Con kê bê tông là gì?
Con kê bê tông (hay còn gọi là cục kê bê tông, spacer bê tông) là một loại phụ kiện xây dựng được làm từ bê tông, có vai trò hỗ trợ định vị, cố định hệ thống cốt thép trong quá trình thi công sàn bê tông cốt thép.
Con kê bê tông thường có hình dạng vuông hoặc trụ tròn với kích thước đa dạng, phổ biến nhất là từ 10mm đến 50mm. Cấu tạo của con kê bê tông bao gồm:
- Thân: Phần chính của con kê bê tông, được làm từ bê tông mác cao, có khả năng chịu lực nén và va đập tốt.
- Lỗ hổng: Được bố trí ở thân con kê bê tông để luồn cốt thép qua. Kích thước lỗ hổng tương ứng với đường kính của cốt thép.
- Chân đế: Giúp cố định con kê bê tông trên mặt phẳng thi công.
Con kê bê tông mang lại nhiều lợi ích thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tuổi thọ của công trình.
Chức năng của con kê bê tông
Con kê bê tông đóng vai trò quan trọng trong thi công sàn bê tông cốt thép, đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho công trình.
Con kê bê tông giúp tạo ra khoảng cách cố định giữa cốt thép và mặt dưới của dầm, đà, giúp bảo vệ cốt thép khỏi tác động trực tiếp của môi trường, tránh tình trạng rỉ sét, ăn mòn, ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng chịu lực của công trình.
Con kê bê tông giúp định vị chính xác vị trí của cốt thép theo bản vẽ thiết kế, đảm bảo hệ thống cốt thép được bố trí đúng khoảng cách, đảm bảo khả năng chịu lực và tính thẩm mỹ cho công trình.
Khi đổ bê tông, con kê bê tông tạo ra các khe hở nhỏ giúp thoát khí cho bê tông, giảm thiểu nguy cơ hình thành các lỗ rỗng, đảm bảo chất lượng bê tông sau khi thi công.
Những lưu ý khi sử dụng con kê bê tông
Sử dụng con kê bê tông cũng cần tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định để đảm bảo chất lượng thi công. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng con kê bê tông trong xây dựng nhà ở dân dụng:
– Về số lượng, mật độ, tùy theo từng hạng mục, người ta sử dụng ít hay nhiều con kê bê tông để đảm bảo chất lượng mà vẫn tối ưu chi phí. Ví dụ, đổ sàn, dầm cần dùng 4-5 con kê/m2, đổ cột, đà lanh tô cần 5-6 con kê/m2,…
– Chiều dày lớp bê tông bảo vệ (tương ứng với chiều cao con kê) không được nhỏ hơn đường kính lớn nhất của thép sử dụng tại vị trí đó.
– Chất lượng bê tông của con kê phải bằng hoặc cao hơn chất lượng bê tông dùng để đổ sàn, dầm. Ví dụ, đổ bê tông sàn M350 thì con kê bê tông ít nhất phải là M350 hoặc cao hơn. Với con kê tự đúc tại công trình, đa phần thợ chỉ trộn xi măng, cát nên độ sụt lớn, mác bê tông thấp, trung bình chỉ từ M200-M250, kích thước cũng không đạt chuẩn yêu cầu kỹ thuật như con kê mác cao đúc sẵn ở nhà máy.
– Với các công trình dân dụng, gia chủ có thể tự kiểm tra được công trình của mình có đảm bảo chất lượng hay không bằng cách xác định tổng độ cao của khối bê tông sẽ được đổ. Nếu chỉ có 1 lớp thép thì cần đảm bảo lớp thép đó nằm chính giữa khối bê tông. Trong trường hợp có 2 lớp thép, chiều dày lớp bảo vệ phía dưới và phía trên phải là bằng nhau.
Ví dụ: Đổ sàn 120mm, có 2 lớp thép, đường kính thép 10mm, khoảng cách giữa 2 lớp thép là 50mm. Tính toán có thể thấy: 120mm = 25mm (độ dày lớp dưới sàn) + 10mm (lớp thép 1) + 50mm (khoảng cách giữa 2 lớp) + 10mm (lớp thép 2) + 25mm (độ dày lớp bê tông ở trên). Như vậy, dùng con kê bê tông kích thước 25mm là phù hợp nhất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.