Câu chuyện tưởng đùa mà thật
Ngày thứ 4 sau khi được mẹ vợ cũ là bà Lê Thị Sáu (59 tuổi, ở xóm Đá Thâm, thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tổ chức lễ cưới cho mình, anh Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) vẫn chưa nghĩ đó là sự thật. Người bạn đời mới của anh là chị Nguyễn Thuỳ Dung quê Hoà Bình, năm nay 25 tuổi, đã qua một đời chồng và có con trai riêng 3 tuổi.
Gặp khách, anh Lịch chia sẻ: “Hôm nay vợ về quê ngoại để chuyển khẩu cho hai mẹ con cô ấy về đây, ngày mai con trai 3 tuổi sẽ chính thức nhập học ở đây”.
Nhấp chén trà mời khách, bà Lê Thị Sáu hồ hởi kể, mấy ngày trước bà thuê người dựng sân khấu, phông bạt, cổng cưới kết hoa, bàn ghế chật kín sân nhà, đãi khách 3 ngày cỗ bàn tươm tất tổ chức đám cưới cho con rể cũ. Họ hàng ai nấy đều kinh ngạc, các bậc bô lão cũng vô cùng sửng sốt vì chưa chừng kiến trường hợp nào như vậy. Đây là chuyện lạ có thật ngoài đời.
Câu chuyện tưởng đùa hoá thành thật
Ngạc nhiên cũng phải, bởi con gái bà Sáu - vợ cũ anh Lịch, cả hai ly hôn cách đây 9 tháng, bà không ở với con gái, mà ở với con rể trong cơ ngơi khang trang, rộng gần 2.000m2 do một tay bà Sáu gây dựng sau mấy chục năm một mình nuôi 2 cô con gái.
“10 năm làm rể, Lịch là người hiền lành, tử tế, đối xử tốt với vợ ngay cả lúc vợ đã nộp đơn ra toà. Vì thế, việc bà đối xử tốt với anh là hoàn toàn xứng đáng. Vợ nó ốm nằm viện, sáng nó dậy từ 4h sáng, thịt gà, nấu cháo, mang vào cho vợ. Lúc ấy là sắp ly hôn rồi. Giờ tôi xem Lịch như con trai, nên việc dựng vợ cho nó phải do chính tay tôi lo lắng mới yên tâm”, bà Sáu nói.
Bà Sáu tâm sự, anh Lịch cùng con gái bà là chị Lê Thị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), con gái út bà quen nhau từ năm 2013 khi cả 2 làm công nhân tại một công ty thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau 5 tháng yêu chóng vánh, cặp đôi quyết định tiến tới hôn nhân.
Trước khi làm đám cưới, bà Sáu tâm sự thẳng thắn với anh Lịch, nói muốn "bắt rể" vì nhà chỉ có hai con gái, cô lớn đã đi lấy chồng. Nếu gả thêm cô con gái út đi bà chỉ ở một mình, số bà vất vả, người chồng đầu mất từ lâu, người thứ hai đã bỏ nhà đi.
Anh Lịch quê ở Yên Trung, huyện Thạch Thất - cách nhà bà Sáu khoảng 13-14 km. Trước lời đề nghị của mẹ vợ tương lai, anh Lịch không suy nghĩ gì nhiều mà đồng ý luôn. “Mình nghĩ ở đâu cũng được. Nhà mình có hai anh em trai, mình là em. Bố mẹ mình cũng đồng ý và mừng cho các con thôi chứ cũng không e ngại gì chuyện ở rể”, anh Lịch chia sẻ.
10 năm làm rể cả hai mẹ con chưa có một lời qua tiếng lại hay mâu thuẫn dù chỉ là nhỏ nhất
Sau sự thống nhất ấy, đám cưới diễn ra. Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ngày tháng yên bình trôi đi. Cả hai sinh được một trai và một gái, năm nay đã 9 tuổi và 6 tuổi. Vợ chồng anh cùng nhau làm ăn, nuôi dạy các con khôn lớn.
Cuộc sống vợ chồng đang hạnh phúc, bỗng chốc thay đổi từ năm 2021, khi chị Hoa bắt đầu học nghề spa, quan điểm sống của chị dần thay đổi. “Chắc cô ấy được va chạm nhiều hơn nên cách nhìn cuộc sống cũng khác đi. Cô ấy nói chúng tôi không hợp nhau. Từ cách xưng hô, ứng xử với chồng cũng khác hẳn”, anh ngậm ngùi tâm sự.
Lúc ấy, anh Lịch vẫn một lòng một dạ muốn vợ chồng hàn gắn, bỏ qua những mâu thuẫn để tiếp tục hôn nhân. Tuy nhiên chị Hoa một mực đơn phương nộp đơn ly hôn, bà Sáu xin tòa cho gia đình thêm thời gian để hòa giải. Một mình can ngăn con bất thành, bà nhờ cậy họ hàng và người thân, song cũng không được. Hoa chủ động sống ly thân với chồng, sau dọn hẳn ngoài cách nhà 10km. Nhìn hai vợ chồng con gái mâu thuẫn và ly thân, người mẹ sụt liên tiếp 7 cân.
Hồi tháng 2, bà khuyên Hoa suy nghĩ lại. Nhưng cô gái quyết liệt nói "đã ra đi thì sẽ không bao giờ trở lại". Cả hai vợ chồng chính thức ly hôn. Anh Lịch được tòa phân xử nuôi bé trai, chị Hoa nuôi bé gái, thế nhưng hiện tại cả 2 vẫn sống cùng anh Lịch, mỗi hai tuần, Hoa về nhà đón con đi chơi nhưng chỉ vào nhà 10 phút, không ăn cơm, cũng không ngủ lại.
Còn phần anh Lịch, bố mẹ anh Lịch biết tin, khuyên con trai về nhà nhưng anh từ chối vì lo cho bà Sáu và hai con. Anh cho biết, anh vẫn chọn ở lại chăm sóc bà Sáu cùng 2 đứa con, vì anh biết mẹ vợ nhiều bệnh, hay đau ốm nên cần có người gần bên chăm sóc.
Từ ngày con gái ra khỏi nhà, mỗi lần bà đau ốm, cấp cứu đêm hôm, Lịch là người chăm sóc, gọi người đưa mẹ đi viện. Có đợt bà Sáu nằm viện nửa tháng, được con gái đầu chăm sóc, một tay Lịch vừa lo việc nhà vừa chăm sóc con cái.
Thấy con rể ngoan ngoãn, hết lòng vì mình, mà tuổi còn trẻ bà cũng chẳng đành lòng thấy cảnh “gà trống nuôi con”. Bà Sáu giục anh kiếm người mới, bà sẽ tổ chức đám cưới cho anh thật tươm tất.
“Nghe xong tôi vô cùng ngạc nhiên, nghĩ mẹ thương nên mới lo lắng như thế”, anh Lịch nói và cho biết nhớ mãi một câu của mẹ vợ cũ "nếu có người yêu, cứ yêu đi, sau này già khó lấy vợ".
Bản chất vốn hiền lành chịu khó, đối xử với mẹ vợ như mẹ đẻ của mình nên anh Lịch được nhiều người yêu quý
Từ con rể trở thành con trai
Cứ thế cuộc sống hai mẹ con diễn ra từ đó đến độ vài tháng trước, anh Lịch bỗng nảy sinh tình cảm với chị Dung, cô gái cũng từng đổ vỡ trong hôn nhân. Cả hai từng tổn thương nên càng hiểu và nhanh chóng trở thành người yêu, rồi tính chuyện kết hôn. Lúc đầu, Dung e ngại chuyện sống cùng mẹ vợ cũ của anh Lịch. Nhưng sau nhiều lần nói chuyện, biết bạn trai coi bà Sáu như mẹ đẻ, "mình thương mẹ thì mẹ sẽ thương mình", cô dần mở lòng và chấp nhận.
"Từ lúc đổ vỡ với Hoa, tôi cũng khó mở lòng, nhưng may gặp được Dung, cô ấy hiểu và thông cảm với tôi, điều này ít ai có thể làm được. Tôi biết ơn Dung nhiều", anh Lịch nói.
Không những tổ chức từ a-z lễ cưới cho anh Lịch chu toàn, bà còn trao một chút của hồi môn cho hai vợ chồng lấy vốn làm ăn
Cả hai bắt đầu qua lại, Dung xuống nhà bà Lịch chơi, mỗi lần như vậy chị lại nấu cơm, tắm gội, chăm sóc 2 con của anh Lịch như con đẻ. "Hai đứa gọi Dung là "mẹ", sống tình cảm và yêu thương vợ mới của bố. Chúng còn không ngủ với bà nữa, tranh ngủ với mẹ Dung. Thấy vậy, tôi mừng lắm", bà Sáu kể.
Nghe con trai thông báo cưới vợ mới, bố mẹ anh Lịch cũng mừng thầm, dặn con phải luôn biết ơn bà Sáu, cố gắng sống tốt để không phụ công sức của bà.
Còn bà Sáu thì chân chất tâm tình như đúng bản tính của một người dân quê: “Tôi không dám nói trước điều gì. Nếu sau này các con tử tế với mình thì đó cũng là cái phúc của nhà mình. Tôi chỉ mong được như thế”.
Ngày 11/8, nhà bà Sáu thuê xe 16 chỗ, mang 2 tráp hỏi vợ cho con rể. Gần một tháng sau, bà tổ chức đám cưới linh đình cho anh Lịch, làm 45 mâm cỗ mời họ hàng, con cháu trong nhà và nhà gái, không mời làng xóm vì sợ mang tiếng "cưới lần 2 để lấy phong bì".
Lễ cưới diễn ra linh đình dưới sự chứng kiến của anh em nội ngoại nhiều bên
Tiền thuê xe chở đoàn 30 người nhà gái từ xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) xuống Hà Nội cũng do bà Sáu chi trả. Người mẹ còn chuẩn bị phòng cưới cho con như trai tân lấy vợ, toàn bộ giường chiếu, chăn ga gối đệm, tủ quần áo... đều được mua mới.
Bà nói: "Bây giờ có thêm dâu, chẳng may bà có ốm đau thì lại có thêm người chăm bà, chăm các cháu. Mấy hôm mất ăn mất ngủ, giờ tôi cũng yên tâm", bà thở phào, nói sắp tới sẽ chọn ngày đẹp để vợ chồng anh Lịch về nhà bố mẹ đẻ thắp hương tổ tiên.
Tương lai bà Sáu chưa biết trước điều gì, nhưng hiện tại cô con dâu mới rất hiếu thảo và được các cháu của bà yêu mến
Bà Sáu cùng mẹ đẻ anh Lịch trở thành "mẹ nội" của đôi vợ chồng mới cưới
Về phần cô con gái của mình, bà cũng nặng lòng, từng khóc rất nhiều vì con nhưng hiện tại bà cũng mong con gái bà kiếm được tấm chồng tốt để bà gả đi. Bà cũng sẽ đứng ra một tay lo liệu chu toàn đám cưới cho con, giống như lo cho Lịch.
Anh Lịch cũng hứa với bà Lịch nếu có người đàn ông thực sự yêu thương và muốn hỏi cưới Hoa, vợ chồng anh sẽ cùng bà Sáu lo chu toàn, như cách bà bất chấp đàm tiếu, đứng ra tổ chức đám cưới cho anh.
Mộc Trà