Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cổ đột nhiên to lên hoặc hơi khó nuốt, cô gái 21 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Thấy cổ đột nhiên to lên hoặc hơi khó nuốt, đi khám cô gái được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 2 và phải phẫu thuật.

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh ảnh hưởng tuyến giáp, cơ quan nhỏ sản xuất hormone nằm ở cổ. Ung thư tuyến giáp xảy ra phổ biến ở những người độ tuổi 30 và trên 60 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới 2-3 lần.

Mới đây, Tiểu Lý (tên nhân vật đã được thay đổi) 21 tuổi, đang vừa học đại học vừa làm bán thời gian tại một công ty truyền thông ở Đài Loan, Trung Quốc. 

Cô cho biết vào khoảng hơn 1 tháng trước, cô bắt đầu cảm thấy cổ mình có vẻ to lên. Lúc này, Tiểu Lý chỉ cho rằng mình gần đây ăn uống bừa bãi nên tăng cân một chút.

Tuy nhiên, sau gần 2 tuần ăn kiêng cô cảm thấy cổ mình còn to hơn trước, trong khi cân nặng đã giảm gần 2kg. Sờ lên cổ thấy cứng hơn bình thường, cảm giác cổ họng cũng khó chịu nhẹ giống như triệu chứng cảm lạnh nên Tiểu Lý tự mua thuốc cảm và kháng viêm về uống.

Đương nhiên, các dấu hiệu bất thường này không hề thuyên giảm, nhưng do quá bận rộn, lại đang gặp áp lực tiền bạc nên cô quyết định chờ tới khi có lương - tức là gần nửa tháng sau không khỏi sẽ tới khoa Tai mũi họng khám.

Cổ đột nhiên to lên hoặc hơi khó nuốt, cô gái 21 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư. Ảnh minh họa.

Trong thời gian đó, đồng nghiệp cũng nhận ra sự khác biệt trên cổ Tiểu Lý. Nhưng họ cũng chỉ cho rằng cô gái trẻ tăng cân, bị cảm hoặc đau họng, ăn thừa muối hoặc do phù nề. Vài người khác thì nói rằng họ cũng từng bị như vậy, nhưng một thời gian sẽ tự khỏi.

Khi nghe như vậy, Tiểu Lý nhận ra trường hợp của mình không giống mọi người, kiểm tra kỹ lại còn thấy có 2 hạch nhỏ giống như bị sưng lên. Ngày hôm sau, cô gái trẻ xin nghỉ tiết học buổi sáng và tới Bệnh viện Đa khoa Min Sing (Đài Loan, Trung Quốc) khám bệnh.

Sau khi tiến hành kiểm tra sơ bộ bác sĩ đã nghi ngờ đó là khối u tuyến giáp, cần phải làm thêm sinh thiết để xác định u lành tính hay ác tính. Kết quả, Tiểu Lý được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 2 và phải phẫu thuật. Cô òa khóc nức nở, không dám tin mình bị ung thư khi mới 21 tuổi với những dấu hiệu bệnh mơ hồ đến như vậy.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào trong cơ quan này bị đột biến (thay đổi gen). Các đột biến khiến tế bào phát triển và nhân lên nhanh chóng. Lúc này, chúng mất khả năng chết như bình thường, do đó, lâu dần tích tụ thành khối u. Các tế bào bất thường có thể xâm lấn mô lân cận và di căn đến nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Các bệnh nhân được điều trị bằng tia xạ ở vùng đầu và cổ có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu i-ốt cũng là nguyên nhân phát triển căn bệnh này.

Theo tạp chí Prevention, ung thư tuyến giáp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu của bệnh. Hầu hết trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI vì vấn đề sức khỏe không liên quan.

Triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn sớm sẽ bao gồm:

- Khối u ở cổ

- Bị khàn giọng

- Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.

- Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn hơn có thể là:

- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.

- Khàn tiếng, có thể khó thở. 

- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.

- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.

Cổ đột nhiên to lên hoặc hơi khó nuốt, cô gái 21 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư. Ảnh minh họa.

Với trường hợp của Tiểu Lý, cô đã phát hiện ra các triệu chứng sưng cổ, sưng hạch bạch huyết ngay từ khi rất mơ hồ, nhưng lại xem nhẹ và hiểu lầm nó với bệnh vặt. May mắn là ca phẫu thuật của cô diễn ra suôn sẻ, quỹ thời gian học tập và công việc không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, tâm lý của Tiểu Lý thì trở nên tiêu cực, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm và phải nhờ tới bác sĩ thần kinh học.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp bao gồm:

- Nữ giới: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam.

- Thừa cân hoặc béo phì: Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn bình thường. Nguy cơ mắc bệnh này càng cao khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên.

- Di truyền: Các hội chứng di truyền như ung thư tuyến giáp thể tủy, đa u tuyến nội tiết, hội chứng Cowden và bệnh đa polyp có thể gây căn bệnh này.

- Người mắc bệnh về tuyến giáp: Những người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn.

Các nhà khoa học chưa tìm ra chắc chắn lý do ung thư tuyến giáp tấn công phụ nữ nhiều hơn. Tuy nhiên, bác sĩ nội tiết R.Michael Tuttle, thuộc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), cho biết: "Trước tuổi dậy thì, ung thư tuyến giáp được phân bổ đồng đều ở trẻ nam và nữ. Chúng tôi chỉ thấy tỷ lệ phụ nữ mắc nhiều hơn sau tuổi dậy thì".

Vì vậy, bác sĩ Michael cho rằng nó có thể liên quan nội tiết tố nữ, nhưng điều này vẫn cần nghiên cứu thêm.

Các biến chứng

Theo Mayoclinic, mặc dù được điều trị khỏi, ung thư tuyến giáp vẫn dễ tái phát, ngay cả khi bạn đã cắt bỏ tuyến giáp. Điều này có thể do tế bào ung thư siêu nhỏ lan ra ngoài tuyến giáp trước khi chúng bị loại bỏ.

Ngoài ra, ung thư tuyến giáp có thể gây tổn thương giọng nói và khàn tiếng sau khi phẫu thuật. Lượng canxi trong cơ thể người bệnh cũng có thể giảm do tuyến cận giáp vô tình bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật.

Ngoài ra, ung thư tuyến giáp có thể di căn đến phổi, xương hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật