Báo Người Lao Động đưa tin tối 7/2 (tức 28 tháng Chạp), Đội CSGT Chợ Lớn (Phòng CSGT Công an TP.HCM) lập chốt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn tại giao lộ đường Ba Tháng Hai – Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM).
Lực lượng CSGT đã kiểm tra 245 xe máy trong hơn 2 giờ làm nhiệm vụ, trong đó có 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt xa mức xử phạt "kịch" khung.
Cụ thể, lúc 19h49 ngày 7/2, lực lượng chức năng phát hiện ông N.H.T. (52 tuổi, ngụ quận 10) chạy xe máy có dấu hiệu say xỉn nên đã ra hiệu dừng phương tiện và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn với người này.
Thiết bị kiểm tra thể hiện nồng độ cồn trong khí thở của ông T. lên tới 0.957 mg/lít, vượt xa mức xử phạt kịch khung (0,4 mg/l khí thở). Ngoài ra, ông T. không có giấy đăng kí xe và không có bằng lái xe máy, bước đi không vững.
Cán bộ xử lý cho biết, với lỗi vi phạm này, ông T. sẽ bị phạt hành chính 7 triệu đồng, giam giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn ông N.H.T. Ảnh: Báo Phụ Nữ
Nam tài xế liên tục đi theo xin CSGT đừng xử phạt khi biết CSGT sẽ tạm giữ xe máy. Lúc không được đồng ý, ông T. vứt biên bản vi phạm và CCCD của mình, liên tục có lời nói mất kiểm soát chửi lực lượng chức năng, dùng những từ ngữ xúc phạm.
Nam tài xế phân trần, hôm nay công ty có tất niên, ông chỉ tham gia không định uống nhưng khi được thưởng Tết 2 triệu đồng thì ông đã uống 5 lon bia.
"Tôi biết luật, tôi biết mình đã vi phạm nhưng tôi không có tiền. Giữ biên bản cũng không thể lên nhận xe được đâu, tôi quyết định cứ ngồi ở đây vì không có gì để về nhà, không biết nói chuyện với vợ con như thế nào", ông T. nói.
Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng khác là ông N.A.T (56 tuổi, trú tại Hóc Môn). Nam tài xế này có kết quả đo nồng độ cồn là 0,945 mg/lít khí thở, không xuất trình được CCCD, không có giấy phép lái xe và giấy tờ xe.
Đáng nói, khi dừng xe tại chốt kiểm tra nồng độ cồn, ông A.T. do quá say dẫn đến hành vi mất kiểm soát ngã nhào ra đường, lực lượng CSGT phải tiến hành đỡ ông tạm vào vỉa hè để thực hiện công tác kiểm tra, xử lý.
Ông N.A.T có kết quả đo nồng độ cồn là 0,945 mg/lít khí thở. Ảnh: Người Lao Động
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, nam tài xế N.D.T. (46 tuổi, ngụ quận 4) có kết quả đo nồng độ cồn là 0,476 mg/lít khí thở và không có giấy phép lái xe. Khi biết mình vi phạm, tài xế này vẫn còn đủ tỉnh táo rất hợp tác ký vào biên bản và giao xe cho CSGT, sau đó bắt xe chở về nhà.
Trong khi đó, có kết quả đo nồng độ cồn là 0,256 mg/lít khí thở, ông N.A (45 tuổi, quê Quảng Ngãi) bước đi loạng choạng và cù nhây với CSGT khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, lúc vi phạm lại nói bản thân không biết chữ. CSGT đã phải mất nhiều thời gian chờ nam tài xế ký biên bản vi phạm.
Trong diễn biến liên quan, báo Lao Động dẫn thông tin từ Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), cho biết, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT TP.HCM sẽ huy động tối đa lực lượng để đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực bến xe, nhà ga, bến cảng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các khu vực đường nối với cao tốc, khu vực nội ô.
XEM THÊM: Hình Rồng thời Lý tạo bởi 2.024 thiết bị bay không người lái rực sáng trên bầu trời Hà Nội
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, lực lượng CSGT TP.HCM sẽ tăng cường phối hợp với công an cấp huyện, lực lượng thanh niên xung phong, thanh tra giao thông, các Đội nghiệp vụ của Cục CSGT ở 2 đầu cao tốc để đảm bảo tối đa tình hình trật tự an toàn giao thông, hỗ trợ người dân về quê nghỉ Tết.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, vào đêm giao thừa sẽ có các hoạt động về bắn pháo hoa, lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, lực lượng CSGT bố trí đầy đủ tại các giao lộ, các điểm phức tạp để điều tiết giao thông.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình nói thêm, trong thời điểm trước, trong và sau Tết, lực lượng CSGT TP.HCM tăng cường kiểm tra nồng độ cồn để xử lý nghiêm những trường họp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, trong thời điểm Tết, lực lượng CSGT cũng tăng cường công tác phòng chống đua xe, tuần tra kiểm soát xử lý chuyên đề nồng độ cồn kết hợp với hoạt động phòng chống tội phạm trong quá trình điều tiết giao thông.
Đinh Kim (T/h)