Rắn hổ mang chúa do người dân bắt được. |
Điều địa phương lo ngại là người dân và trẻ em tò mò hiếu kỳ chọc phá có thể bị cắn hay phun độc, dù rắn đã bị khóa miệng. Ông Vũ phân trần: “Mấy cán bộ kiểm lâm nói nó là rắn hổ mang chúa có tên trong Sách đỏ. Nếu là rắn hổ chúa thì nọc độc dữ lắm, nghe nói cắn là không có thuốc chữa. Hiện nay, chúng tôi phải cử công an viên túc trực canh chừng suốt ngày, không cho người dân đến gần xem cũng như đề phòng có kẻ trộm rắn quý. Nhưng lo ngại nhất là rắn sổng bao lưới thoát ra ngoài thì lúc đó nguy hiểm khôn lường”.
Trước đó, ngày 9/10, một nhóm thanh niên tới công an xã nộp con rắn mà họ không biết là rắn gì. Nhóm thanh niên này kể khi phát hiện con rắn “khủng”, họ đã bao vây, đập bất tỉnh rồi dùng thanh sắt xuyên qua miệng khép mỏ lại đề phòng rắn tỉnh lại tấn công. Con rắn dài hơn 3m, cân nặng hơn 6,3 kg. Cũng theo ông Vũ, ngành đã báo cho Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và đơn vị này đã tới làm biên bản nhận rắn thả về tự nhiên. Nhưng do khi đem rắn giao công an, nhóm người bắt rắn xin được bồi dưỡng số tiền vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng “công bắt rắn độc rất cực”, trong khi đại diện hạt kiểm lâm trả lời không thể hỗ trợ tiền vì đây là động vật hoang dã, quý hiếm, cấm săn bắt. Hai bên không thống nhất được nên nhóm người bắt đòi lại rắn.
Theo ông Vũ, nếu trả lại rắn cho nhóm người bắt được sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp rắn sổng ra hay bị người dân làm thịt. Trong khi ngành kiểm lâm vẫn chưa đồng ý hỗ trợ tiền bắt rắn, công an sẽ báo cáo lên UBND xã sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, nhằm tránh việc rắn sổng hay yếu mà chết.