Shark Nguyễn Xuân Phú tại Shark Tank Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) được biết đến với vai trò là một vị "cá mập" khi tham dự chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) nhiều mùa.
Trong 2 mùa Shark Tank Việt Nam, Shark Phú đã cam kết rót vốn trên truyền hình vào 13 startup gồm: Bột bã mía, Vinalinks, Dấm gạo Vietferm, Nano Curcumin, Lavita, Phleek (đầu tư chung với Shark Phạm Thanh Hưng- Phó Chủ tịch Cenland), Tigtag (chung với Shark Trương Lý Hoàng Phi), startup du lịch VEO (chung với Shark Nguyễn Ngọc Thủy- Apax Holdings và Shark Trần Anh Vương- Đầu tư PVG), Dô Ta, VBEC, Robot 3T và Sedan Việt.
Chia sẻ với báo chí, Shark Phú cho biết: “Chúng tôi đầu tư các startup trên truyền hình thì gần như là thất bại đến 99% và hầu như là mất tiền. Bản thân tôi đã giải ngân đến 50% so với trên truyền hình”.
Ngoài chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phú còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse.
Tập đoàn Sunhouse được ông Phú sáng lập vào những năm 2000, ban đầu có tên Công ty TNHH Phú Thắng.
Năm 2004, Phú Thắng liên doanh với Sunhouse Hàn Quốc xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất đồ gia dụng.
Năm 2010, công ty chính thức lấy tên Tập đoàn Sunhouse. Sunhouse hiện sở hữu 8 cụm nhà máy, 2.500 nhân công, và đạt mức tăng trưởng bình quân 25 – 30% mỗi năm.
Tình hình kinh doanh của Sunhouse trong các năm từ năm 2016-2019.
Theo dữ liệu của PV, doanh thu của Tập đoàn Sunhouse liên tục tăng trong giai đoạn 2016 – 2019. Cụ thể, năm 2016 đạt 1.437 tỷ đồng, còn năm 2019 là 3.486 tỷ đồng.
Trong khi, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 35 tỷ đồng, thì năm 2019 đã tăng lên 146 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Sunhouse liên tục tăng, đạt 869 tỷ đồng cuối năm 2019, trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở kinh doanh đồ gia dụng, trong những năm qua Shark Phú còn mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như: bánh kẹo, bất động sản.
Năm 2019, ông Nguyễn Xuân Phú và ông Nguyễn Xuân Cường đã trở thành cổ đông của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai. Trước khi có sự tham gia của Shark Phú, công ty Hoàng Mai do vợ chồng ông Trần Sỹ Trực và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai sở hữu với tỷ lệ 94,1%. 5,9% còn lại do ông Nguyễn Xuân Cường sở hữu.
Hoàng Mai cũng là cái tên lâu năm trên thị trường, một trong những đơn vị tiên phong nhập bánh kẹo ngoại phân phối tại Việt Nam. Công ty sau đó đẩy mạnh hoạt động sản xuất xây dựng các nhà máy tại KCN Phùng (Hà Nội), nhà máy tại Tây Ninh. Sản phẩm bánh kẹo mà đặc biệt là bánh gạo Richy của công ty hiện bán nội địa và xuất khẩu tại hơn 30 quốc gia.
Năm 2019, Hoàng Mai đem về doanh thu gần 2.200 tỷ đồng, nhưng với biên lãi gộp mỏng chỉ 1%, công ty lãi ròng vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Nhà máy Richy Miền Bắc thu về 184 tỷ đồng, nhà máy Miền Nam doanh thu 335 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2017 Shark Phú từng mua lại một công ty bất động sản, song việc kinh doanh không có tiến triển.
Cụ thể, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Hoàng Dũng được thành lập vào ngày 21/8/2017 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Chủ sở hữu của Bất động sản Hoàng Dũng là ông Nguyễn Tài Dũng.
Gần 2 tháng sau đó (ngày 12/10/2017), Shark Phú đã nhận chuyển nhượng lại Bất động sản Hoàng Dũng, giá trị thương vụ không được công bố.
Kể từ đó đến cuối năm 2019, Bất động sản Hoàng Dũng không phát sinh doanh thu, mỗi năm chịu khoản lỗ từ 150 – 200 triệu đồng. Bởi vậy, vốn chủ sở hữu của công ty này tính đến cuối năm 2019 chỉ còn 3,65 tỷ đồng.
Bạch Hiền