(ĐSPL) - Trong lúc đến xem bóng chuyền tại trường, nhóm của Thư đã gặp G. Nhớ lại việc G. ghi tên bạn mình vào sổ ghi đầu bài nên cả nhóm đã lao vào đánh G.
Ghi bạn vào sổ đầu bài, bị đánh lún xương cánh mũi
Gần đây, vấn đề bạo lực học đường không còn là vấn đề mới nhưng nó lại là điều gây nhức nhối trong xã hội.
Video: Nữ sinh nói gì sau khi bị bạn đánh hội đồng lún xương cánh mũi.
Liên tiếp hàng loạt những vụ nữ sinh đánh nhau chỉ vì lý do nhỏ nhặt được tung lên các trang mạng xã hội gây nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức và cách hành xử trong xã hội.
Khi vụ việc nữ sinh Quyền Thị Phương H., học lớp 11, trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) chỉ vì câu nói trên mạng xã hội Facebook đã bị 4 nữ sinh khác trong trường đánh hội đồng dẫn đến việc mất khả năng giao tiếp chưa lắng xuống thì một vụ việc khác, cũng tại huyện Phù Ninh một em học sinh khác bị đánh phải nhập viện khiến dư luận thêm lo lắng.
Nữ sinh bị đánh đó là em Nguyễn Thị Hồng G. (SN 1999) - học sinh lớp 10, trường THPT Trung Giáp (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bị đánh đến lún xương cánh mũi, trên mặt có nhiều vết bầm tím chỉ vì đã ghi tên lớp trưởng vào sổ ghi đầu bài vì trực nhật không sạch.
Nữ sinh Nguyễn Thị Hồng G. |
|
Sự việc xảy ra vào ngày 19/3, nhóm của Vũ Ngọc Ánh, Nguyễn Kiều Trang, Vũ Thị Thư, Lê Thị Nhung (là học sinh trường THPT Phù Ninh) đến xem thi đấu bóng chuyền do trường THPT Trung Giáp (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) tổ chức kỷ niệm lễ thành lập Đoàn 26/3.
Trong lúc xem thi đấu, nhóm đã gặp G. Tại đây, nhớ lại chuyện G. đã ghi tên bạn mình vào sổ đầu bài nên Thư đã nhảy vào tát G. Chứng kiến sự việc, thay vì can ngăn thì Ánh, Trang, Nhung cũng vào hùa đánh bạn. Do có nhiều biểu hiện bất thường về sức khỏe nên G. được người nhà đưa đi bệnh viện khám và điều trị.
Trả lời với báo chí, ông Hoàng Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Phù Ninh cho biết: “Trường hợp của em Nguyễn Thị Hồng G. được gia đình đưa vào nhập viện trong tình trạng chấn thương vùng mắt, quanh mắt tím bầm, có dấu hiệu lún xương cánh mũi. Hiện nay tâm lý của G. đã dần ổn định và gia đình đã làm thủ tục cho em G. xuất viện ngày 26/3”.
Nhưng bố… xin không truy cứu
Cùng với việc đưa con vào bệnh viện để chữa trị nhưng ông Nguyễn Văn M. (SN 1973) – bố em G. vẫn đến trường THPT Phù Ninh để xin cho các em được đi học sau khi nghe được thông tin các em có thể bị đình chỉ học 1 năm.
Nói về điều này, ông M. trải lòng: “Việc con mình bị đánh, làm cha làm mẹ ai cũng đau xót. Hôm sự việc xảy ra, nhìn thấy con mình bị đánh thâm tím như vậy tôi cũng giận lắm. Nhưng nghĩ lại, các cháu cũng đáng tuổi con mình, nông nổi tuổi trẻ nên mới như vậy. Sự việc xảy ra, các cháu cũng biết sai và đến xin lỗi con mình, gia đình các cháu cũng có đến thăm hỏi nên tôi không muốn làm to chuyện để ảnh hưởng đến tương lai của các cháu. Bản thân mình mình cũng hiểu điều đó thôi.
Video: Trải lòng của người cha 'nữ sinh' bị đánh hội đồng chấn thương cánh mũi. Hơn nữa, nếu các cháu bị nghỉ học, tuổi còn nhỏ như vậy các cháu cũng không biết làm gì, tương lai còn đang ở phía trước, tôi không muốn làm to chuyện lên làm gì. Đã 3 lần tôi đến trường xin cho các cháu được tiếp tục đi học nhưng nhà trường không đồng ý vì họ bảo nhất định sẽ có hình thức kỉ luật đối với các cháu học sinh này sau khi có kết luận của cơ quan công an nên tôi cũng đành chịu. Còn trong thâm tâm tôi thì vẫn muốn các cháu được đến trường", ông M. cho hay.
Ngoài việc đến trường xin cho các cháu không bị nghỉ học, ông Nguyễn Văn M. còn làm đơn lên cơ quan công an xin không truy tố sự việc xảy ra với con mình vào ngày 19/3.
Trao đổi về điều này, Thượng tá Bùi Văn Dũng – Phó trưởng Công an huyện Phù Ninh cho hay: "Bản thân tôi cho rằng suy nghĩ của gia đình anh Nguyễn Văn M. là một điều hết sức nhân văn và tôi cũng muốn hướng đến điều đó. Mặc dù con mình bị đánh như vậy, nhưng xét về nhiều góc độ, chúng ta nên biết tha thứ cho các cháu để các cháu có thể sửa chữa. Hôm sự việc xảy ra, chúng tôi có cho gọi các cháu lên để lấy lời khai, các cháu sợ và ngồi co rúm lại một chỗ. Tôi thấy rất đau lòng. Ngoài ra, khi sự việc xảy ra, bản thân các em cũng phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè cũng như từ dư luận. Các cháu còn nhỏ nếu không động viên sẽ khó có thể vượt qua chuyện này.
Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp luật, sau khi chúng tôi hoàn tất các thủ tục điều tra cũng sẽ xử phạt hành chính đối với các em vì các em đã đủ 16 tuổi, đó như là một hình thức phạt để răn đe, giáo dục cho các em”, Thượng tá Dũng nói.
THIÊN AN