Theo New York Post, Fenella Fox (29 tuổi, đến từ Anh) dán mắt vào màn hình điện thoại từ sáng đến tối vì nghiện Instagram. Được biết, tài khoản Instagram của cô gái trẻ có hơn 156.000 người theo dõi.
Đầu năm 2021, Fenella bị đau đầu và đau cổ ngày càng dữ dội. Ngay sao đó, cô xuất hiện triệu chứng chóng mặt và buồn nôn. “Tôi cảm thấy mình không thể đi lại bình thường. Tôi thực sự thấy không khỏe. Chóng mặt và choáng váng, tôi có thể hình dung ra tình trạng lúc đó nhưng không dễ để giải thích”, cô chia sẻ với The Mirror.
Thời điểm đó, cô gái 29 tuổi đang sinh sống tại Bồ Đào Nha và các bác sĩ bối rối trước tình trạng của cô. Khi các triệu chứng bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn, Fenella đã bay đến Anh để được bố mẹ chăm sóc. Fenella nhớ lại: “Tôi vẫn ổn khi bắt taxi tới sân bay nhưng sau đó phải ngồi xe lăn. Tôi không thể tự đi lại được cho tới khi gặp mẹ và lên ô tô trở về nhà”.
Cô gái phải ngồi xe lăn sau khi lướt mạng tới 14 tiếng/ngày. Ảnh minh họa: Getty
Những ngày sau đó, cô gái trẻ nằm liệt giường và vật lộn để có thể đi lại bình thường, mỗi lần cần di chuyển đều phải dựa vào xe lăn. Tuy nhiên, Fenella vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại cả ngày mà không nhận ra rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề.
“Tôi nằm trên giường, lướt điện thoại từ lúc còn thức đến khi đi ngủ. Thời điểm đó tôi không biết rằng, tôi đang khiến bản thân trở nên tồi tệ hơn”, Fenella cho hay.
Các bác sĩ tại Anh cũng bối rối trước căn bệnh kỳ lạ của cô gái trẻ. Mãi đến khi bố của Fenella tìm thấy các bài báo về “chứng say mạng” và “chóng mặt kỹ thuật số”, cô mới quyết định dừng sử dụng điện thoại.
“Tôi tắt điện thoại và cất nó vào sau tủ hoặc đưa cho bố mẹ, nói rằng ‘Làm ơn đừng để con thấy nó’. Sau đó, tôi đã có thể đi lại được”, cô cho biết. Theo Fenella, cô phát triển chứng “chóng mặt kỹ thuật số” sau khi dành tới 14 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại.
Fenella không tiết lộ việc có được chuyên gia y tế chẩn đoán mắc chứng chóng mặt hay không. Thế nhưng, một số bác sĩ cho rằng thời gian nhìn màn hình quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng đáng lo ngại.
Năm 2022, Tiến sĩ Gillian Isaacs Russell – thành viên Hội đồng Phân tâm học Anh chia sẻ với Real Simple: “Chứng say mạng xã hội xảy ra khi não của bạn nhận được thông báo rằng bạn đang di chuyển, ví dụ như khi màn hình nhấp nháy, trong khi thực tế là bạn vẫn đứng yên”. Theo vị chuyên gia, tình trạng này dẫn đến “xung đột tiền đình thị giác” – một yếu tố gây say tàu xe.
“Xung đột tiền đình thị giác tạo ra một kiểu nhầm lẫn khi mắt bạn cảm nhận được một thứ nhưng tai và cơ thể lại phát hiện ra thứ khác”, Tiến sĩ Christina Finn – chuyên gia về phục hồi thể chất giải thích, đồng thời nói rằng “chứng say mạng” có thể có tác động tương tự chứng chóng mặt.
Fenella vốn dựa vào mạng xã hội để kiếm thu nhập. Ngoài trang Instagram, cô còn là một nhân vật nổi bật trên OnlyFans và được cho là đã kiếm được hơn 15.000 USD mỗi tháng từ nền tảng này. Tuy nhiên, hiện tại cô gái trẻ không còn có thể nhìn vào điện thoại thường xuyên nữa do các triệu chứng sẽ nhanh chóng trở lại.
Mặc dù vẫn tiếp tục đăng bài thường xuyên trên Instagram nhưng Fenella khẳng định sẽ cai điện thoại. “Tôi không thể làm điều đó nữa, tôi không thể tự làm việc đó. Đôi khi, tôi cố gắng làm việc trong nhiều tiếng như trước đây nhưng tôi đã bị ốm trở lại”, cô nói.
Đinh Kim (Theo NY Post)