bị cao huyết áp nên được bác sĩ của mình khuyến cáo cẩn trọng với cam thảo.
Không cứ cam thảo mà hiện trên thị trường còn rất nhiều loại trà thảo dược khác được nhiều người tự ý mua về dùng hàng ngày như: Hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, thìa canh, bá bệnh, hoàn ngọc, diệp hạ châu, nha đam, lược vàng, cỏ sữa, lá sen khô… nhằm mục đích giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hoá, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hoá, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật...
Cần sử dụng trà thảo dược một cách thận trọng. |
Theo phó giáo sư Nguyễn Phương Dung, Trưởng khoa y học cổ truyền kiêm Trưởng bộ môn bào chế đông dược, đại học Y dược TP. HCM, để phòng bệnh, người bình thường chỉ nên sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau, trái như: Bí đao, đậu bắp, khổ qua, rau đắng… với liều tương đương lượng thực phẩm ăn hàng ngày.
Theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, có những loại trà dược phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì vậy, để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất, cần sử dụng điều độ, không thái quá hay lạm dụng, tránh uống thường xuyên một loại trà đặc có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá, giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1... Khi dùng phải chú ý kết hợp hợp lý, tuỳ tính chất, thể chất và giai đoạn bệnh tật.
“Tốt nhất cần đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà thảo dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có chỉ định của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà thảo dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà dược có thể bị ngộ độc dược chất”, bác sĩ Hoàng nói.
Minh Khôi (T/h)