Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, bệnh bạch hầu (tên tiếng Anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh làm xuất hiện giả mạc dày, dai, màu xám nhạt hoặc trắng chứa vi khuẩn, tế bào biểu mô hoại tử, đại thực bào và fibrin.
Chúng bám chặt và bao phủ các bộ phận như amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, thậm chí lan truyền xuống phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp và khó thở. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu có khả năng phát triển thành dịch nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm phòng miễn dịch đầy đủ.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
Sốt
Ớn lạnh
Sưng các tuyến ở cổ
Ho ông ổng
Viêm họng, sưng họng
Da xanh tái
Chảy nước dãi
Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
Khó thở hoặc khó nuốt
Thay đổi thị lực
Nói lắp
Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
Có triệu chứng này đi khám ngay kẻo mắc bệnh Bạch hầu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, biến chứng thường gặp nhất ở bệnh là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao. Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì những biến chứng khác.
Liệt màn khẩu cái (màn hầu) là một biến chứng khác có thể gặp ở bệnh bạch hầu, thường xuất hiện vào tuần 3 của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả liệt cơ hoành. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.
Bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, ⅓ trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài.
Tỷ lệ tử vong của bệnh thường rơi vào khoảng 5% – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Thực tế đáng báo động hiện nay, bệnh bạch hầu đang quay trở lại tại những vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Đặc biệt, trường hợp ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong đã khiến người dân không khỏi lo lắng về bệnh lý nguy hiểm này. Vậy bệnh bạch hầu có dễ lây hay không và những con đường lây phổ biến của bệnh là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, được đánh giá có tốc độ lây lan khá nhanh thông qua các con đường chủ yếu như sau:
Các chuyên gia y tế cho biết, đường hô hấp là con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh bạch hầu. Vi khuẩn từ người mang bệnh có thể lây lan sang cho người lành thông qua hoạt động trò chuyện, ho, hắt hơi… Cụ thể, giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hòa vào không khí, người khỏe mạnh vô tình hít phải sẽ nhiễm bệnh, đặc biệt nguy cơ cao đối với các đối tượng chưa có miễn dịch.
Bên cạnh đường lây trực tiếp thông qua đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể lây gián tiếp thông qua vật trung gian. Cụ thể, nguy cơ lây nhiễm cao khi người lành tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu từ người bệnh.
Thời gian ủ bệnh của bệnh bạch hầu thường kéo dài từ 2 - 5 ngày, cũng có trường hợp lâu hơn. Người dân cần xác định rõ các con đường lây truyền của bệnh và từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Có triệu chứng này đi khám ngay kẻo mắc bệnh Bạch hầu.
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh bạch hầu, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Thông thường để chẩn đoán, các bác sĩ sử dụng phương pháp soi kính hiển vi. Các bác sĩ sẽ làm tiêu bản nhuộm Gram soi dưới kính hiển vi, trực khuẩn bắt màu Gram (+), hai đầu to, hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh.
Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể chẩn đoán bệnh dựa trên phương pháp phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là chậm có kết quả.
Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị được bằng thuốc. Bệnh nên được điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang bị máy móc tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên trong giai đoạn tiến triển, bệnh vẫn có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.