Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình “không âm thanh”: Chỉ ước một lần được nói “Yêu em”

(DS&PL) -

Không thể nghe hay nói lời yêu thương với người mình yêu, nhưng quá trình đi tìm hạnh phúc của người khiếm thính khiến ai biết đến cũng phải rơi nước mắt vì xúc động.

Không được nghe những lời tỏ tình lãng mạn, cũng không thể nói lời yêu thương với người mình yêu, nhưng quá trình đi tìm hạnh phúc của họ khiến ai biết đến cũng phải rơi nước mắt vì xúc động.

Giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ

Phải rất vất vả chúng tôi mới kết nối được với cặp vợ chồng khiếm thính Bùi Đoàn Khởi (SN 1986) và chị Đoàn Thị Tươi (SN 1989) tại phường Cao Xanh (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Chia sẻ với PV về câu chuyện tình yêu của mình, anh Khởi viết: “Tôi tin vào sự sắp đặt của số phận. Lần đầu tiên gặp gỡ, nghe kể về hoàn cảnh của Tươi, tôi đã cảm nhận được sự thân thương gần gũi. Và rồi, sau những buổi nói chuyện bằng ngôn ngữ của người khiếm thính, tôi đã có cảm tình với em...”.

Anh Khởi hạnh phúc bên gia đình nhỏ (Ảnh NVCC)

Anh Khởi kể, những lúc ngồi gần nhau, anh muốn tỏ tình với chị Tươi, nhưng anh gặp khó khăn lớn trong vấn đề ngôn ngữ: “Khi đó, tôi mới bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu nên chưa thuộc hết tất cả các chữ. Dù thầm thương trộm nhớ Tươi nhưng tôi không sao diễn tả được. Có lúc, tôi ước giá như có phép màu để có thể nói nên lời như bao người khác rằng: “Anh yêu em!””.

Ngoài ra, anh Khởi cũng có phần e ngại khi biết Tươi cũng có cảm tình với anh, nhưng cô ấy lo sợ hai người khuyết tật sống cùng nhau, cuộc sống sẽ thế nào? Chưa kể, khi sinh con, cả hai sẽ giáo dục con ra sao. Đôi lần, Khởi hạ quyết tâm tỏ tình, nhưng những điều anh mường tượng về tương lai lại bủa vây, khiến anh chùn bước.

“Tôi cảm nhận được tình yêu Tươi dành cho tôi. Tuy nhiên, tôi chưa biết làm sao để mở lời... Cuối cùng, tôi quyết định đưa em về nhà ra mắt gia đình, nhân cơ hội đó nói với em về dự tính trong tương lai của tôi”, anh Khởi nhớ lại.

Sau hơn 1 năm đến trường, anh Khởi dẫn Tươi về ra mắt gia đình, lúc đó, mẹ anh và mọi người đều ngỡ ngàng. Họ còn “sốc” hơn khi biết Tươi cũng là người khiếm thính.

Nói đến đây, mẹ anh Khởi là bà Đoàn Thị Phấn (SN 1963) nhớ lại: “Đi học nó không còn ngại tiếp xúc với mọi người, thế nhưng, tôi vẫn lo sợ con trai mình sẽ không lấy được vợ. Nhưng rồi nó dẫn một cô bạn cùng trường về nhà. Nhìn hai đứa “nói chuyện” tôi đã đoán chúng yêu thương nhau. Khi cơm nước xong, Khởi hỏi Tươi: “Anh giới thiệu em là người yêu và là người anh sẽ cưới nhé”, xong tôi thấy Tươi gật đầu. Hiểu con đã tìm được tình yêu của mình, tôi bật khóc”.

Cũng theo bà Phấn, lúc mới sinh Khởi lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn Khởi lại càng không bình thường, không biết hóng chuyện, nói cười,... Quá lo lắng, bà đưa Khởi đi khám thì phát hiện anh bị câm điếc bẩm sinh.

Bởi con trai bị khiếm khuyết về cơ thể nên bao tình yêu thương bà dành hết cho Khởi. Trong khi bạn bè cùng trang lứa được đi học thì con trai bà chỉ ở nhà, nói không thành tiếng. Thậm chí, những lời yêu thương của bố mẹ Khởi cũng chưa bao giờ được nghe. Lo lắng cho tương lai của con trai, bà Phấn đã cho Khởi đi học tại trường người khuyết tật câm điếc ở TP. Hải Dương. Và rồi, chính ngôi trường này đã se duyên cho anh Khởi và chị Tươi.

Yêu thương từ những ánh nhìn

Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận đã từng ngỡ ngàng trước bộ ảnh cưới của cô dâu câm điếc Đỗ Thị Bích (22 tuổi, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Nhiều người còn ví đây như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trò chuyện với PV bằng tin nhắn, Bích bắt đầu câu chuyện tình yêu...

Bích viết: “Trời cho tôi một gương mặt xinh đẹp nhưng lại lấy đi của tôi đôi tai và giọng nói. Dù vậy, tôi không cảm thấy bất công hay thiệt thòi gì. Duy chỉ có mẹ, bà là người đau khổ nhất, nhiều lần nhìn thấy mẹ khóc vì thương con mà tim tôi đau nhói”.

Năm 2016, trong một lần vào Vũng Tàu bấm huyệt, Bích quen Tuấn (SN 1979, Nam Định) thông qua một người bạn. Tuấn cũng bị câm điếc bẩm sinh, bởi cùng cảnh ngộ nên cả hai sớm tìm được tiếng nói chung, họ trò chuyện cùng nhau qua ngôn ngữ ký hiệu. Và rồi... hai trái tim cùng đập chung một nhịp lúc nào không hay biết. Họ yêu thương và quyết định gắn kết cuộc đời với nhau.

Bích nhớ lại: “Ngày đầu gặp anh Tuấn, tôi đã cảm nhận được sự thân thương, gần gũi. Càng nói chuyện, tôi càng cảm nhận được chúng tôi sinh ra là để thấu hiểu, cảm thông và yêu thương nhau. Với tôi, gặp được anh là niềm hạnh phúc lớn lao nhất”.

Ngày Bích dẫn Tuấn về ra mắt gia đình, mẹ cô đã khóc, bà nắm chặt lấy tay con gái và con rể mà nói lời chúc phúc. “Mẹ nói không nghĩ rằng tôi có thể tìm được một bến đỗ hạnh phúc và mẹ đã nắm chặt tay chúng tôi thể hiện sự an lòng. Có thể, mẹ cũng hiểu tình cảm của chúng tôi nên đã một mực vun vén. Không biết sau hai đứa sẽ sống với nhau như thế nào, chỉ cần bây giờ, hằng ngày được nhìn thấy nhau là đã hạnh phúc rồi. Tôi tin mẹ tôi cũng muốn điều đó”, Bích nghẹn ngào.

Ngày lên xe hoa, trong chiếc váy trắng tinh khôi Bích miệng luôn nở nụ cười hạnh phúc. Còn Tuấn, anh không ngớt nhìn vợ, anh không ngờ, cô bình thường đã xinh đẹp, nay khoác lên chiếc váy cưới càng trở nên lộng lẫy, kiêu sa hơn. Họ không cần nói, cũng chẳng cần ký hiệu, họ chỉ nhìn nhau đã thấu hiểu đối phương muốn nói điều gì.

Giờ đây, khi có được người chồng thấu hiểu luôn ở bên, Bích cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. “Chúng tôi tuy khiếm khuyết, hai vợ chồng luôn sống trong sự câm lặng, thế nhưng có một điều là chất keo kết dính tâm hồn chúng tôi lại với nhau, đó chính là tình yêu. Mỗi lần nhìn vào mắt nhau, chúng tôi hiểu rằng cuộc sống này còn có ý nghĩa biết bao khi mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm một ngày nữa để yêu thương”, Bích chia sẻ.

Quay trở lại với cặp đôi Bùi Đoàn Khởi – Đoàn Thị Tươi, bà Phấn, mẹ anh Khởi cũng bật khóc vì hạnh phúc trong đám cưới các con. “Sau ngày cưới, vợ chồng Khởi rất thương yêu nhau. Cả hai chăm chỉ làm lụng, không ngại khó ngại khổ khi mở một cửa hàng nhôm kính. Ngày ngày, có khách đến chúng lại nhờ tôi làm “phiên dịch”. Thấy con trưởng thành, tôi mừng lắm. Còn con dâu không chỉ ngoan ngoãn lễ phép mà còn sinh cho tôi một đứa cháu nội kháu khỉnh, khỏe mạnh. Hằng ngày, nhìn chúng làm việc cùng nhau, vui cười và cùng chăm sóc con cái mà lòng người mẹ như tôi cảm thấy mãn nguyện vô cùng”, bà Phấn tâm sự.

Nói về cuộc sống hiện tại, anh Khởi viết: “Tôi hạnh phúc vì có vợ, con bên cạnh. Tôi sẽ cố gắng làm những gì có thể để bảo vệ gia đình mình. Sau này, khi con gái lớn lên, tôi chỉ mong con gái mình có thể nghe được những lời tỏ tình từ chàng trai mà con gái yêu thương. Hơn nữa, con gái sẽ nói lời yêu thay cho bố mẹ đến những người thân yêu trong gia đình”.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và anh Khởi thi thoảng bị chững lại, bởi anh Khởi cũng không đọc nhanh và viết nhanh được như những người bình thường. Chúng tôi đều hiểu, anh còn muốn nói rất nhiều về tình yêu, hạnh phúc mà mình có được ...

Câu chuyện về cách tỏ tình, trao đổi yêu thương của các cặp đôi “không âm thanh” khiến chúng tôi hiểu một điều rằng tình yêu không xây dựng trên những lời hoa mỹ.

(Còn nữa)

Mai Thu

Tin nổi bật