(ĐSPL) - Khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người tại trụ sở tiếp dân tạo ra áp lực lớn đối với các cơ quan công quyền. Bức xúc của người dân có nguyên nhân từ việc giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của các cấp cơ sở vong vo, lãnh đạo địa phương né, tránh tiếp dân.
Thậm chí có địa phương, bộ, ngành có sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân nhưng “trên chỉ đạo, dưới cố tình không nghe, không sửa sai khiến người dân mất lòng tin vào công tác giải quyết khiếu nại ở “tuyến dưới” và đổ dồn tập trung lên “tuyến trên” mong được... “đèn trời soi xét”.
Người dân nhiều địa phương vượt tuyến ra Trung ương
Trước tình trạng khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người manh động tại nhiều địa phương, trụ sở tiếp dân của Trung ương và Nhà nước đang gây lo lắng cho an ninh xã hội. Mới đây tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) người dân đã tập trung khiếu kiện đông người phản đối việc lấy đất nông nghiệp để xây dựng công viên Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn. Những người phản đối chính sách của địa phương đã manh động đánh bị thương bốn công an xã, đập phá tài sản nhà riêng của cán bộ xã.
Đây là mầm mống gây bất ổn trật tự an ninh, xuất phát từ những kiến nghị, phản đối của người dân về dự án công viên Vĩnh Hằng. Trước thực tế này, tỉnh Hà Tĩnh đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giải thích cho người dân hiểu đồng thời giải quyết thoả đáng những bức xúc của dân.
|
Lực lượng chức năng đã phải triển khai về Bắc Sơn - Hà Tĩnh.
|
Vụ việc tại Thạch Hà, Hà Tĩnh mới dừng lại ở cấp cơ sở, tuy nhiên trước những kỳ họp Quốc hội, hay những sự kiện lớn của đất nước người dân thường tập trung ra Trung ương khiếu kiện vượt cấp.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Phụ trách cơ sở (Thanh tra Chính phủ) cho biết: “Công dân chuẩn bị cho việc KNTC dài ngày cả về tinh thần và vật chất, nhiều đoàn có người đứng sau kích động. Đặc biệt vào thứ 5 hàng tuần có ban Nội chính Tư tham gia tiếp dân thì số người đến KNTC càng tăng, có ngày lên tới 300 người.
Có nhiều vụ KNTC chống đối chính quyền một cách quyết liệt, có nhiều vụ KNTC cực đoan (tự sát, bôi bẩn vào người, rất phản cảm). Có hình thức khiếu nại mới: Tập trung đông người ở đường quốc lộ, khiếu nại liên quan đến tôn giáo; 52/63 địa phương có đoàn KNTC đông người đến trụ sở tiếp công dân của Tư Đảng, Nhà nước. Năm 2013 có 717 đoàn KNTC đông người, còn quý I năm 2014 có 5.180 lượt người tăng 76,13\% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Cũng theo ông Điệp, các vụ KNTC gay gắt hơn một phần do người dân không được tham gia vào các dự án ngay từ đầu, lợi ích của người dân không được coi trọng (nguyên nhân KNTC chủ yếu vẫn liên quan quan đến việc đền bù chính sách giải phóng mặt bằng, đất đai). Công tác giải quyết KNTC ở cấp dưới chưa được chú trọng, vòng vo trong việc chuyển đơn thư của dân.
“Tôi cho rằng cần hạn chế tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng, chuyển sai địa chỉ, đề xuất thành lập trung tâm một đầu mối xử lý đơn thư của dân ở trụ sở tiếp dân, để vừa tiếp nhận, vừa trả lời công dân luôn, đỡ phải đơn thư lòng vòng”, ông Điệp nói.
Nhìn nhận thực cán bộ cơ sở “né” tiếp dân, một vị nguyên ĐBQH đã phàn nàn: “Khi tôi đang còn là ĐBQH khóa 12, chúng tôi nhận được đơn thư oan sai liên quan đến ngành giáo dục. Tôi đã phát biểu rất thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội về việc cơ quan này không chấp hành đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bản thân Bộ trưởng bộ Giáo dục vẫn không tập trung giải quyết. ĐBQH cũng chất vấn Thủ tướng tại sao để cho Bộ trưởng lờ đi, không thực hiện. Thậm chí chúng tôi còn gửi đơn đến Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ rồi Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Sau sự đó nó có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế. Vấn đề ở đây tức là việc tiếp công dân như hiện nay, đến ĐBQH nhiều lần đề nghị mà còn chưa giải quyết đến nơi đến chốn thì công dân còn như thế nào”.
|
"Pháp luật chưa xử lý nghiêm người không tiếp dân cho nên họ né tránh". |
Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khoá XII cho rằng: “Trong trường hợp cán bộ “né” tiếp dân tôi cho rằng tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo không được đề cao, pháp luật chưa xử lý nghiêm người không tiếp dân cho nên họ né tránh. Vì ai cũng biết tiếp dân không hề đơn giản, vì người dân cũng có chính kiến, rồi họ có nhờ tư vấn pháp luật nên nắm rất rõ trong khi đó Thủ trưởng giải quyết kiểu hành chính, quan lưu kiểu cấp dưới đưa lên rồi ký nên nhiều khi họ rất ngại đối chất với công dân”.
Cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người khiếu kiện
Theo Luật Tiếp dân sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, Tổng Thanh tra Chính phủ ít nhất một tháng có một buổi tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân của Tư Đảng và Nhà nước, Chủ tịch tỉnh, thành phố, Bộ trưởng có lịch tiếp dân tại địa phương, bộ ngành phụ trách.
“Nếu như vị lãnh đạo, người đứng đầu tiếp dân, sẵn sàng đối chất với dân để giải quyết vấn đề thì dân rất kính phục vì như vậy thể hiện rõ sự minh bạch và giải quyết được thắc mắc của người dân. Và thậm chí người ta nghĩ rằng gặp được lãnh đạo trả lời là họ hài lòng và có niềm tin ở chính quyền sở tại”, ông Điệp khẳng định.
Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng: “Có nhiều trường hợp cán bộ làm sai, dân bức xúc nhưng vẫn không sửa, kể cả khi đã có chỉ đạo của cấp trên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến dân chỉ thích lên KNTC ở Trung ương”.
|
Một vụ khiếu kiện đông người tại Hà Nội.
|
Ông Lê Văn Cuông khẳng định: “Tại địa phương, bộ ngành có sự chi phối lợi ích nhóm ở cấp dưới nên người đứng đầu cố tình tránh tiếp dân để bảo vệ quyền lợi của mình và những người có liên quan. Nếu như Thủ trưởng đứng ra để giải quyết, bác bỏ ý kiến của cấp dưới nó sẽ đụng chạm đến những mối quan hệ, thậm chí đụng chạm đến lợi ích vì đã có sự thỏa thuận thống nhất lợi ích từ cấp dưới lên trên.
Chính vì thế cách khôn khéo nhất là né tránh việc tiếp xúc trực tiếp, tránh phải giải quyết những vụ việc phức tạp. Họ không muốn tiếp dân vì phải tranh luận và đụng chạm đến lợi ích nhóm trong đó. Do thế người đứng đầu thường đùn đẩy cho cấp dưới, cùng lắm là cấp phó tiếp dân. Điều này đã khiến người dân bức xúc và phản ứng gay gắt và tập trung đông người KNTC vượt cấp”.
Trong buổi làm việc với trụ sở Tiếp công dân của Tư Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC vừa qua của các cơ quan chức năng đã có nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những dịp đất nước có sự kiện lớn. Cần lưu ý đến việc số đoàn, số người đến KNTC ở trụ sở tiếp dân của Tư tăng lên. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, đó là điều phải nhìn nhận. Chính phủ yêu cầu cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân. Phải biết dân vận, chia sẻ, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
|
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra, đôn đốc công khai xử lý người đứng đầu địa phương, bộ ngành “né” tiếp dân”.
|
Trụ sở tiếp dân không phải là nơi nhận đơn thư mà phải là nơi tiếp dân đúng nghĩa: Lắng nghe, đối thoại, tiếp nhận, hướng dẫn dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của dân, đề xuất chính sách, giải quyết bất cập. “Phải gắn mình, hãy đặt mình vào vị trí của người khiếu kiện để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, KNTC”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước thực trạng các địa phương còn chưa chú trọng công tác tiếp công dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Công tác tiếp dân chưa hết trách nhiệm, chưa công khai, minh bạch, còn đùn đẩy, né tránh. Phần lớn nội dung KNTC phải được giải quyết ở cấp tỉnh, đừng để dân phải đi lên trên. Nếu tại các cấp cơ sở việc giải quyết tốt cho dân thì dân không phải vác đơn đi khắp nơi. Yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt tinh thần của Luật Tiếp công dân để triển khai có hiệu quả. Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra, đôn đốc công khai xử lý người đứng đầu địa phương, bộ ngành “né” tiếp dân”.
Cán bộ tiếp dân phải tận tụy và hiểu pháp luật Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Tiếp công dân là khâu quan trọng liên quan đến những vấn đề của công dân: Tâm tư, nguyện vọng về chính sách, đầu mối thông tin về tiêu cực, tham nhũng... Vì thế công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải được quan tâm. Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với trách nhiệm được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc”. |