The star đưa tin, người phụ nữ đến từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã chia sẻ trên mạng xã hội về chuyện được gia đình bạn trai tổ chức đám cưới, thu hút sự quan tâm của người dùng mạng.
Theo cô gái, bố của bạn trai đã sắp xếp tiệc cưới cho cặp đôi vào đầu tháng 10/2023. Ông tự đặt cọc hơn 13.600 USD (gần 328 triệu đồng) cho tiệc cưới. Ông cũng tuyên bố sẽ tổ chức tiệc bất kể 2 nhân vật chính có tham dự hay không.
"Con phải ở nhà để tham dự tiệc cưới. Đừng nói với bố là con chưa chuẩn bị", người bố nói trong tin nhắn thoại gửi con trai.
Người bố đã chuẩn bị thiệp mời cưới và cọc tiền cho tiệc cưới. Ảnh: The star
Được biết, con trai ông và bạn gái đều sống và làm việc xa quê hương, không thường xuyên gặp gia đình.
Gia đình đằng trai đã ấn định ngày cưới, chuẩn bị thiệp mời và trả tiền cọc cho các dịch vụ như địa điểm, người dẫn chương trình cũng như xe hoa.
"Nếu con không về nhà, bố sẽ thay bằng bức ảnh của hai đứa", ông nói.
Đáp lại tin nhắn của bố, người con trai chỉ gửi biểu tượng cảm xúc cười ra nước mắt.
Đối mặt với tình huống này, cô gái không biết phải làm như thế nào. Cô đăng đoạn trò chuyện của 2 bố con bạn trai lên mạng xã hội, cùng câu hỏi: "Chúng tôi có nên kết hôn không?".
Bài viết gây chú ý, thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận. "Thật đáng sợ. Nếu tôi là bạn, tôi sẽ chạy khỏi gia đình này càng sớm càng tốt"; "Người cha thích áp đặt"... người dùng mạng bình luận.
Vì sao giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn?
Hiện nay Trung Quốc có hàng triệu người ở trong độ tuổi trưởng thành đang độc thân. Những người độc thân này bao gồm cả người già cô quả và thanh niên độc thân. Ngoại trừ những người già cô quả, số thanh niên độc thân chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Nói cách khác, giới trẻ ngày nay không chỉ khó kết hôn mà còn khó yêu đương.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng những điểm chính là:
Thứ nhất, quan điểm về hôn nhân và tình yêu của giới trẻ hiện nay đã thay đổi. Từ xa xưa ở Trung Quốc đã có một quan niệm truyền thống về hôn nhân và tình yêu: “Nam lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”. Nhưng bước vào thế kỷ 21, quan niệm này đã bị đả phá, đặc biệt là những người sinh sau 1990 và sau 1995, tuyệt đại đa số không quan tâm đến điều này.
Thứ hai, chi phí kết hôn quá cao.
Thứ ba, tỷ lệ trẻ mới sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm và người trẻ ngày càng ít. Cộng thêm hiện tượng “trọng nam khinh nữ” ở nhiều nơi, dẫn đến cơ cấu nam nữ mất cân bằng khiến đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn trong hôn nhân.
Thùy Dung (T/h)