Không may mắn có cha, có mẹ ở bên, Nguyễn Thị Thu L. không những phải một mình “chống chọi” với cuộc đời mà cô còn mang trong mình căn bệnh HIV. Những tưởng cô sẽ buông xuôi tất cả, nhưng Thu L. đã tự dặn lòng mình phải luôn cố gắng nhiều gấp đôi để vượt lên số phận…
Ánh mắt dị nghị của người đời
Ai sinh ra cũng mong ước mình được sống trong vòng tay yêu thương đủ đầy của cả cha và mẹ. Thế nhưng, gặp Nguyễn Thị Thu L. tại trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS (phố Núi Trúc, Hà Nội) chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng vì hoàn cảnh éo le của L..
Nguyễn Thị Thu L. (17 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc tỉnh Hưng Yên, bố mẹ cô đều là người lao động và mang trong mình căn bệnh HIV. Bởi thế, khi sinh ra, L. cũng đã bị nhiễm HIV qua đường truyền từ mẹ sang con.
Nguyễn Thị Thu L. trải lòng mình. |
L. chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi được ông bà, bố mẹ đưa đi khám định kỳ hàng tháng. Khi ấy tôi nghĩ mình không khỏe như những em bé khác, chứ không hề biết căn bệnh thế kỷ này. Thế rồi, năm tôi lên 4 tuổi, bố qua đời, đến năm 6 tuổi mẹ cũng rời bỏ tôi mà sang thế giới bên kia. Từ ngày đó, tôi sống cùng ông bà nội”.
Thu L. lớn dần lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, tuy nhiên cô cảm nhận được sự xa lánh của bạn bè, làng xóm xung quanh. Cô để ý thấy ông bà sống thui thủi không giao tiếp nhiều với hàng xóm láng giềng, L. có hỏi lý do vì sao làng xóm không thích đến chơi nhà, thì ông bà lảng tránh, nói không có chuyện gì.
Thu L. cho hay: “Có vài lần tôi đi chơi cùng lũ trẻ xung quanh, chúng cứ lảng tránh tôi hoặc có chơi thì cũng miễn cưỡng. Có đứa bé buột miệng nói: “Bố mẹ mày nhiễm HIV, bệnh của mày bị lây đấy”, thế là khi đó tôi bỏ về nhà, ngồi khóc một mình. Khi tôi hỏi, ông bà không nhìn thẳng vào mặt tôi mà hỏi sang chuyện khác”.
Tâm hồn của đứa trẻ non nớt, ngây thơ là L. khi ấy vẫn chưa biết sự quái ác của căn bệnh HIV là gì. Năm Thu L. tròn 7 tuổi, ông bà mới thừa nhận những gì mọi người xì xào, bàn tán là đúng sự thật. Đến năm 9 tuổi, sau khi tìm hiểu qua sách, ti vi, cô bé này mới biết căn bệnh của mình không có thuốc chữa.
Thu L. đau đớn đến tột cùng, đã có lúc cô muốn buông xuôi tất cả: “Tôi gào khóc không thành tiếng, đêm nằm nước mắt cứ tuôn rơi nghĩ mình không còn đường đi nào khác. Thậm chí, có đôi lần tôi đã nghĩ đến cách duy nhất là tự tử, không thiết tha sống trên cõi đời này nữa. Thế nhưng, những ngày sau ông bà động viên, an ủi và nói rằng rất thương tôi, nên tôi đã tĩnh tâm lại, bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình”.
Vì nhiễm căn bệnh thế kỷ, nên Thu L. thường xuyên bị bạn bè xa lánh. Ngày trước cô bé được ông lo giấy tờ cho đi học nhưng khi đến lớp, phụ huynh của các bé khác biết học cùng lớp với L. họ kiên quyết cho con nghỉ học.
L. chia sẻ trong nghẹn ngào: “Tôi đi học cùng các bạn, lúc đầu ngồi một mình một bàn, sau phụ huynh của các bạn khác không đồng ý. Sau đó tôi phải học một mình một lớp, một cô. Ngày ấy người ở làng vẫn chưa hiểu về căn bệnh này nên họ xa lánh, tôi không thể trách được”.
Cảnh nghèo ham học Vì không chịu nổi áp lực, L. đã nghỉ học. Nhìn cháu gái sống thui thủi một mình, không có bạn bè nên ông nội của L. đã nhờ đến sự trợ giúp của trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS. Sau thời gian đấu tranh không ngừng nghỉ, đến năm 9 tuổi L. được đi học cùng các bạn, được hòa nhập với mọi người.
“Được đi học cùng mọi người tôi cảm thấy rất vui, nhưng có điều bạn đó chơi với tôi vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Tôi học cách tập làm quen và nếu họ không muốn chơi thì không ép, thay vào đó tôi chuyển sang vùi đầu vào sách vở. Năm tròn 9 tuổi, tôi vào lớp 1”, Thu L. chia sẻ.
Dù đi học muộn, có đôi chút thiệt thòi, nhưng cô bé Thu L. luôn chứng minh được năng lực của mình. Bằng chứng là năm nào cô cũng đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi khiến bạn bè, thầy cô nể phục.
Với Thu L., mới 17 tuổi nhưng cô cảm nhận như mình đã trưởng thành hơn rất nhiều khi phải gánh chịu nhiều nỗi đau đớn, mất mát và cả những gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày. Giờ đây, khi bà qua đời, chỉ còn hai ông cháu sống trong căn nhà cô đơn, quạnh hiu ấy, L. tự nhủ mình càng phải cố gắng hơn nữa để không phụ công dưỡng dục của ông nội.
Tuy nhiên, ẩn sâu trong ánh mắt biết cười ấy là một nỗi trăn trở lớn của cô gái 17 tuổi, khi mới đây ông nội (73 tuổi) của L. đã phải cầu cứu đến mọi người vì không lo nổi tiền học cho L. nữa.
Ông Nguyễn Minh T. (ông nội của L.) chia sẻ trong sự bất lực: “Tôi già cả rồi, có lương hưu thương binh nhưng cũng chỉ đủ nuôi hai miệng ăn hàng tháng, còn tiền đóng học cho cháu thì giờ không biết xoay xở thế nào”.
Trao đổi thêm với PV báo ĐS&PL về trường hợp của Thu L., luật sư Trịnh Quang Chiến - Phó Giám đốc trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS, cũng là người tiếp xúc với hoàn cảnh của L. từ những ngày đầu cho biết: "Hoàn cảnh của Thu L. rất thương tâm, những năm qua chúng tôi đã trợ giúp pháp lý giúp bé được đến trường như bao đứa trẻ khác. Là những người theo sát con đường học tập của L., tôi thật sự buồn khi nghe tin cô gái này sắp phải nghỉ học giữa chừng”.
Trong buổi trò chuyện, có đôi lúc nước mắt L. chực trào nhưng trong ý chí của nữ sinh này luôn có một niềm lạc quan, tin tưởng rằng bản thân mình sẽ vượt qua được những ánh mắt dò xét. Bên cạnh đó, Thu L. bày tỏ mong muốn sau này cô sẽ thi đỗ vào đại học Y Hà Nội với một khát khao, một quyết tâm cháy bỏng là tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh HIV/AIDS.
Hoàng Bích