(ĐSPL) - Với lời đồn đại giá bán đỉa lên đến nửa triệu đồng một ký, nhiều ngày gần đây, trên các cánh đồng của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa xuất hiện một vài nhóm người đi săn lùng bắt đỉa với số lượng lớn.
Tin đồn người Trung Quốc thu mua đỉa với giá cao gần như lại đẩy “cơn sốt” đỉa xuất hiện trở lại. Người dân bắt đầu thu mua và tham gia bắt đỉa từ giữa đến cuối năm 2012. Cơn sốt đỉa đã lan tràn khắp các tỉnh miền Nam, Trung, thậm chí còn tái hiện ngay chính tại thủ đô Hà Nội. Nếu như trước đây, đỉa có ở đầy các đồng ruộng ao hồ, hễ cứ cho chân xuống là đã bị bám vào thì nay, loài hút máu này trở thành cần câu cơm của nhiều người dân nghèo.
Công việc bắt đỉa không vất vả, chỉ cần một chiếc túi đựng hay một cái tất cũ vứt đi và một cái que để gắp là có thể rong cả buổi trên ruộng. Bắt đỉa bằng tay rất khó, vì chúng trơn trượt và có giác bám ở miệng, khi chạm tay vào chúng sẽ cắn và hút máu. Công việc thì đơn giản, trong khi đó người thu mua lại đến tận nơi với giá cao khiến nhiều xã, huyện ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa như lên "cơn sốt".
Mới đây, theo phản ánh của nhiều người dân ở huyện Can Lộc, Đức Thọ… tỉnh Hà Tĩnh, trên cánh đồng của các huyện này, thời gian gần đây xuất hiện một vài nhóm phụ nữ lạ đi lùng bắt đỉa với số lượng lớn. Họ đi theo nhóm chừng 2 -5 người, đeo túi, vợt, lội ruộng, vẫy nước bẩn để “nhử” đỉa. Họ bắt cả mấy kg đỉa bỏ vào túi vải. Nhóm người lạ này chủ yếu ở nơi khác đến. Người dân bản xứ hết sức tò mò không biết nhóm người “lạ” đến bắt đỉa về làm gì.
Giá đỉa đã vọt lên mức 600.000 đồng/kg, mà vẫn không có hàng để mua. Ảnh minh họa |
Được biết, nhóm người bắt đỉa hành nghề rất chuyên nghiệp, mỗi người chọn một đám ruộng rồi dùng chân khuấy nước để đỉa bò lên và dùng rổ, vợt vớt đỉa bỏ vào túi vải. Nghe họ nói, bắt được 1 con đỉa tính bằng cả chục ngàn đồng.
Theo ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh): “Chúng tôi đã nghe người dân phản ánh, cho cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp thăm dò, kiểm tra. Thực tế là có việc người dân nơi khác đến “săn lùng” đỉa tại địa phương. Việc họ bắt đỉa cũng như bắt các con vật khác như: cua, ốc, cá, lươn… miễn là họ không làm ảnh hưởng đến các cây trồng, sản xuất của chủ thể trên thửa ruộng. Tuy nhiên, qua thăm dò, những người đi bắt đỉa chủ yếu là người dân Thanh Hóa. Họ bắt đỉa đem về bán cho các đầu mối địa phương, đầu mối đó lại đem đi bán cho các tay buôn khác”.
Hay như ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa), nguồn hàng ngày càng khan hiếm khiến cho giá đỉa lên cao. Theo những người thường xuyên thu mua đỉa, nếu như cùng thời điểm này năm ngoái, giá đỉa được các đầu nậu mua với giá 500.000 đồng/kg thì hiện nay, giá đỉa đã vọt lên mức 600.000 đồng/kg, mà vẫn không có hàng để mua. Để có hàng mang về bán cho các thương lái Trung Quốc, nhiều người dân đã lên tận các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân (Thanh Hóa), thậm chí có người đi ra các tỉnh ngoài tìm đỉa bắt. Nhiều người dân sống ở ngoại thành khu vực Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) cũng đã bỏ bê công việc lao đi lùng bắt đỉa bán với giá 800.000 - 1.000.000 đồng/kg.
“Cơn sốt” đỉa lên giá là vậy, tuy nhiên, việc thu gom, mua, bán mặt hàng đặc biệt này, kể cả những ông chủ đầu nậu cũng không biết người Trung Quốc mua với mục đích gì và sẽ chế biến, sử dụng mặt hàng này như thế nào.
Một người dân ở tỉnh Nghệ An tiết lộ: "Chúng tôi cũng chỉ biết gom hàng lại ở các xã thôi còn sau đó người ta đi thu về làm gì, chuyển đi đâu thì không ai biết, chỉ có nghe nói là chuyển qua bên Trung Quốc để chế biến làm thuốc”.
Nhận định về hiện trạng này, một số người thạo tin cho rằng, đây là một chiêu trò kiếm tiền của các thương lái Trung Quốc. Ban đầu họ bỏ tiền ra tạo nên "cơn sốt" đỉa bằng những lần tăng giá. Sau khi thu mua với giá cũ, các thương lái nhập lại hàng cho đầu nậu người Việt bằng giá mới. Khi giá thu mua lên tới đỉnh điểm cũng là lúc các thương lái này đã bán lại hết số đỉa thu mua rồi… biến mất.