(ĐSPL) - Dụ dỗ photo sổ đỏ, sổ hộ khẩu và giấy CMTND để liên kết trồng rừng. Họ hứa sẽ hỗ trợ rất nhiều tiền cho người dân để chăm sóc rừng và mở tài khoản ngân hàng. Thực chất, đây chỉ là chiêu lừa hết sức tinh vi và bài bản.
Như Đời sống và Pháp luật đã đưa tin về hiện tượng Công ty Rừng Toàn Cầu tổ chức khuếch trương tại nhiều tỉnh thành về số vốn sở hữu lên tới... 39 tỷ USD. Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cho rằng: Chỉ mới nghe qua đã biết là lừa đảo! Và nhiều khả năng đây là chiêu “mồi” của công ty này nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt vốn của các thành viên khi “tự nguyện” tham gia.
Thời gian vừa qua, hàng trăm người dân ở 3 xã: Như Khuê, Minh Phát, Nhượng Bạn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã bị một số đối tượng lạ mặt tự xưng là nhân viên một công ty thành viên thuộc Công ty Rừng Toàn Cầu dụ dỗ photo sổ đỏ, sổ hộ khẩu và giấy CMTND để liên kết trồng rừng. Họ hứa sẽ hỗ trợ rất nhiều tiền cho người dân để chăm sóc rừng và mở tài khoản ngân hàng. Thực chất, đây chỉ là chiêu lừa hết sức tinh vi và bài bản.
|
Vì cả tin, nhiều người dân ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn đã dính chiêu lừa của nhân viên công ty Rừng Toàn Cầu mang tên “liên kết trồng rừng”. |
Hứa hẹn lợi nhuận “khủng”
Mặc dù vụ lừa sổ đỏ gây chấn động huyện Lộc Bình đã xảy ra cách đây một thời gian, nhưng những người dân trong huyện vẫn còn chưa hết bàng hoàng.
Nói như lời của ông Hoàng Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình thì, đây là vụ lừa đảo tinh vi và bài bản chưa từng xảy ra trên địa bàn huyện miền núi này. Một số đối tượng lạ mặt tự nhận mình là người của Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế – Rừng bền vững Toàn Cầu (công ty Rừng Toàn Cầu) đã đến các vùng sâu, vùng xa của huyện Lộc Bình, thu gom sổ đỏ để thực hiện những kế hoạch “mờ ám”. Lúc đầu, họ chỉ yêu cầu thu các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao công chứng) để tham gia dự án liên kết trồng và chăm sóc rừng. Người dân thấy không mất gì mà còn được hỗ trợ tiền công chăm sóc, họ rủ nhau tham gia. Sau khi đã thu bản photo công chứng, Công ty này tung tin đã có tiền để yêu cầu thêm các giấy tờ khác nhằm lừa đảo người dân.
Họ đã cấu kết với các ông Hoàng Văn Tăng (Trưởng Công an xã Nhượng Bạn) và ông Vi Văn Hòa (Công an xã Minh Phát) để tạo uy tín kế hoạch. Các đối tượng này đã đến các xã Như Khuê, Minh Phát, Nhượng Bạn, Hữu Lân, Xuân Tình (đều thuộc huyện Lộc Bình) để vận động chính quyền và người dân địa phương tham gia dự án liên kết trồng rừng, đồng thời tự ý tiến hành thu gom trái phép bản sao các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu gia đình và CMTND.
Nhóm người của Công ty đưa ra các lý do như: Để thực hiện việc ký hợp đồng liên kết trồng rừng, chăm sóc rừng đối với các hộ dân thì phải có sổ đỏ. Họ buông những lời hứa hẹn như “rót mật vào tai” rằng, xã nào tham gia dự án sẽ được mở tài khoản tại Ngân hàng NN&PTNT và mỗi ha đất trồng mới sẽ được nhận 15 triệu đồng, nếu đất đã có rừng thì chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2012 đến tháng 11/2012, Công ty này đã gấp rút thu gom giấy tờ của các hộ dân ở địa phương. Không hiểu vì lý do gì mà UBND của 3 xã Như Khuê, Minh Phát, Nhượng Bạn đã tự ký kết hợp đồng với công ty trên?
Qua tìm hiểu, PV được biết, các hộ dân đã tự ý đi photo các loại giấy tờ mà Công ty yêu cầu. Chỉ tính riêng trên địa bàn 3 xã: Nhượng Bạn, Minh Phát, Như Khuê đã có 179 hộ gia đình ở 17 thôn, bản giao bản sao hộ khẩu, CMND và khoảng 500 bản sao Giấy chứng nhận sử dụng đất rừng cho Rừng Toàn Cầu.
Ngỡ ngàng vì bị lừa
Sau khi phát hiện sự việc bất thường, UBND huyện Lộc Bình đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn, tiến hành thu hồi các giấy tờ liên quan, bàn giao cho các xã để trả lại cho hộ dân.
Ông Vinh cho biết, lo ngại về việc các đối tượng của Công ty dùng tài khoản để hoạt động phi pháp, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra các tài khoản đã mở thì chưa có một khoản tiền nào được chuyển vào cũng như dùng để giao dịch. Cũng theo ông Vinh, Công ty này chưa được cấp có thẩm quyền của tỉnh đồng ý về chủ trương cũng như cho phép khảo sát và lập dự án.
Do đó, hoạt động thu gom giấy chứng nhận sử dụng đất rừng và các giấy tờ liên quan của nhân dân như trên là chưa đúng pháp luật. UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm tình hình và có giải pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, đến thời điểm phát hiện, Công ty đã thu gom được hơn 500 bộ hồ sơ của nhân dân ở 17 thôn thuộc 3 xã nói trên. Không ai dám chắc rằng, số giấy tờ đó vẫn “ổn” chưa bị họ sử dụng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật.
Khi được nghe phân tích, người dân mới “ngã ngửa” vì bị lừa. Lợi nhuận thì chưa thấy đâu mà công sức và tiền bạc bỏ ra để “chạy” vào dự án cũng biến mất. Mặc dù một số hộ dân đã đòi lại được giấy tờ gốc và công chứng, nhưng người dân địa phương vẫn chưa hết hoang mang. Họ lo sợ các đối tượng xấu sẽ đem giấy tờ photo để hoạt động phi pháp.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Văn Hùng, Chủ tịch xã Nhượng Bạn cho biết: Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các hộ dân đã được trả lại các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, số tiền bỏ ra để thực hiện các thủ tục liên kết trồng rừng vẫn chưa đòi được. Nếu vụ việc không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì hậu quả khôn lường thế nào? Người dân địa phương cần cảnh giác với những hứa hẹn “khủng” của doanh nghiệp.
Theo nguồn tin từ phía Công an tỉnh Lạng Sơn, công ty Rừng Toàn Cầu vẫn đang xin chủ trương đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, hồ sơ của công ty này vẫn đang trong quá trình thẩm định để cấp phép, chưa được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh phê chuẩn. Do vậy, việc Công ty và Chủ tịch UBND 3 xã nói trên thực hiện các hoạt động liên kết đầu tư trồng là trái với quy định của pháp luật.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tình hình thu gom sổ đỏ của các doanh nghiệp không chỉ diễn ra duy nhất trên tỉnh Lạng Sơn mà còn diễn ra trên khắp cả nước, nổi cộm như các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu.
Nhìn tổng thể thì quy trình và cách thức thu gom sổ đỏ của “tập đoàn” này rất giống nhau. Các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách của Nhà nước như: Chương trình bảo vệ và phát triển rừng; Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng mà người dân đã được phổ biến.
Chính vì vậy, đa số người dân đều cho rằng, đây là dự án đáng tin cậy. Ngoài ra, họ còn tự “vẽ” ra các dự án như: Rà phá bom mìn; Hành lang xanh; Phủ xanh đất trống đồi núi trọc để tuyên truyền. Họ hứa hẹn sẽ cấp khoảng 20-30 triệu đồng/ha để thực hiện dự án trồng rừng.
Để có người đứng ra thu gom, họ đã thuyết phục người địa phương đứng ra “môi giới” với mức “hoa hồng” từ 500.000 đến 2 triệu đồng/ha khi dự án được giải ngân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tự phô trương thanh thế bằng cách giới thiệu là người của bộ Công an, bộ Tài chính, bộ NN&PTNT, thậm chí là người của Chính phủ... đến UBND các tỉnh, chính quyền địa phương để xin dự án.
Sau khi “cá đã cắn câu”, chúng sẽ đưa cá nhân, doanh nghiệp đến trụ sở cơ quan Nhà nước và ngân hàng để nộp hồ sơ chờ giải ngân. Nhưng thực chất, đây chỉ là mánh khóe để tạo lòng tin đối với người dân và ngân hàng. Hơn nữa, họ còn nói rằng, dự án đó còn được chính phủ nước ngoài hỗ trợ về nguồn vốn và khoa học kỹ thuật.
Trước tình hình trên, bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu cảnh giác, điều tra, xác minh và xử lý nghiêm với các trường hợp có hành vi lừa đảo khi thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Kỷ luật lãnh đạo “nhẹ dạ cả tin”
“Hầu hết các sổ đỏ đã được lực lượng chức năng thu hồi gần hết. Nhưng tại thời điểm đó, nhóm người của Công ty Rừng Toàn Cầu cũng mất hút, không lý do. Huyện đã tự nhận trách nhiệm chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
Sau khi để sự việc đáng tiếc xảy ra, chúng tôi đã tiến hành xử lý nghiêm các lãnh đạo vi phạm. Lãnh đạo các xã Minh Phát, Nhượng Bạn, Như Khuê và những người đứng ra dụ dỗ bà con tham gia dự án đều đã nhận mức kỷ luật là phê bình vì đã không sâu sát với công việc, làm ảnh hưởng uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và lòng tin của nhân dân” – ông Hoàng Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình nói.
Hoàng Thế Tào