Sau ly hôn gạt đi những giọt nước mắt, trong hành trình giải khuây ra nước ngoài du lịch, chị Kim Anh đã gặp được người đàn ông thực sự của đời mình và đã tìm được lại nụ cười rạng ngời mà chị những tưởng nó chỉ có thể ở phía sau.
Kim Anh (sinh năm 1970) - Lain (Sinh năm 1955) |
Sau khi ly hôn, tạm gác lại nỗi buồn quá khứ đã lấy đi của chị Kim Anh (sinh năm 1970) bao nhiêu nước mắt, đi để tìm lại năng lượng mới cho chính mình khi cái cảm giác mệt nhoài lúc nào cũng bủa vây. Rồi trong chuyến du lịch cuối cùng thăm thú nước Anh, chị đã gặp anh Lain (sinh năm 1955), anh ngỏ lời bị phải lòng chị vì giọng hát ngọt ngào chị vô tư hát khi trên xe hay bất kể nơi nào. Cảm nhận về người đàn ông hiền lành, lịch sự, tốt bụng khiến cho chị cũng có cảm tình nhưng “con chim sợ đậu cành cong” như chị vẫn rón rén, thận trọng bằng cách quyết định ở lại thêm 4 tháng để tìm hiểu cho kĩ và rồi chị đã chấp nhận mối tình xuyên biên giới với người đàn ông hơn mình 15 tuổi, chưa từng kết hôn như thế…
Câu nói mà anh Lain thường nói với chị nhiều nhất đó là: “Nếu không gặp em chắc tôi sẽ sống độc thân đến hết đời”. Một trải nghiệm khác với người phụ nữ đã từng nghĩ cuộc đời mình thế là niềm vui đã lùi lại ở phía trước đã bước sang trang mới với một người đàn ông gặp gỡ và kết hôn như định mệnh…
Chắc hẳn cũng có không ít khó khăn khi chị bắt đầu cuộc sống tại nơi mình được coi là khách như thế?
Tất nhiên rồi, khi không có bằng lái xe đi đâu cũng phải đi bằng xe bus rồi đi học lái lấy được bằng. Sau đó 3 năm thì thi nhập quốc tịch Anh. Mới kết hôn ở nhà lúc nào cũng cảm thấy buồn, thấy nhớ nhà. Ông xã thấy thương quá nên cho một chân làm kế toán trong công ty riêng của anh. ngoài ra ông xã còn xin cho mình tham gia diễn ở đoàn nhạc kịch Opera của địa phương. Từ ngày có công việc làm mình cũng thấy vui hơn. Một thứ khó khăn nữa đối với cả hai vợ chồng mình là trong hai năm đầu vì là "Chồng Tây, vợ Việt" nên hai nền văn hóa, hai phong tục khác nhau hoàn toàn, nên trong hai năm đầu hai vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn bất đồng tranh cãi, vì mới sang mọi thứ đối với mình đều cảm thấy khó khăn làm cho mình bị stress dẫn đến tranh luận là mình hay nóng nảy, những lúc đó ông xã cũng rất lo lắng, trong vòng hai năm, hai vợ chồng luôn bất đồng quan điểm, sau hai năm mọi thứ cũng quen thuộc và ổn định với mình.
Khi cãi nhau anh hay chị thường ai là người làm lành trước?
Khi bình tĩnh trở lại, nếu mình sai là mình ôm ông xã nhận lỗi và nói lời xin lỗi, ông xã thì nhiều lần khi thấy mình buồn bực hay giận như vậy, khoảng một tiếng sau ông xã trở vào gặp mình, ông giơ tay ra ôm lấy mình, vuốt đầu tóc mình và nói là: "Tôi xin lỗi vì đã làm cho em buồn”.
Đã nhiều lần sau khi tranh cãi xong, ông xã mở cửa đi ra ngoài, mình tưởng ông đi đâu, một lúc sau ông xã về tay cầm bó hoa, nhoẻn miệng cười pha trò hài cho mình cười rồi ông xã giơ bó hoa đưa cho mình và nói: “Tôi đã làm em tức giận, tôi mua bó hoa này cho em để xin lỗi", rồi ông xã ôm mình, những lần như thế mình thấy rất cảm động và mọi sự bực bội tan biến hết, bởi vậy cho nên hai vợ chồng không bao giờ giận nhau lâu được quá 3 tiếng.
Người ta thường khen đàn ông Tây ga lăng và biết quan tâm, chắc hẳn anh ấy cũng có những hành động cực kỳ "soái ca” trong mắt chị…
Nhiều lúc thấy mình buồn buồn hay tâm trạng nhớ Việt Nam, là ông xã bảo mình đi shopping đi. Mỗi lần mình đi mua sắm hay đi chơi về, tuy mình có chìa khóa cửa nhưng ông xã nghe tiếng xe ôtô của mình là ông đã ra mở cửa cho mình với nụ cười tươi. Mình biết ông xã lúc nào cũng thích vợ đẹp, vì thế mỗi lần mua được cái áo, váy mới, mình đều mặc thử cho ông xã xem, ông xã nhìn và đều khen đẹp.
Ông xã rất thương vợ, đôi lúc thấy mình có vẻ mệt mỏi, ông xã đều giục mình: "Em lên giường đi ngủ đi, đừng lo lắng gì chuyện nấu bữa tối, anh tự lo được". Khi mình đã vào giường nằm thì ông xã lại mang đến cho mình cốc trà nóng để ở trên bàn cạnh giường và ngồi bên cạnh hỏi mình thấy có ổn không, những lúc như vậy mình cảm thấy rất ấm lòng và cảm động lắm. Bữa tối hàng ngày, mình nấu cơm, ăn xong ông xã rửa bát, văn hóa Châu Âu các ông chồng cùng làm việc nhà hay vào bếp cùng với vợ vui vẻ.
Có kinh nghiệm nào chị rút ra sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình để có một cuộc hôn nhân như ý hiện tại?
Thực ra thì trong cuộc sống hiện tại khó nói lắm. Có khi vợ rất tốt, xinh đẹp, có trách nhiệm với gia đình, chồng vẫn không muốn xa rời vợ, nhưng chồng vẫn thích đi ra ngoài với người khác. Vì đôi khi họ bị tác động bởi sự lôi kéo mời mọc của bạn bè và họ thích tò mò với sự mới mẻ khác. Chồng của của mình là ví dụ điển hình của sự lôi kéo mời mọc đó. Còn có trường hợp khác vì vợ quá lo lắng hy sinh cho chồng con mà quên đi sự ăn nói nhẹ nhàng, làm đẹp chăm sóc cho bản thân, thì cũng là một yếu tố làm chồng ra ngoài tìm bóng hồng khác.
Đàn ông Tây họ thích phụ nữ Châu Á ở vẻ đẹp Á đông và tính cách thật thà. Theo quan điểm cá nhân mình thì gia đình có hạnh phúc, vui vẻ được hay không, cũng cần phải có sự đóng góp rất to lớn từ bàn tay và tính cách của người vợ. Nếu vợ luôn vui tươi nhí nhảnh, hài hước thì bản thân chồng và con cái trong gia đình cũng được vui vẻ theo, chồng họ cũng rất thích những lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, những cái ôm tạm biệt của vợ trước khi họ đi làm hoặc về nhà. Đặc biệt mỗi khi chồng làm việc gì tốt cho gia đình hay xã hội hay làm cho vợ, vợ nên có lời nói động viên ngay kịp thời, thì khi đó chồng sẽ cảm thấy rất vui.
Là vợ thì việc có trách nhiệm với gia đình, chăm sóc chồng con đó là nghĩa vụ trách nhiệm của người vợ, nhưng không có nghĩa là hy sinh hết cho chồng con mà không chăm sóc cho bản thân. Mình có thương chồng, con thì mình phải chăm sóc tôn trọng bản thân mình trước, mình có sức khỏe thì mình mới chăm lo được cho người khác, mình có đẹp thì mới làm đẹp lòng chồng con được, vợ đẹp, gọn gàng cũng là niềm tự hào của chồng con.
Đàn ông Tây họ không bao giờ để ý hay nhắc về quá khứ của vợ. Quá khứ của vợ không may mắn thì họ lại càng thương yêu và muốn bù đắp. Nhưng với điều kiện họ cũng rất thông minh và nhận biết được hết, họ rất ghét sự giả dối, không chân thật. Vì thế để được chồng yêu thương, tin tưởng hay không cũng còn phải phụ thuộc vào cách sống của vợ nữa.
Để tìm thấy những cơ hội mới, những cánh cửa mới, như cách của chị là bỏ tiền vào đi du lịch, vậy với những người không có tiền có phải cơ hội để tìm thấy hạnh phúc mới của mình cũng giảm đi không?
Thực ra những người không có tiền để ra nước ngoài du lịch, ở trong nước vẫn có cơ hội để tìm được chồng Việt tốt. Ở nước ngoài hay Việt Nam thì ở đâu cũng có người tốt và không tốt. Bạn mình cũng ly hôn và lấy chồng lần hai, chồng là người Việt, hiện nay hai vợ chồng cũng rất hạnh phúc. Ngoài ra chồng của mấy bạn của mình cũng rất tốt, hiền lành, lịch sự và chăm sóc, rất chiều vợ.
Cuộc sống của chị bây giờ nếu gói gọn trong 2 từ thì đó là gì?
Hài lòng. Cuộc sống cho mình được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu, cho đến giờ phút này mình hài lòng với cuộc sống và cũng hài lòng với lựa chọn đã lấy chồng là ông xã bây giờ. Mình không mong giàu có vô tận, mà chỉ mong cho cuộc sống luôn được yên bình, vợ chồng thương yêu nhau như bây giờ và mong có được nhiều sức khỏe, trí tuệ để làm được những việc có ích cho gia đình và cho mọi người trong xã hội.
Đến nay hai vợ chồng chung sống với nhau đã là 12 năm rồi, càng ngày càng yêu thương nhau nhiều hơn, hai vợ chồng đi đâu cũng thích đi cùng nhau. Vợ chồng mình không có con chung, lý do do mình bị lạc nội mạc tử cung dẫn đến không thể có thai tự nhiên. Tuy không có con nhưng cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng con cái là do duyên và nợ, mình không có duyên nợ với ai nên không có ai đầu thai làm con mình. Cuộc sống ở Châu Âu mọi người cũng không quan niệm nặng nề chuyện con cái, ông xã mình cũng vậy, mình và ông xã đều nghĩ vợ chồng được gặp nhau nên duyên vợ chồng đó cũng là cái duyên. Vì thế cả hai đều bỏ lại nỗi buồn không có con lại phía sau, để cùng nhau sống vui với hiện tại. Không có con vợ chồng mình nuôi một bé chó cún, cả hai vợ chồng đều thương yêu bé như con, từ ngày có bé cún nhà mình vui hẳn lên.
Việc chi tiêu với chồng Tây thường là tiền ai người nấy chi, tương đối sòng phẳng...
Phong tục, văn hóa bên này thì gia đình nào cũng như vậy. Mỗi người có một tài khoản riêng. Tiền lương của anh thì anh giữ, anh thích chi tiêu gì cho anh thì anh tiêu, tiền lương của mình thì mình giữ, chi tiêu cho cá nhân. Những gia đình khác thì vợ chồng cùng trích tiền lương ra hàng tháng đóng chung vào để cùng nhau chi tiêu mua sắm chi trả cho thức ăn, đồ uống, vật dụng gia đình và các loại tiền điện, nước, gas, xăng xe ô tô, điện thoại, tivi, tiền thuế nữa... một tháng nhiều thứ phải chi trả lắm. Nhưng nhà mình thì anh xã lương cao hơn nên anh không yêu cầu mình phải đóng góp, tất cả mọi khoản đó anh chi trả hết.
Văn hoá bên này vợ không giữ tiền của chồng. Và quyền tự do riêng tư, không ai được động vào ví hay điện thoại của ai, trừ khi có điện thoại gọi đến vào di động của mình mà mình nhờ nghe hộ thì lúc đó anh xã mới cầm máy nghe.
THANH HÒA
Nguồn: Trí thức trẻ
Xem thêm video:
[mecloud]tWDlqjH0Xk[/mecloud]