"Đánh lừa tử thần"
“Khi thân nhiệt của cơ thể bạn chỉ còn 10 độ C, não bộ không hoạt động, tim ngừng đập và không còn máu, mọi người đều cho rằng bạn đã chết. Nhưng chúng tôi có cách để đưa bạn quay trở về”, Peter Rhee đến từ Đại học Arizona, Tucson (Mỹ) cho biết.
Rhee không phải đang nói quá. Cùng với Samuel Tisherman đến từ Đại học Mary Land, College Park, ông đã chứng minh rằng việc giữ cơ thể trong tình trạng "chết giả" vài giờ tạm thời là hoàn toàn có thể. Quy trình này, cho đến nay mới chỉ được thử nghiệm trên động vật, là phương pháp y học hiện đại nhất từ trước đến nay, bao gồm việc rút toàn bộ máu ra khỏi cơ thể và giữ cơ thể ở nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt bình thường 20 độ C.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết đang ngày càng mờ nhạt. |
Sau khi các vết thương đã được chữa trị, máu được bơm trở lại qua các mạch và cơ thể dần dần ấm lên.
"Khi máu được bơm vào, cơ thể sẽ hồng hào trở lại ngay lập tức" Rhee nói. Tới một nhiệt độ nhất định, tim bắt đầu tự đập trở lại. "Một điều khá thú vị là ở 30 độ C, tim bắt đầu đập trở lại và nó trở nên ổn định sau khi thân nhiệt dần ấm hơn".
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những động vật được thử nghiệm có rất ít triệu chứng bị rối loạn về sức khỏe sau khi "hồi sinh".
"Chúng có thể đi đứng loạng choạng một chút, nhưng lại quay trở lại các hoạt động bình thường trong ngày hôm sau", Tisherman nói.
Tisherman đã thu hút sự quan tâm của truyền thông báo chí khắp thế giới năm nay khi thông báo rằng, nhóm của ông đã sẵn sàng thử nghiệm trên cơ thể người. Những bệnh nhân đầu tiên sẽ là các đối tượng bị chấn thương nặng đến nỗi tim của họ đã ngừng đập. Điều này có nghĩa là, phương pháp này là hy vọng cuối cùng của họ.
CNN đặt tên cho phương pháp này là "đánh lừa tử thần" còn báo New York Times gọi đây là "Giết một người để giữ tính mạng người đó”.
Trở về từ cõi chết
Rhee cho biết, mọi người cần biết rằng, đây không phải là trong khoa học viễn tưởng. Phương pháp này dựa trên những công trình thí nghiệm và được nghiên cứu một cách có kỷ luật, trước khi họ sử dụng phương pháp này để cứu sống người. “Những gì chúng tôi đang làm là phần khởi đầu của cuộc thử nghiệm”, Rhee nói.
Peter Rhee (phải) cho biết phương pháp này dựa trên những công trình thí nghiệm và được nghiên cứu một cách có kỷ luật. |
Hành trình tìm kiếm phương pháp đưa người chết trở lại của Tisherman bắt đầu khi ông còn học tại trường dược, dưới sự giảng dạy của Peter Safa.
Vào những năm 1960, Safar là người tiên phong cho phương pháp hô hấp nhân tạo (CPR) mà giờ đây, đó chính là việc dùng hai tay tạo áp lực lên ngực để giúp tim đập trở lại. Công trình của Safar đã dần thay đổi cách con người nhìn nhận về cái chết.
"Chúng ta đều nghĩ rằng cái chết là một khoảnh khắc quyết định. Sau khi chết, bạn không thể hồi sinh", Sam Parnia đến từ Đại học Tiểu bang New York, Stony Brook, cho biết. "Điều này từng đúng trước đây. Nhưng giờ đây, từ khi phương pháp hô hấp nhân tạo ra đời, chúng ta bắt đầu hiểu rằng các tế bào trong cơ thể vẫn chưa hoàn toàn chết dù chúng ta đã qua đời nhiều tiếng trước. Ngay cả khi bạn đã trở thành một tử thi, bạn vẫn có thể sống lại”.
Tisherman giờ đây nghĩ rằng, cái chết chỉ đơn thuần là khi các bác sỹ hết hy vọng hồi tỉnh bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể quay trở lại từ cái chết.
Ranh giới mờ nhạt giữa sự sống và cái chết
Tháng 12/2013, một báo cáo trên tạp chí nghiên cứu Resuscitation đã gây chấn động dư luận khi cho biết, 50\% các bác sỹ cấp cứu đã chứng kiến 'hiện tượng Lazarus' khi tim của bệnh nhân bất ngờ đập trở lại dù các bác sỹ đã từ bỏ hy vọng.
Tuy nhiên, việc tạo áp lực buộc tim đập trở lại chỉ là một phần nhiệm vụ của bác sỹ. Chính tình trạng thiếu oxy sau cơn đau tim là điều ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là bộ não.
"Cứ mỗi phút các bộ phận này không có oxy, chúng bắt đầu chết dần", Tisherman cho biết.
Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp hơn, các tế bào bắt đầu hoạt động chậm lại, trao đổi chất ít đi và giúp làm giảm thiệt hại do thiếu oxy.
Việc kết hợp với các máy móc giúp tuần hoàn máu và bơm oxy vào máu trong lúc đợi tim phục hồi trở lại sẽ giúp kéo dài thời gian từ lúc cơn đau tim xảy ra cho đến khi chết não.
Một bệnh viện ở bang Texas gần đây thông báo rằng, một người đàn ông 40 tuổi đã sống lại với trí nhớ còn nguyên sau quá trình hô hấp nhân tạo kéo dài 3,5 tiếng.
Tuy nhiên, phương pháp này lại rất khó áp dụng với những người mà cơn đau tim đi kèm với các vết thương do chấn động mạnh, chẳng hạn như như trúng đạn hoặc tai nạn giao thông. Trong trường hợp như vậy, các bác sĩ chỉ có thể cố gắng hết sức làm sao để đẩy một lượng máu về não bộ và khâu vết thương. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót không quá 10\%.
Chính vì lý do này mà Tisherman muốn hạ thân nhiệt xuống từ 10 - 15 độ C để giúp các bác sỹ có thêm hai tiếng hoặc nhiều hơn để phẫu thuật.
Dự án này của Tisherman chính là phương pháp đầu tiên sẽ được sử dụng để cứu sống người đã “chết” trước khi vào bệnh viện. Điều kinh ngạc hơn cả là nhóm của ông đã rút hết máu ra khỏi cơ thể bệnh nhân và thay vào bằng nước muối lạnh, bởi quá trình trao đổi chất đã ngừng lại và các tế bào không còn cần máu để duy trì sự sống. Nước muối chính là giải pháp nhanh nhất giữ lạnh cho cơ thể bệnh nhân, Tisherman giải thích.
Tisherman và hai cộng sự đã dành hai thập kỷ xây dựng các bằng chứng chứng minh quy trình này là an toàn và hiệu quả. Nhiều thí nghiệm trên loài lợn với những vết thương nặng đã được thực hiện.
Gần 90\% các động vật thí nghiệm đã phục hồi trở lại sau khi được bơm máu vào cơ thể. “Thật kinh ngạc khi chứng kiến tim đập trở lại”, Rhee nói. Những động vật sống lại cũng không hề bị tổn thương não bộ sau phẫu thuật.
Nhu cầu về một phương pháp điều trị hữu hiệu hơn đang rất cấp thiết. Tisherman hy vọng rằng, phương pháp này sẽ có thể giúp một người đã chết trước khi được đưa vào bệnh viện có thể hồi sinh.
Bài viết này là một phần trong loạt bài "Comebacks" (Tạm dịch: Trở về) được đăng trên trang BBC News ngày 7/11/2014.