Mùa đông, nhiều người có triệu chứng tay chân tê buốt, cảm giác đau nhức xương… và cho rằng đó là bệnh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu đã giữ ấm cơ thể mà các triệu chứng đó vẫn xuất hiện, rất có thể bạn đã mắc chứng bệnh nguy hiểm mà không hay.
Viêm dây thần kinh ngoại biên
Khi có dấu hiệu các ngón tay tê bì, đau nhức, khó vận động, cơn tê xuất hiện đều ở hai tay, rất có thể bạn đã bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Căn bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên biểu hiện lâm sàng cũng rất đa dạng. Nếu viêm dây thần kinh do trúng độc, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức. Nếu bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và trao đổi chất, cảm giác tê bì, khó cử động sẽ rõ rệt hơn. Bệnh tình thường diễn biến chậm, hồi phục khó khăn.
Tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến hiện tượng bàn tay và bàn chân tê bì và chứng nổi da gà.
Đó là do các tổn thương dây thần kinh do mức độ glucose trong máu có thể tác động đến các dây thần kinh truyền tín hiệu (thần kinh ngoại biên). Kết quả là bạn có thể cảm thấy lạnh, đau hoặc mất cảm giác ở chân, tay.
Các triệu chứng có thể gặp bao gồm cảm giác tê bì, kiến bò, kim châm, đau cơ, nóng bỏng hoặc tê lạnh. Thậm chí ở bệnh nhân tiểu đường có thể bị teo cơ, liệt nhẹ, cảm giác nhạy cảm ở bàn chân giảm. Do đó, nhiều bệnh nhân xuất hiện các vết loét lâu lành ở chân mà không có quá nhiều cảm giác đau đớn.
Hội chứng xanh tím đầu chi
Hội chứng xanh tím đầu chi khiến co các chi (tay, bàn chân) hoặc mặt chuyển sang màu xanh da trời liên tục. Chứng xanh tím đầu chi thường có tính đối xứng, dấu hiệu của bệnh thường là các đầu chi biến thành màu xanh kèm theo hiện tượng đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, ngón chân, ngứa và sưng.
Hội chứng này phổ biến hơn ở phụ nữ và trở nên tồi tệ khi bị cảm lạnh. Nguyên nhân chính xác gây hoại tử tế bào không rõ ràng nhưng được cho là có liên quan đến hiện tượng co thắt các động mạch nhỏ ở cánh tay, chân và mặt và không gây đau đớn.
Suy tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở phía trước dưới cổ có chức năng tạo ra hormone điều chỉnh tốc độ hoạt động của tế bào trong cơ thể.
Tuyến giáp không hoạt động hoặc hoạt động kém được gọi là chứng suy tuyến giáp. Bệnh có thể làm chậm lại phản ứng tinh thần và thể chất cũng như sự nhạy cảm của cơ thể với cảm lạnh.
Người ta ước tính, có 1 trong 20 người mắc chứng rối loạn tuyến giáp, có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Theo NHS, khoảng 15 trong 1.000 phụ nữ, và khoảng 1 trong 1.000 nam giới mắc phải chứng tuyến giáp không hoạt động.
Bệnh cước
Thời tiết lạnh khiến các động mạch và tĩnh mạch nhỏ dưới da bị co hẹp lại – đây là cơ chế tự vệ của cơ thể để giữ ấm.
Tuy nhiên, khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ ấm đột ngột, các mạch máu trên bàn tay và chân đột ngột mở lại, từ đó dẫn đến sưng tấy, kích ứng và đau đớn, đây là các triệu chứng của bệnh cước tay chân.
Bệnh cước có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ em và người cao tuổi. Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán mắc bệnh, các bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng các loại thuốc mỡ để làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Đôi khi, bệnh cũng có thể tiến triển thành nhiễm trùng và cần phải điều trị bằng kháng sinh.
Bệnh lý đốt sống cổ
Bệnh thường gặp ở những người tuổi trung niên và một trong các triệu chứng đặc trưng là ngón tay bị tê cứng. Hiện nay, nhiều người trẻ tuổi cũng sớm mắc căn bệnh này, đặc biệt ở những người ngồi nhiều, ít vận động, tư thế ngồi không đúng, hay thường xuyên cúi đầu sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại.
Tư thế sai trong một thời gian dài sẽ gây nên các bệnh lý như viêm đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống, phần đệm giữa các đốt sống bị tăng sinh hay phì đại… Khi các đốt sống bị biến dạng sẽ chèn ép lên dây thần kinh ngoại biên ở vùng cổ gáy, đây là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác tê ở tay và các ngón.
Bệnh còn có thêm các triệu chứng khác như vùng cơ ở cổ, vai gáy đau nhức, hai cánh tay tê hoặc sức vận động kém. Khi có các triệu chứng trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng căn bệnh.
Thiếu máu não cục bộ
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngón tay bị tê, thường gặp ở người lớn tuổi. Đặc biệt nếu bạn cảm thấy một bên cơ thể có cảm giác tê bì, hãy nghĩ đến căn bệnh này. Thông thường bệnh khởi phát đột ngột, diễn biến trong thời gian ngắn, đi kèm với các biểu hiện tay chân mệt mỏi, đau nhức đầu, choáng váng.
Nếu xuất hiện triệu chứng trên, bạn cần được kiểm tra toàn diện để phát hiện những nguy cơ tiềm tàng gây hại cho mạch máu não.
Mỹ An (T/h)