Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo bắt học sinh quỳ gối ở Hà Nội: Phụ huynh tha thiết đề nghị phạt như thế

(DS&PL) -

Cô Quy cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì “đều là người cùng địa phương”.

Cô Quy cho hay, dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm" nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì “đều là người cùng địa phương” và “xuất phát từ lương tâm người thầy”.

Vnexpress đưa tin, tối 11/5, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín (Hà Nội), cho biết đã cử đoàn công tác về trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) làm rõ việc cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp.

Quá trình làm việc, cô Lê Thị Quy, chủ nhiệm lớp 9B, thừa nhận đã bắt một nam sinh quỳ một tiết học hôm 9/5, trước gần 30 em trong lớp. Cô Quy giải thích hình phạt này do một số phụ huynh đề nghị, trước thực trạng học sinh không tuân thủ nội quy nhà trường.

Đoàn công tác kết luận hành động của cô Quy không đúng quy định của ngành, vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên.

"Trước mắt chúng tôi sẽ đình chỉ một tuần đối với cô Quy để làm rõ trách nhiệm, đồng thời cử giáo viên mới phụ trách lớp 9B", ông Ý thông tin.

Hình ảnh học sinh quỳ gối lan truyền trên mạng xã hội. 

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Tây, đi làm từ năm 1994, cô Quy hiện đã có 25 năm trong nghề. Cô Quy bắt đầu tiếp nhận lớp 9B từ đầu năm học này.

Chia sẻ trên Vietnamnet, cô Quy cho biết, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Quy sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi.

Ngoài động viên, nhắc nhở, cô Quy cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa.

Cô Quy cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau nhưng không mấy hiệu quả.

“Có nhiều giờ giáo viên bộ môn cũng phản ánh không thể dạy được. Nói chuyện có, tâm sự có! Nhưng các em vẫn không nghe”.

Đặc biệt, trong lớp có 5 học sinh dù đã được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng ý thức và sự tiến bộ rất chậm.

Tháng 1/2019, cô Quy đã phải mời các phụ huynh đến trường họp để nói chuyện về phương pháp giáo dục. Cũng trong cuộc họp ấy, hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư".

Cô Quy cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì “đều là người cùng địa phương” và “xuất phát từ lương tâm người thầy”.

“Trong buổi gặp, phụ huynh chia sẻ dù có bảo ban nhưng con cũng không nghe và tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở trên lớp nếu không ngoan. Họ đưa ra hướng như vậy vì muốn các con sẽ không phải đi nhặt cỏ hay ra ngoài trường nắng, bị bẩn mà vẫn được viết bài, nghe giảng và có thể tiến bộ”.

Trước kia các phụ huynh đề nghị cô cho các con dọn vệ sinh.

“Nhưng tôi cũng nói với các phụ huynh không giáo viên nào muốn phạt học sinh cả. Phạt học sinh để tôi được cái gì? Thực lòng tôi không hề muốn điều đó. Nhưng các  đề nghị đều là người trong địa phương, ở xung quanh nhà tôi. Người ta cứ tha thiết đề nghị giúp như thế nên tôi đồng ý giúp đỡ họ để mong các cháu tiến bộ”. 

Nói về việc áp dụng hình phạt bắt học sinh quỳ trong lớp, cô Quy cho hay bản thân bất lực dù đã áp dụng đủ các phương pháp giáo dục. Ảnh: Vietnamnet

Liên quan đến vụ việc bắt học sinh quỳ gối, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Chia sẻ trên báo Người Lao Động, chị Nguyễn Hương - một phụ huynh sống tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho rằng cần phải thông cảm với các thầy cô giáo. Phụ huynh này cho rằng áp lực lên lớp của các thầy cô không phải là nhẹ và thực tế với những học sinh cá biệt, học sinh hư cần phải "thương cho roi cho vọt", phải bị phạt nặng học sinh mới tỉnh ngộ để trưởng thành.

"Lứa chúng tôi thầy giáo bắt quỳ gối lên gai mít để thật đau mà nhớ. Cũng nhờ đó mà chúng tôi có ngày hôm nay" - chị Hương nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Cũng chia sẻ với báo Lao Động, luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo.

"Hành vi này có thể xử lý kỷ luật hoặc có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", theo điều 155 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, ở trường hợp này do hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không thể xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác", chỉ có thể xử lý kỷ luật giáo viên" - luật sư Tiến nói.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng khẳng định Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt quỳ gối. Đó là những hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, cần bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.

Thu Hằng (T/h)

Tin nổi bật