Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình thời chiến: Kỷ vật trao tay và lời hẹn ước “em nhất định sẽ chờ anh về”

(DS&PL) -

Trong mưa bom bão đạn, không ít lần ông Nghĩa viết thư về cho người yêu nhắn nhủ đừng chờ đợi ông và hãy đi tìm “bạn mới”.

Trong mưa bom bão đạn, không ít lần ông Nghĩa viết thư về cho người yêu nhắn nhủ đừng chờ đợi ông và hãy đi tìm “bạn mới”. Thế nhưng, vượt qua muôn vàn khó khăn, trắc trở ông đã trở về và gắn bó với người con gái giữ vững lời hẹn ước để cùng nhau vun đắp mái ấm hạnh phúc.

Ông Nghĩa lưu lại những kỷ niệm và cất giữ cẩn thận

Đôi gối thêu tay làm kỷ vật trước ngày chia tay

Tháng Tư, tháng của những ký ức một thời gian khổ, hào hùng chia lửa nơi chiến hào lại ùa về như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1952, tại TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Giữa năm 1972, người thanh niên 18 tuổi Nguyễn Văn Nghĩa lên đường nhập ngũ mang theo trong tim hình ảnh người con gái nhỏ nhắn nơi quê nhà. Trong mưa bom bão đạn bước chân của ông trải khắp dải đất Trường Sơn.

Ông Nghĩa nhớ lại: “Đầu năm 1972 tôi được cử đi học lái xe, giữa năm 1972 tôi vào đơn vị xe sau đó được cử đến thành cổ Quảng Trị và chiến đấu tại quân khu 5. Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Quảng Trị đi vào Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn”.

Trước khi lên đường tham gia chiến dịch, ông Nghĩa đã quen người con gái tên Nguyễn Thị Thơm (SN 1958) gần nhà và sau này cũng là vợ ông. Ban đầu, khi tôi học lái xe ở Mỏ Quạ (Bình Xuyên) thì bà ấy đi học qua sân tập và chúng tôi đã để ý nhau nhưng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Những tưởng sẽ khó gặp lại nhau nữa nào ngờ, bố tôi mổ dạ dày ở bệnh viện tỉnh thì tình cờ gặp bà ấy chăm bố bị thương tại đây. Lần này, tôi đã mạnh dạn hỏi xin địa chỉ để tiện liên lạc sau khi đi tham gia chiến dịch”, ông Nghĩa nhớ lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa

Cảm mến nhau qua những lần nói chuyện, hỏi thăm tình hình sức khỏe đối phương nhưng ông Nghĩa vẫn chưa dám mở lời yêu. Chỉ đến khi ông chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ thì người con gái ấy mới tặng ông đôi gối thêu chim bồ câu.

Ông cảm động không nói thành lời và biết rằng đó chính là kỷ vật hẹn ước mà nửa kia đã trao cho mình. “Có lẽ, bà ấy đã thức suốt đêm để thêu đôi gối đó tặng tôi. Tôi đã mang theo kỷ vật vào chiến trường, lúc nhớ chỉ biết mang ra ngắm. Lúc đối mặt với nguy hiểm thì nụ cười dịu hiền, ánh mắt tin tưởng khi chia tay của người con gái quê nhà lại tiếp thêm cho tôi động lực, vững chí. Dù ở hai đầu nỗi nhớ nhưng tôi vẫn thường xuyên nhận được thư từ người thương. Những dòng chữ nhắn nhủ mong tôi kiên cường và sẽ chờ đợi ngày tôi được trở về”, ông Nghĩa tâm sự.

Nhận được thư, ông Nghĩa đọc đi đọc lại vì vui mừng, xúc động nhưng ông lại không dám thề ước bất kỳ điều gì. Vì ông biết chiến tranh ác liệt, không biết ngày mai ra sao nên ông Nghĩa chỉ “thương nhớ để đó”. Chính vì vậy, ông cũng đã viết thư gửi lại nhưng chỉ dám nhắn nhủ “em ở nhà có “bạn mới” nào cứ kết duyên, đừng chờ đợi”. Tuy nhiên, đáp lại, cô gái ấy vẫn nói “em sẽ chờ anh về” khiến ông xúc động, nghẹn ngào.

Vững niềm tin người yêu sẽ trở về

Gạt nỗi nhớ thương sang một bên, ông Nghĩa cùng đồng đội của mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm ấy, khi ông cùng đồng đội đi đến Đông Trường Sơn để chở hàng và vũ khí nhưng không ngờ lại đúng ngày giải phóng. Sau đó, ông cùng đồng đội đi thẳng đến Buôn Ma Thuột, Gia Lai và cứ thế đuổi theo quân giải phóng để ăn mừng chiến thắng.

“Lúc đó, những gian khó mà đơn vị xe đã từng trải qua như đường gập ghềnh, trắc trở, bị địch tấn công cháy cả xe, người bị thương bỗng quên hết. Chúng tôi ai cũng vỡ òa cảm xúc vui sướng khi đất nước đã được hòa bình. Sau ngày đó, tôi có chở đồng đội ra quân về Bắc, mỗi người đều khoác trên vai một khung xe đạp và một con búp bê để mang về làm kỷ niệm. Lúc cầm con búp bê trên tay người đầu tiên tôi nghĩ đến là em – người con gái vẫn đang chờ đợi mình ở quê nhà”, ông Nghĩa cho biết.

Năm 1977, ông Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ và trở về quê hương, việc đầu tiên ông làm là đi tìm một nửa của đời mình. Người yêu của ông đã bật khóc, khóc vì ông đã trở về và khóc vì hạnh phúc. Lúc này, ông mới lấy đôi gối mà người yêu tặng trước khi lên đường tham gia chiến dịch ra, đôi gối dù không còn được nguyên vẹn nhưng nó lại chứa đầy tình cảm, sự chân thành và chung thủy của lứa đôi.

Ông Nghĩa tâm sự: “Bà ấy là một nửa và là nhân chứng tuyệt vời của cuộc đời tôi. Ngày xưa chúng tôi yêu nhau không thề non hẹn biển nhưng tình yêu trong thời chiến của người lính đẹp hơn bao giờ hết. Một tình yêu đậm sâu đủ để hai con người xa cách về địa lý, vươn qua khó khăn, gian khổ quyết gắn bó với nhau lâu dài. Bản thân tôi cũng không thể ngờ bà ấy vẫn chờ mình về. Ngay sau đó chúng tôi đã xin phép gia đình để được bên nhau mãi mãi”.

“Giờ bà ấy không còn nữa, nhưng những ký ức của một tình yêu thời chiến, một người vợ đảm đang, tảo tần sẽ theo tôi mãi mãi. Tình yêu ấy dù bình dị nhưng đã đơm hoa và cho những trái ngọt”, ông Nghĩa nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.”

Mai Thu

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (69)

Tin nổi bật