Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công bố quyết định thanh tra tại Tổng cục Hải quan trong 45 ngày

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong phòng, chống buôn lậu; mua sắm tài sản tại Tổng cục Hải quan trong vòng 45 ngày.

(ĐSPL) – Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong phòng, chống buôn lậu; mua sắm tài sản tại Tổng cục Hải quan trong vòng 45 ngày.

Chinhphu.vn đưa tin, ngày 24/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong phòng, chống buôn lậu; mua sắm tài sản tại Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). 

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh công bố quyết định thanh tra tại Tông cục Hải quan. Ảnh: Bảo Lâm.

Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 - 30/9/2016; thời gian thanh tra là 45 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định. Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên do ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ 2, TTCP làm trưởng đoàn.

Theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Tổng cục Hải quan cũng như các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh tra, cung cấp tài liệu đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, tạo điều kiện cho Đoàn thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm chung của lãnh đạo Bộ Tài chính là không né tránh, bao che nhất là trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu.

Cũng theo ông Khánh, cuộc thanh tra này được dự kiến từ lâu, với mong muốn qua thanh tra kiểm tra để thúc đẩy các hoạt động của Tổng cục, đồng thời, có những đánh giá, nhận định, nhận diện khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Luật Hải quan

Điều 87. Nhiệm vụ của Hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

2. Cơ quan hải quan các cấp được thành lập đơn vị chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Điều 88. Phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

1. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật biển Việt Nam.

2. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đã đưa ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan nhà nước hữu quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì theo thẩm quyền, cơ quan đó thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

3. Đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang vận chuyển trên các tuyến đường, cơ quan hải quan có trách nhiệm giám sát bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan hải quan thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật biển Việt Nam.

5. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tại địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

6. Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan với cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Ngọc Linh (tổng hợp)

[mecloud]WGiKcXBusa[/mecloud]

Tin nổi bật