Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công ty của thiếu gia Phan Thành có liên quan gì đến vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp?

(DS&PL) -

Luật sư bào chữa cho nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bất ngờ trình HĐXX văn bản thỏa thuận giữa Công ty Diệp Bạch Dương và Công ty Phan Thành.

Tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa cho nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bất ngờ trình HĐXX văn bản thỏa thuận việc Công ty Diệp Bạch Dương và Phan Thành ký hợp đồng thuê lại tổ hợp nhà đất số 185 Hai Bà Trưng với sự đồng ý của ngân hàng.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Ngày 24/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cùng 8 đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu đất vàng 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM).

Tại phiên tranh luận này, VKS đối đáp về việc cáo buộc bà Dương Thị Bạch Diệp- Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, gian dối khi đổi nhà 57 Cao Thắng lấy 185 Hai Bà Trưng đã cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng

Luật sư Phan Trung Hoài- người bào chữa cho bà Diệp chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa hồ sơ Văn phòng đăng ký đất đai sở TN&MT TP.HCM cung cấp và hồ sơ do cơ quan tố tụng thu thập.

Đáng chú ý, trong phần tranh luận đối đáp, luật sư Hoài trình cho HĐXX văn bản thỏa thuận được lập vào ngày 18/9/2014 có liên quan tới Agribank, Công ty Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH TMDV Phan Thành.

Cụ thể, theo văn bản thỏa thuận này, bên nhận tài sản thế chấp (bên A) là một ngân hàng, bên thế chấp (bên B) là Công ty Diệp Bạch Dương và bên thuê tài sản (bên C) là Công ty TMHH TMDV Phan Thành (gọi tắt là Phan Thành). Tài sản được đem ra giao dịch là nhà đất 179bis-181-183-185 Hai Bà Trưng.

Thời điểm văn bản được lập ra, tài sản 185 Hai Bà Trưng đang được thế chấp tại ngân hàng.

Tháng 9/2014, Công ty Diệp Bạch Dương và doanh nghiệp nhà thiếu gia Phan Thành ký hợp đồng thuê lại tổ hợp nhà đất trên với sự đồng ý của ngân hàng.

Trong vụ án này, Phan Thành không được triệu tập tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, chủ tọa có thông báo nhận được văn bản từ Phan Thành đề nghị trong quá trình xét xử xem xét để đảm bảo quyền lợi của công ty này.

Thiếu gia Phan Thành được biết đến là người thừa kế thứ nhất của đại gia Phan Quang Chất - ông chủ của trung tâm thương mại lớn Saigon Square tại TP.HCM.

Ông Phan Quang Chất là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TMDV Phan Thành, kinh doanh mặt hàng chính là phụ gia dầu nhờn nhập khẩu từ châu Âu - Hoa Kỳ và xuất khẩu phụ gia sang các nước châu Á.

Mặc dù công ty có quy mô không quá lớn nhưng lợi nhuận thu về từ nguồn hàng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp mơ ước.

Ngoài công ty gia đình đặt theo tên "quý tử" Phan Thành, ông Chất còn giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp tên tuổi như: Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Quê Hương; Uỷ viên HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn Bông Sen; Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sài Gòn Ôtô (Sài Gòn Ford); Phó Chủ tịch HĐQT Bến Thành – Phú Xuân; Chủ tịch HĐQT Đại Thống – Bình Dương; Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Huế; Ủy viên HĐTV Công ty TNHH du lịch Bến Thành – Non Nước; Ủy viên HĐQT Khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ; Ủy viên HĐQT Công ty Greenview – Bình Dương; Ủy viên Ban kiểm soát Công ty Cổ phần Bình Châu.

Đồng thời, ông Chất là đồng sở hữu các doanh nghiệp khủng như Saigon Ford, công ty CP Vật tư Bến Thành, Công ty du lịch Bến Thành Non Nước, Công ty du lịch Huế, Khách sạn Bông Sen, Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ, cùng nhiều dự án bất động sản và thương mại khác khắp các thành phố lớn miền Đông Nam bộ.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật