Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô gái có nụ cười tỏa nắng giúp trẻ bị down vượt lên số phận

(DS&PL) -

Không khỏi xót lòng khi chứng kiến những em bé bị down sợ hãi, e ấp ở một góc nhà, cô gái ấy đã quyết tâm giúp những “thiên thần lơ đãng” vượt lên số phận, sống có ý nghĩ

Không khỏi xót lòng khi chứng kiến những em bé bị down sợ hãi, e ấp ở một góc nhà, cô gái ấy đã quyết tâm giúp những “thiên thần lơ đãng” vượt lên số phận, sống có ý nghĩa hơn.

Hành trình đồng hành cùng trẻ bị down

Nụ cười tỏa nắng của cô bé 19 tuổi đã nắm trong tay nhiều năm kinh nghiệm từ thiện (Ảnh: NVCC).

Đó là Trần Ngân Hằng - cô sinh viên năm nhất trường đại học Kinh tế Quốc dân, quê tại Hà Nam. Gặp Hằng, ấn tượng đầu tiên với tôi là nụ cười tỏa nắng, dáng người nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn, khuôn mặt xinh xắn. Nói chuyện với em, người đối diện có thể cảm nhận được nhiều năng lượng tích cực.

Mặc dù mới 19 tuổi nhưng Hằng có rất nhiều năm kinh nghiệm từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh down. Còn nhớ khi đang là học sinh trung học phổ thông với đam mê tìm tòi, cùng máu thiện nguyện ngấm trong người, em bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ mắc hội chứng down”.

Khơi nguồn cho dự án này, em chia sẻ, đó là lần Hằng cùng gia đình về huyện Thanh Liêm chơi, em đã nhìn thấy rất nhiều bạn nhỏ mắc chứng down không thể giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng cho các em đi học lớp chuyên biệt. Cô nữ sinh bỗng thấy chạnh lòng, thương cảm cho những số phận không may mắn.

“Các em rất rụt rè, sợ đông người, sợ giao tiếp nên chỉ dám quanh quẩn trong nhà. Có những em đã đến tuổi có thể đi học lớp 5 nhưng chưa từng gọi được tiếng bố mẹ, chưa từng vui đùa cùng quả cầu, trái bóng,... hay bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc... Nhìn những em bị bệnh nép nép vào góc tường hoặc nép vào người thân khi thấy người lạ, khóe mắt em đã cay cay. Em ước em có thể bao dung được tất cả các em ấy vào lòng”, Hằng tâm sự.

Đó cũng là lần đầu tiên em thấy trẻ em bị down. Những hình ảnh về các em cứ ẩn hiện, ám ảnh trong từng suy nghĩ. “Em nghĩ rằng, ai sinh ra cũng có quyền được sống, được học tập, vui chơi. Các em bị bệnh down cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn của nhà trường và xã hội”, Hằng nói.

Sau nhiều ngày nỗ lực không ngừng, dự án của Ngân Hằng dần hoàn thiện, được thầy cô đánh giá cao, đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, sau đó là giải Nhì cấp Quốc gia.

Cuối tháng 10/2018 sau khi dự án thành công về mặt lý thuyết, Hằng bắt tay vào thực tiễn. Em cùng 5 người bạn khác lập câu lạc bộ thiện nguyện chuyên giúp đỡ trẻ em khuyết tật trí tuệ nhằm giúp các em nhỏ mắc bệnh down có cơ hội giao tiếp và tái hoà nhập với cộng đồng.

“Lúc đó, em chẳng nghĩ nhiều, cũng không tính trước là bao nhiêu em, chỉ biết giúp được hoàn cảnh nào thì tốt. Cũng may câu lạc bộ được sự ủng hộ của nhiều thầy cô và bạn bè trong trường trung học phổ thông. Nhưng ai cũng bảo em gan to mới quyết định như vậy”, Hằng cười chia sẻ.

Thay đổi cuộc đời những “thiên thần lơ đãng”

Để đi đến thành quả ngày hôm nay là cả một nỗ lực của các bạn trẻ.

Suốt thời gian hoạt động, giúp đỡ đó, Hằng luôn đau đáu khát vọng phải thay đổi cuộc đời họ, nhất là những em bé mắc hội chứng down.

Nhưng thực hiện việc gì cũng có khó khăn bước đầu, đặc biệt để tiếp cận với những trẻ mắc down quả không dễ. Khó khăn hơn nữa là gia đình của chính các em nhỏ đó, họ từ chối hợp tác vì nhìn thấy những đứa loắt choắt “vắt mũi chưa sạch”, trên vai còn phù hiệu của trường trung học.

Câu chuyện em không thể quên về cậu bé tên Lâm (huyện Thanh Liêm, Hà Nam)- là trẻ em bị khuyết tật trí tuệ, việc tiếp xúc hay nói chuyện với mọi người là vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh gia đình Lâm lại rất khó khăn, kinh tế gia đình chỉ nhìn vào vài ba sào ruộng của mẹ. Vì vậy dẫu biết con mang trong mình căn bệnh về trí tuệ nhưng mẹ em không có điều kiện cho Lâm lên thành phố học lớp chuyên biệt dành riêng cho trẻ bị tự kỷ.

“Khi tiếp xúc với gia đình Lâm, dù rằng rất thương con nhưng bố mẹ Lâm sợ sệt, lo lắng, không tin vào khả năng của nhóm chúng em nên không tạo điều kiện cho tiếp xúc, đến gần con của họ và liên tiếp từ chối những lời đề nghị giúp đỡ. Vì bố Lâm cho rằng bản thân họ đã tiếp xúc, đồng hành với con mình từ khi con còn nhỏ mà nhiều lúc còn cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy, chỉ bảo con, nên họ không tin tưởng và giao con mình cho chúng em. Họ sợ chúng em chưa thể trông được con họ, sợ con mình có thể bị tổn thương khi tiếp xúc với những người xa lạ”, Ngân Hằng kể lại.

Cô và nhóm bạn đã mất một khoảng thời gian khá dài thuyết phục để gia đình hiểu hòa nhập là tốt, không những giúp Lâm từ một cậu bé nhút nhát thành đứa trẻ mở lòng, vui vẻ, có thêm nhiều bạn bè mà còn giúp Lâm và nhiều em nhỏ ở trường hợp tương tự phát triển tư duy, nhận thức, thực hiện được những việc chưa bao giờ làm, tham gia những trò chơi chưa bao giờ chơi.

Sau vài tháng tiếp xúc, can thiệp giúp Lâm hòa nhập, Ngân Hằng hào hứng chia sẻ về kết quả: “Đồng hành với em Lâm trong một khoảng thời gian từ ngày đầu tiên khi em gần như chẳng giao tiếp được gì và cho tới hôm nay, em đã khá tự tin khi trò chuyện với mọi người và tham gia các hoạt động một cách tích cực. Với chúng em đó thực sự là niềm vui, là niềm hạnh phúc để có thật nhiều động lực đồng hành cùng các em trên con đường hoà nhập”.

Đến nay, sau 2 năm thành lập, câu lạc bộ ban đầu hoạt động tự phát của nhóm bạn thân vỏn vẹn chỉ có 5 người, thì giờ đã trở thành một câu lạc bộ thiện nguyện của trường chuyên Biên Hòa (tỉnh Hà Nam – ngôi trường nữ sinh theo học THPT) thu hút học sinh toàn trường tham gia.

Do vậy, Hằng đã mở rộng phạm vi giúp đỡ không chỉ là trẻ em khuyết tật trí tuệ mà còn là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh Hà Nam. Và vừa qua, câu lạc bộ của Hằng đã hoàn thành tốt chiến dịch “Ấm tình mùa lũ - Hướng về miền Trung” đã quyên góp được một số lượng lớn vật phẩm và cả tiền mặt gửi tới miền Trung, chia sẻ những thiệt hại do lũ lụt mà bà con nhân dân nơi đây phải gánh chịu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật, bà Ứng Thị Đảm – Chủ tịch phường Hai Bà Trưng (TP.Phủ Lý) nơi Hằng và gia đình hiện đang sinh sống, cho biết, Ngân Hằng là một cô bé rất ngoan và lễ phép, biết quan tâm đến mọi người. Dự án giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh down nổi tiếng khắp phường, và các huyện lân cận.

“Mặc dù ở phường không có trường hợp mắc bệnh down nhưng nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ngân Hằng vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Đây là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi “ theo”, bà Đảm chia sẻ.

Liên Trang

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (188)

Tin nổi bật