Ông Lê Đỗ Mười (Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT (đại diện cơ quan soạn thảo đề án Quản lý phương tiện cho Hà Nội) khẳng định không khai man kết quả lấy ý kiến người dân.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, tại tọa đàm về hạn chế xe máy do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (30/6), ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, cơ quan soạn thảo đề án Quản lý phương tiện cho Hà Nội cho hay, ban soạn thảo đã lấy ý kiến người dân về chủ trương hạn chế phương tiện, song không thể điều tra toàn diện thành phố, mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu.
Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận huyện, phát phiếu tới hơn 16.000 hộ dân, thu về 15.400 phiếu. Việc khảo sát tiến hành ngẫu nhiên người sử dụng xe máy và không sử dụng xe máy; từ học sinh đến người lao động, lao động tự do, người có hộ khẩu hoặc chỉ tạm trú.
Đơn vị lấy ý kiến cũng công bố mẫu phiếu ghi nhận thông tin về cá nhân, độ tuổi, hộ khẩu, sở hữu các phương tiện, thăm dò chuyến đi trong ngày.
Người được hỏi bày tỏ quan điểm về nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, có đồng ý sử dụng giao thông công cộng khi có phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại, quan điểm ủng hộ thành phố về hạn chế xe cá nhân và điều chỉnh thời gian làm việc.
Ông Lê Đỗ Mười khẳng định việc lấy ý kiến người dân là trung thực - Ảnh: Đ.Loan/ Vnexpress |
Theo ông Lê Đỗ Mười, thống kê cho thấy, về quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân khi có phương tiện công cộng thay thế: 84% số phiếu ủng hộ và 85% người dân từ vành đai 3 trở vào ủng hộ; số không ủng hộ chiếm 16% lượng phiếu phát ra, từ vành đai 3 trở vào là 14%.
"Chúng tôi không khai man, không "bốc thuốc". Cán bộ khảo sát đưa phiếu đến từng hộ gia đình chứ không gặp ngẫu nhiên ngoài đường. Chưa có đề án nào cụ thể như đề án này", ông Mười nói và khẳng định trên mẫu phiếu có chữ ký của từng người được hỏi, của tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực.
Cùng đưa tin về buổi tọa đàm, báo Lao động cũng dẫn lời ông Mười cho biết thêm: "Sau khi khảo sát và lấy ý kiến, chúng tôi đã chỉnh sửa lại, nếu ban đầu chúng tôi đưa ra thời điểm dừng xe là năm 2025 thì sau đó sửa lại trong đề án là đến năm 2030 mới bắt đầu triển khai. Bởi đến thời điểm ấy, các chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng mới phù hợp với nhịp độ và đáp ứng được việc có thể dừng xe máy. Đây là điều các chuyên gia cân nhắc, trao đổi rất nhiều và đã đi đến thống nhất".
"Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên làm đề án quản lý xe cá nhân, dư luận có nhiều ý kiến khiến chúng tôi rất vất vả xây dựng đề án" - ông Mười giãi bày.
Tại hội thảo, ông Lê Đỗ Mười đã cung cấp nội dung phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân. Theo đó, phiếu gồm 4 phần.
Trong phần 1 là những thông tin về người được khảo sát, số điện thoại, hộ khẩu, số lượng phương tiện đang sử dụng trong gia đình.
Phần 2, khảo sát người dân về nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Phần 3, nội dung khảo sát về quan điểm của người dân về phương tiện giao thông cá nhân và việc điều chỉnh thời gian làm việc. Phần 4, khảo sát về tổng số chuyến đi của các thành viên trong gia đình.
Tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng
Theo báo Dân trí, PGS, TS Chu Công Minh - Trường ĐH Bách khoa TP HCM - đưa ra một số dẫn chứng nghiên cứu độc lập về sở hữu sử dụng xe máy tại Hà Nội của World Bank (năm 2013 - 2014) cho thấy việc sử dụng xe máy có tính ổn định rất cao, người dân không muốn thay đổi, xe máy sử dụng diện tích hạn chế hơn so với ô tô…
“Đồng ý hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng nếu chỉ hạn chế xe máy thì một số cá nhân sẽ chuyển từ xe máy sang sử dụng phương tiện khác như ô tô. Vì vậy, đối với một số tuyến đường, hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng được thì có thể tạm dừng xe cá nhân, không chỉ riêng xe máy” - ông Minh cho biết.
Theo báo Tri thức trực tuyến, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết khi nghiên cứu kinh nghiệm của các đô thị lớn khi dừng phương tiện xe máy, các nước Trung Quốc, Myanmar chỉ đưa ra lộ trình 3-6 năm.
Thời gian đầu, Sở GTVT cùng Viện Chiến lược GTVT đưa ra mốc 2025. Khi đưa ra hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia cho rằng, mốc từ 2016-2025 quá gấp gáp, chưa đủ thời gian.
Sau khi cân nhắc, Sở cùng Viện Chiến lược GTVT cho rằng thời điểm 2030 khi kết cấu hạ tầng đã được đồng bộ, hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.
Hà Nội phải đưa ra lộ trình chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch, đáp ứng chỉ tiêu. Năm 2030, khi phương tiện công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, HĐND thành phố có thẩm quyền quyết định là dừng xe máy vào tháng 1 hay tháng 12.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, hiện nay người dân có thói quen đoạn đường chỉ 100 m cũng đi xe máy. Từ nay đến 2030, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng.
"Nếu nhà trong ngõ nhỏ, cách đường lớn dưới 500 m, người dân hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp. Hà Nội đang cố gắng thực hiện tốt nhất việc kết nối phương tiện công cộng đến từng con phố để phục vụ người dân", ông Viện khẳng định.
(Tổng hợp)