Việc giới thiệu, chia sẻ những dịch vụ trải nghiệm của người nổi tiếng với khán giả vốn không còn xa lạ trên mạng xã hội. Đây cũng dần trở thành phương thức được các nhà bán hàng, cung cấp dịch vụ lựa chọn.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, trên Facebook xuất hiện hàng loạt dòng trạng thái của các diễn viên, người nổi tiếng về dịch vụ "xem tử vi miễn phí" có nội dung tương tự nhau như:
"Mới được chỉ chỗ xem tử vi mà hết hồn, sao có thể nói "ĐÚNG" đến thế chứ. Xem không mất "xiền" (tiền) đâu nhưng mà nói CHUẨN quá. Ai cần em chỉ chỗ cho nhé".
"Tình cờ được 1 cô bé hữu duyên xem tử vi cho và mình nhớ mãi đến tận bây giờ. Cũng không lấy phí gì đâu, nhưng nói rất đúng và chuẩn. Nếu bạn nào cần có thể vào đây mình chỉ chỗ nhé?".
Các nghệ sĩ đăng bài chia sẻ về xem tử vi.
Sau đó dưới phần bình luận của bài đăng, chủ tài khoản sẽ chia sẻ thêm đường link dẫn tới "người xem tử vi". Đặc biệt hơn, khi nhấn vào những đường link được giới thiệu đều dẫn đến các cửa hàng bán đồ phong thủy, chia sẻ những thông tin về tướng số, may - rủi
Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, dưới những bài đăng thảo luận về việc giới thiệu xem bói miễn phí của nhiều sao Việt, nhiều cư dân mạng khẳng định đây chỉ là chiêu trò quảng cáo vốn không hề mới.
Cư dân mạng bức xúc về việc quảng cáo dịch vụ xem tử vi của các nghệ sĩ.
Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật về sự việc trên, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Trưởng khoa Văn hóa Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết:
“Hiện nay, nền kinh tế thị trường bao gồm cả thị trường thực tế và thị trường ảo trên mạng internet, đều được các đơn vị tổ chức, cá nhân tận dụng để phát triển thương hiệu. Đặc biệt, thị trường trên mạng mang lại rất nhiều lợi ích, giúp hình ảnh thương hiệu được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, song song với đó cũng tồn tại nhiều điểm tiêu cực.
Về việc xuất hiện một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những vấn đề tâm linh, đồng thời lồng ghép các yếu tố tâm linh để quảng cáo bán sản phẩm, theo tôi việc làm này không tốt, trái về đạo đức. Việc tâm linh phải xuất phát từ tâm, từ lòng thành của bản thân. Việc người bán mượn dư luận của quần chúng để tô vẽ thêm cho hoạt động kinh doanh nhằm trục lợi là những hành động chúng ta cần phê phán. Cộng đồng mạng cần hết sức tỉnh táo trước những lời tuyên truyền đó.
Các quy định của pháp luật trong Luật Quảng cáo, Luật Doanh nghiệp, các quy định Về Sử Dụng Mạng Xã Hội cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân không được phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục”.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Trưởng khoa Văn hóa Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Không phải đến bây giờ mới có hiện tượng các nghệ sĩ, người nổi tiếng dùng uy tín và sức ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, thậm chí vi phạm pháp luật. Trước đó, năm 2021, hàng loạt nghệ sĩ đã đồng loạt đăng tải thông tin về một mã tiền ảo trên trang cá nhân, nhưng không lâu sau đã phải gỡ bài vì bị chỉ trích "lùa gà" trá hình.
Chia sẻ về giải pháp nhằm khắc phục những hiện tượng tiêu cực này trên mạng xã hội, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết thêm:
“Song song với sự phát triển của kinh tế xã hội, thế giới ảo ngày càng được mở rộng. Trong cộng đồng mạng lại có rất nhiều lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, trình độ khác nhau. Nhiều người dùng mạng xã hội không am hiểu, dễ tin tưởng vào các thông tin chưa được kiểm định. Do đó, để hạn chế các hiện tượng tiêu cực, truyền thông phải làm tích cực hơn nữa, nhằm cảnh báo, hướng dẫn cho người dân khi tham gia vào thị trường mua bán trên mạng.
Bên cạnh việc sử dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, nhiều nhãn hàng còn đánh bóng tên tuổi bằng cách dựng lên những đại tá, giáo sư, bác sĩ đã từng sử dụng sản phẩm, khiến người tiêu dùng tin rằng những người trí thức, có chức vụ trong xã hội cũng đang tin dùng những sản phẩm đó.
Các nước văn minh hiện nay đã đầu tư rất nhiều cho an ninh mạng, bao gồm cả lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, nhằm nhanh chóng phát hiện các hành vi không trung thực hoặc có tính chất lừa đảo để ngăn chặn kịp thời.
Do đó, muốn công tác tuyên truyền cho người dân được hiệu quả thì công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật trong nước cũng phải cần phải nâng cao hơn nữa, để có thể sàng lọc, xử lý các trường hợp sai phạm, cụ thể trong trường hợp này là các hành vi buôn thần bán thánh, buôn bán các sản phẩm với giá cao, không đúng với giá trị thực”.
PV