Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình xuyên thế kỷ: Cặp đôi 86 tuổi chia sẻ bí quyết sống bên nhau trọn đời

(DS&PL) -

Chưa hề có khái niệm về tình yêu lứa đôi, nhưng kể từ ngày được hai bên gia đình tác hợp, họ đã sống với nhau, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống.

Chưa hề có khái niệm về tình yêu lứa đôi, nhưng kể từ ngày được hai bên gia đình tác hợp, họ đã sống với nhau, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Để rồi, giờ đây khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm thì cách mà họ chăm sóc nhau vẫn khiến hàng xóm phải xuýt xoa.

Tình yêu thời ông bà

Gặp gỡ vợ chồng cụ Duyên (86 tuổi, hiện đang sinh sống trên phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tháng Chín, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những cử chỉ ân cần mà hai cụ dành cho nhau. Khi được hỏi về tình yêu ngày còn trẻ, hai cụ mỉm cười: “Chúng tôi ngày xưa yêu khác các cô cậu bây giờ nhiều lắm. Khi được bố mẹ hai bên cho phép lấy nhau, là chúng tôi về ở cùng nhau, chứ không có đám cưới rình rang như bây giờ”.

Cụ ông Đức Bằng hạnh phúc bên cụ Duyên.

Theo chia sẻ của cụ Duyên, cụ và cụ ông Đức Bằng (86 tuổi) là người cùng làng. Ngày đó, cụ Đức Bằng vì thầm thương trộm nhớ người con gái ấy nên âm thầm tìm hiểu. Sau khi có đầy đủ thông tin, cụ đã về thưa chuyện với gia đình và xin phép bố mẹ sang dạm hỏi.

Kể đến đây, cụ Duyên đưa đôi mắt nhìn xa xăm rồi kể tiếp câu chuyện: “Chúng tôi nào biết yêu là gì, khi đó, có người sang dạm hỏi thì cứ lấy thôi, cũng chẳng biết có ưng hay không. Ngày ấy, tôi và ông nhà không hề có tình cảm yêu đương nam nữ, tình yêu của chúng tôi được vun đắp sau khi về sống chung một nhà”.

Cũng theo cụ Duyên, lấy chồng từ tuổi 21, vợ chồng chưa hề thân thiết, thấu hiểu nhau nên việc hòa hợp là cả một vấn đề. “Hồi đó tôi và ông nhà đều 21 tuổi, nhưng không được mạnh bạo như giới trẻ bây giờ. Sống cùng nhau nhưng mỗi lần nhìn vào mắt đối phương, ai cũng ngượng ngùng, đỏ mặt. Phải mất một thời gian sau, chúng tôi mới cởi mở trò chuyện”, cụ Duyên nói.

Chia sẻ kỷ niệm ngày chính thức về làm dâu nhà người, cụ Duyên bộc bạch: “Ngày cưới của chúng tôi diễn ra đơn giản, nhanh gọn lắm vì nhà cách nhau hơn 1km nên họ nhà trai đi xe đạp sang đón, cũng chẳng có tấm ảnh cưới nào mà những điều đó chúng tôi lưu giữ lại trong đầu của mình. Mỗi khi nhắc là vợ chồng tôi nhớ liền về ngày đặc biệt đó, mọi thứ cứ ngỡ như vừa mới diễn ra”.

Tiếp lời cụ bà, cụ ông Đức Bằng cũng bộc bạch thêm: “Ngày xưa chúng tôi yêu nhau rất trong sáng, mới đầu cô ấy về làm vợ mà đến cả việc cầm tay cô ấy tôi còn run bần bật. Cứ thế, sau mỗi giờ ăn cơm, đi làm ăn là chúng tôi quan tâm nhau, tìm hiểu nhau dần dần để rồi tình cảm nam nữ cũng tự nhiên mà đến, yêu nhau từ lúc nào không hay”.

Cả hai bên gia đình đều sống bằng nghề làm đồ đồng, vì vậy, hai cụ đã trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn khi gìn giữ nghề nghiệp mà tổ tiên để lại.

“Vợ chồng tôi không học cao, nên gìn giữ nghề cha ông truyền lại để mưu sinh qua ngày. Để làm ra được một sản phẩm tốt phải trải qua không ít công đoạn. Có lúc sản phẩm hoàn thiện, nếu bị lỗi khách hàng phàn nàn, chúng tôi phải cố gắng hơn”, cụ Đức Bằng chia sẻ.

Hiểu chồng bận rộn, nên cụ Duyên không phàn nàn mà ngược lại còn thương chồng nhiều hơn. Mỗi lần nhận được những lời an ủi, động viên của vợ, cụ Bằng lại có thêm sức mạnh, làm việc hăng say vì gia đình.

Không có chuyện chia tay

5 người con của cụ Đức Bằng và cụ Duyên lần lượt ra đời, lúc này đây gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền tiếp tục đè lên đôi vai của đôi vợ chồng trẻ.

Cụ Đức Bằng không giấu nổi sự xót xa về những ngày nhọc nhằn: “Có con rồi chúng tôi phải dành dụm, chắt chiu nhiều hơn, vì cha mẹ nào chẳng muốn con cái được sống sung túc. Rồi chuyện chăm sóc con, cho con học hành, vợ chồng tôi đều bàn bạc với nhau kỹ lưỡng”.

Theo lời chia sẻ của cụ Duyên, ngày ấy dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng hai cụ rất mực thương yêu nhau: “Thời ấy, chúng tôi không có chuyện giận nhau là chia tay. Chúng tôi sống với nhau vì tình yêu, vì trách nhiệm nên dù có khổ sở đến mấy cũng không ca thán. Đã lấy nhau thì xác định người đó sẽ đi cùng mình đến cuối chặng đường đời”.

Tính đến nay, đã chung sống với nhau 65 năm thế nhưng tình yêu mà cụ ông Đức Bằng dành cho cụ Duyên vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Giờ đây, hàng ngày cứ sáng sớm là hai cụ lại cùng nắm tay nhau dạo bộ quanh hồ Hoàn Kiếm rồi lại trở về nhà cùng nhau ăn cơm, xem ti vi, nghe đài, đọc báo, cùng nhau an dưỡng tuổi già.

Dù đã sống đến già, hai cụ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng.

Không dùng những lời tỏ tình hoa mỹ, những cặp tình già này yêu nhau thông qua hành động, cử chỉ với nhau hàng ngày. Với họ, chỉ có tình cảm chân thành mới có thể vượt qua được những thử thách, cám dỗ của đời thường. Giờ đây họ hạnh phúc kể lại cho con cháu nghe về câu chuyện tình yêu xuyên thế kỷ của mình như một lời răn dạy con cháu trong tình yêu cần nâng niu, trân trọng đối phương thì hạnh phúc ấy mới bền chặt theo năm tháng.

Giận nhau trong khuôn khổ

Kể về câu chuyện tình yêu của mình, ông Trần Văn Dũng (SN 1946, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ngày còn trẻ, ông làm việc tại nhà máy sứ Hải Dương, chuyên ngành kỹ thuật. Chuyện tình yêu của ông cũng có nhiều điều thú vị bởi đó là chuyện tình nơi công sở.

Ông kể: “Ngày đó, tôi làm ở nhà máy sứ thì quen biết bà ấy là đồng nghiệp cùng cơ quan. Ấn tượng đầu tiên của tôi với bà ấy chính là một cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát, nết na. Trong một lần mẹ tôi bị ốm phải nằm viện, bạn bè đồng nghiệp đến thăm thì bà ấy cũng cùng đến, thấy cả hai chúng tôi có tình cảm với nhau nên mẹ tôi đã vun vén. Năm 1970 đám cưới vô cùng đơn giản của chúng tôi được diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè, hàng xóm”.

Theo lời chia sẻ của ông Dũng, người vợ hiền dịu của ông ngày ấy có đôi mắt rất đẹp nên đã “hớp hồn” anh kỹ sư. Để rồi, cho đến hôm nay khi trò chuyện với PV, ông Dũng vẫn thẳng thắn bày tỏ: “Tôi yêu bà ấy không phải là mối tình đầu, thế nhưng từ giây phút ánh mắt của bà nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi đã biết rằng chúng tôi sẽ mãi mãi thuộc về nhau. Tôi coi bà ấy là một người bạn tâm giao tri kỷ của mình suốt cuộc đời”.

Những ngày đầu mới kết hôn, ông Trần Văn Dũng và bà Vũ Thị Chiến cũng gặp muôn vàn khó khăn. Ông Dũng bộc bạch: “Sau khi cưới nhau chúng tôi ra thành phố Hải Dương để tiếp tục công việc của mình. Những ngày đầu mới về chung một nhà còn khó khăn vất vả nhiều thứ, lo lắng chi tiêu các khoản sao cho hợp lý. Thế rồi, mọi chuyện khó khăn cũng dần dần qua đi và những đứa con của chúng tôi cứ lần lượt ra đời”.

47 năm chung sống với nhau dưới một mái nhà, cùng nhau nuôi dạy con cái ông Dũng và bà Chiến cho rằng họ cũng gặp phải không ít lần cãi vã. Tuy nhiên, sau mỗi lần va chạm họ lại hiểu nhau hơn, từ đó, biết yêu thương nhường nhịn đối phương.

Bà Chiến nhớ lại: “Sống với nhau quá nửa đời người, bát còn có lúc xô nữa là người với người. Chúng tôi thi thoảng cũng có cãi vã nhưng rồi lại hòa giải để yêu thương nhau nhiều hơn. Giận nhau, nhưng giận trong khuôn khổ cho phép”.

Đối với ông Dũng, để vợ chồng có thể chung sống với nhau lâu dài, không nhàm chán ông cũng có bí quyết riêng: “Bí quyết của vợ chồng tôi là tôn trọng nhau, biết sở thích của nhau và phải thông cảm cho nhau mọi điều. Đặc biệt, quan trọng nhất đó chính là tình cảm của cả hai phải chân thật. Nếu tình yêu không xuất phát từ trái tim thì có lẽ chúng tôi sẽ không thể nào chung sống cùng nhau, nắm tay nhau đi đến gần cuối con đường”.

Ba người con thành đạt, 6 đứa cháu ngoan ngoãn chính là món quà vô giá mà ông Dũng và bà Chiến có được sau ngần ấy thời gian vun đắp, xây dựng tổ ấm. Với hai ông bà, giờ đây, thú vui tuổi già là được nhìn thấy con cháu thành đạt, sum họp mỗi dịp lễ Tết cùng gia đình.

(Còn nữa...)

“Vợ chồng sống với nhau được đến thời điểm hiện tại phải là cả một nghệ thuật. Vợ không chỉ là người nội trợ mà còn phải là người tâm lý, hiểu ý chồng và ngược lại chồng cũng phải như vậy. Cứ thế, tình cảm chúng tôi lớn dần theo năm tháng”, cụ Duyên chia sẻ.

Hoàng Bích

Tin nổi bật