Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công ty đa cấp New One: Giở đủ trò "móc túi" người thất nghiệp

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Để duy trì “sự sống” sau khi bị lộ chân tướng loại hình kinh doanh đa cấp, công ty TNHH New One vẫn tiếp tục cho đăng tràn lan các vị trí tuyển dụng với đủ ngành nghề, kích thích sự tò mò của người thất nghiệp.

(ĐSPL) - Để duy trì “sự sống” sau khi bị lộ chân tướng loại hình kinh doanh đa cấp, công ty TNHH New One vẫn tiếp tục cho đăng tràn lan các vị trí tuyển dụng với đủ ngành nghề, yêu cầu từ bằng cấp trình độ thấp đến cao để kích thích sự tò mò của người thất nghiệp.

Khi "ông chủ, bà chủ" nhặt từng đồng phụ thu

Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Trọng H., một người chạy xe ôm cạnh công ty TNHH New One cho biết: "Mỗi ngày công ty New One có hàng trăm người cầm hồ sơ đến xin việc. Đa số họ đến khu vực này hỏi thăm địa chỉ số 17D, nhưng lại nhắc tên rất nhiều công ty khác nhau như công ty Minh Phát, công ty Hoàng Minh, rồi công ty TNHH New One - chi nhánh con của công ty TNHH World Nets Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người đến một lần rồi không trở lại, còn với người chưa biết về các công ty có chung một địa chỉ trên thì tiếp tục đến lần thứ hai, thứ ba. Khi đến nộp hồ sơ, nếu không đến đúng giờ, nhân viên công ty lại hẹn buổi chiều, hoặc một ngày khác để phỏng vấn. Tính trung bình mỗi lượt người vào công ty xin việc nhanh thì 15 - 20 phút, chậm thì 3 - 4 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày từ sáng sớm đến đêm, công ty TNHH New One có hàng trăm lượt người ra vào liên tục".

Theo Tìm hiểu, do hoạt động làm ăn của công ty ngày một đi xuống nhưng vẫn phải bảo vệ hình ảnh của mình nên công ty TNHH New One đã thuê quán cà phê Lối Nhỏ cạnh bên và phần đường đối diện cổng công ty làm bãi giữ xe. Tính trung bình, mỗi lượt ra vào của khách là 5 ngàn đồng /lượt. Mỗi lần người xin việc đến trễ vài phút thì nhân viên lễ tân yêu cầu họ gọi điện lại cho người đăng tin tuyển dụng để đặt một buổi phỏng vấn mới. Do vậy, người tìm việc phải lấy xe về và lại đến công ty vào buổi khác để tiếp tục gửi xe. Một số người đến phỏng vấn vào buổi sáng nhưng không gặp được người phỏng vấn sẽ được hẹn vào đầu giờ chiều. Sau đó, họ vào quán cà phê Lối Nhỏ ngồi uống nước đợi phỏng vấn theo lịch. Chị Trần Thị M. (40 tuổi) bán hàng tạp hóa gần công ty TNHH New One cho biết: "Mỗi ngày công ty TNHH New One thu về hàng triệu đồng tiền giữ xe cho khách đến nộp hồ sơ, đi phỏng vấn hay thử việc và cả các nhân viên "sa chân" vào đây".

Tại quán cà phê Lối Nhỏ, chủ quán luôn niềm nở chào đón khách. Khi chúng tôi hỏi thêm thông tin về công ty TNHH New One thì ông chủ hồ hởi quảng cáo: "Công ty kinh doanh uy tín lắm, cung cách làm việc lịch thiệp, đúng giờ giấc và đào tạo nhân viên chuyên nghiệp?!...". Cùng ngồi quán cà phê với chúng tôi có một nhóm khách khác đang trò chuyện. Khi nhóm khách đứng dậy tính tiền nước, họ bị chủ quán cà phê phụ thu thêm 5 ngàn đồng vì mang thêm một ổ bánh mì vào quán ngồi ăn. Do bị thu thêm phí dịch vụ, vị khách nữ tỏ thái độ không hài lòng. Thế nhưng, người thanh niên đi cùng liền chỉ tay về phía tờ giấy dán ngay cửa quán cà phê có dòng chữ "Phụ thu phí 5 ngàn /lượt khách".

Từ nhiều nguồn tin khác nhau cho biết, có nhiều nhân viên chính thức hiện nay đang làm việc tại công ty thực chất cũng là những "con mồi" đã dính bẫy "tiến thoái lưỡng nan", bỏ việc không được, làm tiếp cũng không xong. Vì vậy, họ chỉ đến công ty được 2 - 3 tháng để học cách giao tiếp trước đám đông, sau đó nghỉ việc bởi không tìm được khách hàng mới. Thêm vào đó, mỗi  ngày đến công ty các nhân viên vẫn phải chi trả rất nhiều loại chi phí từ trên trời rơi xuống như tiền gửi xe, tiền nước uống ngồi hẹn con mồi phỏng vấn, tiền phí dịch vụ, cả tiền đầu tư cho những bộ quần áo vest văn phòng để ra dáng "ông chủ, bà chủ". Với nhiều khoản đầu tư phải bỏ ra như thế, không ít nhân viên không thể trụ lâu tại công ty được mà phải nghỉ ngang.

Quán cà phê Lối Nhỏ bên cạnh công ty TNHH New One - nơi trông giữ hàng trăm chiếc xe mỗi ngày. Ảnh T.Trịnh.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Trong những ngày thâm nhập vào công ty TNHH New One, nhóm PV được gặp bạn Võ Thị Huyền M. (ngụ quận Bình Thạnh), người bị lừa đến phỏng vấn vị trí nhân viên thống kê, nói: "Vừa vào tới cửa công ty em đã nghi ngờ là công ty bán hàng đa cấp. Nhưng do muốn tìm hiểu cách thức làm việc của họ có khác biệt gì với các công ty trước đây nên em đã vào thử. Quả thật, họ vẫn dùng cách làm ăn lôi kéo người khác tham gia vào công ty, và chỉ cần bán được hàng là tạo được hệ thống cấp dưới. Khi có cấp dưới, mình không cần đi làm vẫn có lương đầy đủ. Lúc nghe em nói từ chối làm vì không có tiền đầu tư, một anh nhân viên ăn mặc sang trọng nói: "Sao em không thử tạo một cơ hội cho mình nhỉ. Nếu hiện tại không có tiền mua hàng để đầu tư, các anh chị ở đây sẽ giúp. Điều quan trọng em có sẵn sàng, đam mê làm giàu không...?".

Chị Võ Thị Huyền M. (ngụ quận Bình Thạnh) đang phản ánh về công ty TNHH New One. Ảnh H.Trần.

Như lời phản ánh của bạn M., nhân viên công ty TNHH New One còn liên tục thay nhau theo chân người xin việc ra tận ngoài cổng, tư vấn thêm về những cơ hội làm giàu nhanh chóng. Họ không ngừng quảng bá những quyền lợi như được đi nghỉ mát, du lịch nước ngoài hàng năm, được "học hỏi" kinh nghiệm làm việc với những doanh nhân thành đạt trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, một số nhân viên còn kiêu ngạo nói: "Tụi em sẽ không thể trưởng thành và tìm được môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động nào giống như ở đây?! Nếu tụi em không có khách hàng ngay, không có tiền để đầu tư mua hàng (nghĩa là 5 triệu đồng cho một đơn hàng để trở thành nhân viên chính của công ty) thì cứ đóng một ít tiền trước để làm thẻ nhân viên rồi đi làm ít hôm, công ty sẽ hỗ trợ cho em".

Trao đổi với nhóm PV về hình thức kinh doanh của các công ty bán hàng đa cấp, anh Nguyễn Văn T. (làm việc tại vị trí kinh doanh) từng làm việc cho một công ty bán hàng đa cấp tại quận Thủ Đức nhưng nay đã nghỉ việc nói: "Công ty này luôn đào tạo nhân viên làm việc theo kiểu tham gia học các lớp giao tiếp, hô khẩu hiệu với nhau rôm rả, rồi tìm cách thuyết phục người khác vào công ty làm việc, mua hàng. Mình trót dại sa chân vào một công ty kinh doanh đa cấp với mộng "làm giàu không khó", sau đó nhận ra bộ mặt thật của nó nên đã nghỉ. Chỉ thương cho những sinh viên nghèo, thiếu kiến thức về kinh doanh đa cấp "tự rước họa vào thân"".

Bởi không rõ ngọn ngành về hình thức bán hàng đa cấp, nhiều người xuất thân từ các vùng quê nghèo lên thành phố, hoặc những sinh viên mới ra trường muốn lập nghiệp lớn, nên nghe đến thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng khi làm việc tại công ty TNHH New One đã dễ dàng tin theo. Hơn nữa, nắm được tâm lý của người địa phương, nhân viên công ty thường lấy cớ nhận đồng hương để tạo sự tin tưởng. Chẳng hạn, hôm PV đến xin việc, nam nhân viên nhìn vào phần nơi sinh ở bìa hồ sơ để lấy lòng: "Em quê ở Quảng Trị hả? Cùng quê với anh nhé! Em vào đây làm có gì anh em mình giúp đỡ cho nhau". Tiếp đến, người đồng hương Quảng Trị niềm nở hỏi thêm các thông tin cá nhân: "Em đi làm lâu chưa? Có ước mơ làm giàu không...? " rồi tìm cách "mồi chài" để người xin việc cảm thấy hứng thỏ, tin tưởng với công việc kinh doanh của công ty.        

Nhiều trường hợp kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đã bị biến tướng để lừa đảo

Luật gia Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn pháp lý TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam phân tích: "Hình thức kinh doanh đa cấp là một loại hình kinh doanh phát triển ở thế giới ngày nay. Từ khi nước ta gia nhập WTO đã kéo theo quy trình kinh tế đi theo xu hướng toàn cầu hóa. Hiện nay, tại Việt Nam, Nhà nước đã cấp giấp phép kinh doanh hoạt động cho một số công ty đa cấp đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế đã thấy rằng nhiều trường hợp kinh doanh theo hình thức này đã bị méo mó, biến tướng thành một trò dụ dỗ lừa đảo khách hàng. Nhiều mặt hàng đa cấp, giá sản phẩm chỉ đáng 10 nay được công ty bán lên 20, 30 so với giá trên thị trường... Như vậy, tâm lý người tiêu dùng khi mua hàng sẽ có cảm giác như bị lừa đảo. Thế nhưng, pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp, do đó, người dân cần cảnh giác cao độ khi nghe thông tin quảng cáo từ các công ty trên".

Kỳ 3: Từ ảo vọng tỷ phú đến vỡ mộng "tay không bắt giặc"

HUỆ TRẦN – TỐ TRINH

Xem thêm clip: Phản ứng của Trung Quốc trước Tuyên bố của ASEAN


Tin nổi bật