Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có nên cấp “thẻ xanh COVID” cho người tiêm 1 mũi vắc-xin?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc việc cấp “thẻ xanh COVID” cho người tiêm 1 mũi vắc-xin. Việc này có phần "mạo hiểm”.

Người có “thẻ xanh COVID” sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh

Ảnh minh họa.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đề xuất, điều kiện để cấp “thẻ xanh COVID” là người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin (đối với vắc-xin phải tiêm 2 mũi) và ở thời điểm ít nhất 2 tuần sau khi tiêm hoặc người từng mắc COVID-19 đã khỏi và có giấy công nhận đã hoàn thành thời gian cách ly. Việc này sẽ triển khai thí điểm trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM.

Về chuyên môn y tế, “thẻ xanh COVID” được xem là 1 hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với vi-rút SARS- CoV-2 nhờ đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoặc từng mắc COVID-19 và đã hoàn thành cách ly.

Người có “thẻ xanh COVID” sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm vi-rút cho người khác. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến còn băn khoăn, cho rằng, cần cân nhắc việc cấp “thẻ xanh COVID” cho người tiêm 1 mũi vắc-xin.

Trao đổi với ĐS&PL, Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) nhìn nhận: “Không nên quy định “thẻ xanh, thẻ đỏ”. Nếu như thực sự “xanh” thì người đó phải được tiêm vắc-xin đầy đủ và có kháng thể bảo vệ; hoặc là những người đã nhiễm và khỏi COVID-19 nhưng vẫn tiêm thêm 1 mũi vắc-xin phòng ngừa thì mới gọi là “xanh”. Còn khi mới tiêm 1 mũi (đối với loại vắc-xin phải tiêm 2 mũi) thì chưa đảm bảo”.

Vị chuyên gia phân tích: “Thực ra, việc gọi “thẻ xanh” là một dạng hình thức của giấy thông hành. Giấy thông hành đó có 1 ý nghĩa nhất định, đó là khuyến khích mọi người dân đi tiêm phòng COVID-19. Tức là phải có chứng nhận về tiêm thì mới được ra đường, được tham gia các hoạt động công cộng, đến nơi đông người. Chứ còn để đảm bảo về độ an toàn, nếu tiêm 1 mũi mà đã cấp “thẻ xanh” thì khá mạo hiểm. Tiêm 1 mũi chỉ là bước tập rượt ban đầu của cơ thể. Những người đã tiêm 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 vẫn có khả năng bị nhiễm và tử vong, không ai dám đảm bảo, chỉ có điều là tỷ lệ tử vong thấp hơn so với bình thường. Còn nếu như tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 thì vẫn có khả năng nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong thì gần như về không”.

Theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái: “Trên thực tế, còn nhiều người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền và trẻ em chưa được tiêm, vì thế, cho dù những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, nếu đi ra ngoài, tiếp xúc với nguồn bệnh thì vẫn có thể bị nhiễm COVID và về lây cho người nhà là trẻ em hoặc người cao tuổi chưa được tiêm; và vẫn tạo ra lây truyền trong cộng đồng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh, nếu lấy “thẻ xanh” COVID để khuyến khích người dân đi tiêm thì cũng được. Còn nếu như sử dụng nó như một bằng chứng về sự bảo vệ thì không phải”.

Trong khi đó, cũng nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, để có chiến lược mới phòng, chống dịch hiệu quả, cần xác định COVID-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc. Do đó, phải xây dựng chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh này.

Các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với từng khu vực đang có nguy cơ và mức độ dịch khác nhau. Bên cạnh việc chú trọng dập từng ổ dịch ở “vùng đỏ”, “vùng vàng” thì phải hạn chế đến mức thấp nhất “vùng xanh” chuyển thành “vùng vàng”.

TP.HCM đề nghị khẩn trương tiêm vắc-xin cho người nước ngoài

Ngày 21/9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND, trung tâm y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) về việc giải quyết kiến nghị tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người nước ngoài trên địa bàn.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo trung tâm y tế và phòng y tế phối hợp, khẩn trương tổ chức tiêm vắc-xin cho công dân nước ngoài sinh sống trên địa bàn theo thông tin do Sở Ngoại vụ TP.HCM cung cấp. Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm tổ chức tiêm vắc-xin an toàn, hiệu quả và lập dự trù nhu cầu vắc-xin phù hợp, gửi về HCDC để cung ứng kịp thời.

Sở Y tế yêu cầu HCDC căn cứ nguồn vắc-xin hiện có của Thành phố này, cung ứng số lượng và loại vắc-xin phù hợp theo dự trù của trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Sở Ngoại vụ cung cấp đầy đủ danh sách người nước ngoài cần tiêm vắc-xin cho UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức tiêm vắc-xin cho người nước ngoài, đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho người dân và đơn vị y tế.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về nhu cầu vắc-xin để tiêm cho người dân TP.HCM từ ngày 20/9 đến ngày 31/10, để Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xem xét phân bổ vắc-xin kịp thời và đầy đủ để triển khai kịp tiến độ.

Theo Sở Y tế, tính đến hết ngày 19/9, Thành phố này đã tiêm được tổng cộng hơn 8,7 triệu liều vắc-xin phòng COVID- 19. Trong đó, có 6,7 triệu người được tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 93,5% và hơn 2 triệu người được tiêm mũi 2, đạt tỉ lệ 28,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tính đến hết ngày 19/9, TP.HCM hiện còn 774.272 liều vắc-xin các loại, trong khi nhu cầu người dân tiêm mũi 1 và mũi 2 là rất lớn.

Cụ thể, TP.HCM cần 6.031.000 liều vắc-xin để tiêm phủ 2 liều cho 7.208.800 người dân (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021) trong gian đoạn từ ngày 20/9 đến ngày 31/10. Trong đó, số lượng vắc-xin để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều.

Thiên An

Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (153)

Tin nổi bật