(ĐSPL) - Mới đây, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án giết người mà nguyên nhân xuất phát từ việc bị cáo đòi nợ nhiều lần mà bị hại vẫn không trả. Một người thiệt mạng, một người thương tật 56\% là hậu quả của vụ xiết nợ này.
Vung dao sát hại con nợ ngay tại tư gia
Gần 20 năm trong ngành kiểm sát, tham gia nhiều vụ án hình sự, ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng phòng P1A VKSND tỉnh Bắc Giang luôn trăn trở với nghề. Mỗi vụ án đều khiến ông suy nghĩ, trăn trở, đặc biệt là những vụ án có một phần lỗi từ phía nạn nhân. Vụ án xiết nợ dưới đây là một trong những vụ án khiến ông và đồng nghiệp phải cân nhắc rất nhiều trước khi đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo trong phiên tòa.
Cách đây một năm, ngày 18/01/2013, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1972) và chị Đỗ Thị Đ. (SN 1971) ở thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có vay
957 triệu đồng của Đặng Văn Mùi (SN 1971) ở thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa. Thời hạn vay là 2 tháng, lãi suất thỏa thuận là 2\%/tháng. Do chưa thanh toán được nên ngày 28/3/2013, anh Lâm và chị Đ. viết giấy biên nhận vay tiền của Mùi, tổng số tiền gốc và lãi là gần 1 tỉ đồng, hẹn đến ngày 01/4/2013 sẽ trả.
|
Nhiều vụ án thương tâm có liên quan đến chuyện cho vay lãi (ảnh minh họa.) |
Đến hẹn, Mùi lại tới nhà vợ chồng anh Lâm để đòi nợ. Do không trả được nợ như đã hẹn, ngày 19/4/2013, vợ chồng anh Lâm lại tiếp tục viết giấy vay tiền mới của Mùi, tổng cộng gốc và lãi là hơn 1 tỉ đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ thanh toán đủ. Mặc dù không vừa lòng với màn khất nợ của vợ chồng anh Lâm, nhưng Mùi vẫn kiên nhẫn đợi chờ cho tới...
Khi đến hạn thanh toán, Mùi đến gặp con nợ, nhưng vợ chồng anh Lâm vẫn... "khất" vì chưa có tiền trả! Sau nhiều lần đòi nợ không được, ngày 29/10/2013, Đặng Văn Mùi đi xe máy đến nhà anh Lâm để đòi nợ. Khi đến nơi, Mùi bấm còi xe, anh Lâm từ trong nhà đi ra mở cổng. Sau đó, Mùi dựng xe ở hiên rồi đi cùng anh Lâm vào phòng khách. Lúc này, chị Đỗ Thị Đ., vợ anh Lâm cũng có mặt ở phòng khách. Mùi ngồi xuống ghế rồi nói chuyện với vợ chồng anh Lâm về khoản nợ đã quá hạn và đề nghị vợ chồng anh Lâm thu xếp tiền trả nợ. Anh Lâm và chị Đ. nói chưa có tiền trả và tiếp tục xin khất nợ.
Do nhiều lần vợ chồng anh Lâm khất nợ, cảm thấy mình bị lừa dối, nên Mùi và anh Lâm lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát cãi nhau. Cuộc cãi vã lên tới đỉnh điểm, tức giận, Mùi đi ra mở cốp xe, lấy con dao cài vào trong áo rồi đi vào trong nhà chỉ mặt anh Lâm nói: "Hôm nay sống chết gì tao cũng phải xử mày, mày lừa tao bao nhiêu lần, mày lừa tao như lừa trẻ con". Dứt lời, Mùi dùng dao đâm nhiều nhát vào người anh Lâm, Lâm chạy ra phía cửa chính, Mùi cầm dao đuổi theo. Nhìn thấy chồng bị đâm, chị Đ. vừa hô hoán, vừa chạy đến can ngăn. Mùi không dừng lại mà còn vung dao đâm nhiều nhát vào người chị Đ. khiến chị ngã ra nền nhà, người bê bết máu.
Nghe thấy tiếng hô hoán, người dân xung quanh đã đến bắt giữ Mùi và báo chính quyền địa phương. Anh Lâm và chị Đ. được mọi người đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa cấp cứu nhưng khi đến bệnh viện thì chị Đ. đã chết. Anh Lâm bị thương nặng được đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu, điều trị. Theo kết luận giám định, anh Lâm bị tổn hại 56\% sức khỏe.
Đừng tự biến mình thành kẻ thủ ác
Chia sẻ với PV, ông Cường cho hay: "Xưa nay, cảnh xiết nợ theo kiểu "luật rừng" luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, khó quên. Nhiều người lấy đó làm bài học xương máu và họ thận trọng trong công việc kinh doanh cũng như các mối quan hệ xã hội. Thế nhưng, dù đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, nhưng chuyện nợ nần và đòi nợ theo kiểu xã hội đen vẫn không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng. Chuyện đi vay và cho vay thường xuất phát từ lòng tham, tham lợi nhuận "khủng" từ lãi mẹ đẻ lãi con, có con nợ đi vay để cho vay lại, dẫn đến chiếm dụng vốn của nhau... Đến khi không có khả năng chi trả, nhiều chủ nợ đã xuống tay một cách tàn độc với con nợ. Có vụ xiết nợ gây thương tích nặng, có vụ xảy ra án mạng đau lòng, người chết, kẻ vào tù, gây bất ổn trong đời sống xã hội. Tiếc là nhiều người đã không ý thức được hậu quả của việc nợ nần, thậm chí thờ ơ trước vấn nạn trên...".
|
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng phòng P1A VKSND tỉnh Bắc Giang. |
Quay trở lại vụ án Mùi "xuống tay" với vợ chồng con nợ, tại phiên tòa ngày 8/7/2014, ông Nguyễn Ngọc Cường, người trực tiếp thực hiện quyền công tố tại phiên toà cho rằng: Cho dù vì lý do gì thì việc Mùi dùng vũ lực cướp đi sinh mạng của chị Đ., gây thương tích cho anh Lâm là vi phạm pháp luật. Hành vi này còn thể hiện sự côn đồ hung hãn. Mặt khác, trước khi Mùi cho vay một khoản tiền lớn như vậy cũng cần phải kiểm tra khả năng thanh toán của người đi vay, phải tìm hiểu họ vay vì mục đích gì, kinh doanh hay làm ăn phi pháp. Với một khoản tiền lớn như vậy, chủ nợ phải yêu cầu con nợ có tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản nợ nếu chẳng may con nợ mất khả năng thanh toán. Căn cứ vào giấy tờ vay nợ do chính anh Lâm viết, Mùi có thể khởi kiện vợ chồng anh Lâm ra TAND để đòi nợ. Đằng này, vì quá bức xúc do vợ chồng anh Lâm liên tục khất nợ, trong phút thiếu kiềm chế, Mùi đã tự biến mình thành kẻ sát nhân. Giờ thì tiền không lấy lại được mà bản thân thì vướng vòng lao lý...
Tại phiên tòa, bị cáo Mùi nói trong ân hận: "Do vợ chồng anh Lâm hỏi vay tiền của bị cáo để làm ăn, có ghi giấy tờ nghiêm chỉnh nên bị cáo nghĩ họ làm ăn đứng đắn. Mặt khác, lãi suất mà bị cáo cho vợ chồng anh Lâm vay không cao hơn mức quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều lần bị cáo đến đòi nợ, nhưng vợ chồng anh Lâm đều xin khất khiến bị cáo bức xúc, giận quá mất khôn. Bây giờ đã xảy ra chuyện rồi, bị cáo ân hận lắm. Khi gia đình anh Lâm lo tang lễ cho chị Đ., gia đình bị cáo đã mang 60 triệu đồng đến để hỗ trợ một phần", Mùi thổ lộ.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Mùi 17 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định của pháp luật.
"Chỉ vì nợ nần, Mùi đã tự biến mình thành kẻ sát nhân, tiền mất tật mang, gia đình tan nát, còn chị Đ., vợ anh Lâm mất mạng. Thiết nghĩ đây là bài học cảnh tỉnh không chỉ riêng ai, nhất là trong xã hội đầy biến động và phức tạp như hiện nay", ông Cường nói.
Người dân cần đảm bảo trong giao dịch dân sự Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Oanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Trên thực tế, từ những vụ vay nợ nhỏ lẻ vài chục triệu đồng đến tiền tỉ, từ nông thôn tới thành thị, phần nhiều đều xuất hiện hình thức đòi nợ bằng… "tay, chân". Nhiều trường hợp, do đòi nợ không được, chủ nợ tự biến mình thành dân xã hội đen, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp hoặc tội cưỡng đoạt tài sản. Thiết nghĩ người dân cần áp dụng các biện pháp đảm bảo trong giao dịch dân sự để tránh tình trạng đáng tiếc như trên. |