“Hư cô Trinh nuốt chửng...”
Đối với nhiều bố mẹ, việc cho con ăn đôi khi là một "nhiệm vụ bất khả thi" bởi con không chịu nhai hay nuốt dù bố mẹ đã dùng hết chiêu trò từ mềm dẻo đến cứng rắn. Thậm chí, một số gia đình phải cho con xem hoạt hình hay thậm chí dọa nạt, đòn roi thì bé mới chịu ăn.
Chính vì những lý do đó, mới đây, trên các mạng xã hội, các bậc phụ huynh đã được gợi ý một cách hỗ trợ mới khi trẻ ăn. Đó là sử dụng video của Tiktoker Long Chun thông qua việc cô Tuấn Trinh (nhân vật do Long Chun hóa trang) doạ nạt để bé phải ăn cơm.
Cụ thể, đoạn video của cô Tuấn Trinh - Long Chun với gương mặt và biểu cảm tức giận, trợn mắt, cùng giọng dọa nạt: "Há mồm ra ăn hết bát cơm này cho cô Trinh nào. Ngoan cô Trinh thương cô Trinh yêu, hư cô Trinh nuốt chửng nhá! Ăn đê. Nuốt hết bát cơm đê. Đừng để cô Trinh cáu. Ăn chưa? Nuốt sạch chưa? Nuốt đi".
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng tải, clip của anh bạn đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ khán giả, nhận về gần 7 triệu lượt xem sau 72h. Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy cách làm này rất hiệu quả, thậm chí nhiều người chia sẻ trải nghiệm của chính mình lên mạng khiến dân tình ồ ạt học theo.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng lại cho rằng, cách làm này có thể gây ra loạt hậu quả khó lường. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc một số phụ huynh lại thấy thích thú vì con mình "ăn thun thút" khi sử dụng clip này trong tất cả các bữa ăn của con sẽ càng gây thêm áp lực cho trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ gia đình và sự phát triển tâm lý của trẻ.
Tác hại khôn lường tới sức khỏe và tâm lý của trẻ
Trao đổi vấn đề này với PV Đời sống & Pháp luật, chuyên gia Tâm lý – Nguyễn Thị Tâm với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghành tâm lý nhận định, việc sử dụng cách thức doạ nạt, bắt ép con trẻ trong việc ăn uống là cách làm cực kỳ sai lầm và gây hại cho tâm lý của trẻ.
“Hình ảnh các bé khóc lóc trong sợ hãi, cố nuốt thức ăn gây không ít ám ảnh cho người xem. Việc ăn uống bỗng dưng trở thành nỗi ám ảnh, bị bắt ép nặng nề và gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Khiến trẻ sợ hãi, cảm thấy bức bối, khó chịu hay phản ứng tiêu cực mỗi khi bị la mắng, thúc ép, buộc ăn nhiều. Dẫn đến hậu quả, trẻ thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, gây những tác động không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ, thậm chí là bệnh trầm cảm”, chuyên gia tâm lý nhận định.
Đồng quan điểm với chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia Giáo dục TS Vũ Thu Hương bày tỏ: “Có những đứa trẻ chỉ xem một bộ phim xấu hoặc nghe một câu chuyện kinh dị đã khiến con hoang mang, ảnh hưởng ngay lập tức tới giấc ngủ. Cho con ăn bằng hình thức dọa nạt không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của con mà còn đầy con tới trạng thái trầm cảm nghiêm trọng”.
Chuyên gia Giáo dục - TS Vũ Thu Hương.
Ngoài ra TS Vũ Thu Hương cũng chia sẻ thêm: “Việc sử dụng clip để bắt ép trẻ ăn uống là một cách làm sai lầm và gây hại cho tâm lý của trẻ. Thay vì bắt ép, các bậc phụ huynh cần tìm cách khuyến khích trẻ hợp tác và động viên trẻ khi ăn uống. Đồng thời, cần hướng dẫn trẻ cách ăn uống đúng cách và lựa chọn thực phẩm phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Việc ăn uống đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tốt và giữ gìn sức khỏe tốt hơn trong tương lai.
"Việc giáo dục trẻ em không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là cách xây dựng tâm lý và nhân cách cho trẻ”, bà Hương nhấn mạnh.
Thảo Ly