Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình như cổ tích của những người phụ nữ khuyết tật

(DS&PL) -

Cuộc sống với những bước chân vào đời thật sự khó khăn nhưng hơn ai hết, vượt qua tất cả những khó khăn ban đầu ấy, họ đã vươn lên làm chủ đời mình....

Sinh ra trong cuộc đời, ai cũng muốn mình lành lặn, đẹp đẽ, nhưng số phận đã không cho họ được may mắn và lành lặn như những người bình thường. Cuộc sống với những bước chân vào đời thật sự khó khăn nhưng hơn ai hết, vượt qua tất cả những khó khăn ban đầu ấy, họ đã vươn lên làm chủ đời mình, làm chủ gia đình, trở về đúng nghĩa là một người vợ, một người mẹ chu đáo và là người phụ nữ có nhiều đóng góp cho xã hội. Những ngày cuối năm, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò với hai người phụ nữ như thế.

Hạnh phúc ngọt ngào

Căn nhà nhỏ của vợ chồng Hoàng Hồng Kiên - Phạm Hồng Thức thuê ở nằm sâu hun hút trong con ngõ ngoằn ngoèo đi qua một cánh đồng mênh mông của làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội). Ánh đèn tiết kiệm điện dường như sáng hơn bởi nụ cười tươi rói của đôi vợ chồng khuyết tật và cậu con trai 4 tuổi niềm nở đón khách. Kiên lết đôi chân bị khuyết tật bẩm sinh dọn dẹp chỗ ngồi, còn anh Thức di chuyển chiếc ghế sắt bằng tay, thay đôi chân đã bị cụt, lật đật đi pha trà.

Căn nhà đi thuê của họ khá tuềnh toàng, ngoài những vật dụng hằng ngày, quý giá nhất là hàng chục tấm huy chương thể thao, thành tích của hai vợ chồng họ đạt được bấy lâu nay được  treo ở chỗ trân trọng nhất, lấp lánh và dường như không bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian.

Hoàng Hồng Kiên (SN 1981) là người dân tộc Tày, tại Đình Lập, Lạng Sơn. Người mẹ bất hạnh của Kiên trong khi đi làm đã vấp phải mìn bị mất một tay và một chân. Những tưởng cuộc đời bà sẽ trôi qua trong nỗi cô đơn của số kiếp, thì cha của Kiên, đã chấp nhận đến với người phụ nữ tật nguyền ấy và sinh ra Kiên, một sinh linh bé nhỏ, đáng yêu nhưng lại bị liệt hai chân bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Người cha ấy cuối cùng cũng đã không ở lại với mẹ con họ vì rất nhiều lý do. Dù cơ cực, nhưng mẹ Kiên vẫn quyết tâm nuôi con lớn khôn trong sự can trường của mình.

Những tưởng rồi hai mẹ con họ sẽ gặp được niềm cảm thông ở xã hội, nhưng dường như lề thói văn hóa và những hủ tục của miền quê heo hút, nghèo nàn, lạc hậu và nhiều điều nhiễu nhương đã xa lánh họ. Đến tuổi đi học, không có một ngôi trường nào ở miền quê ấy nhận một đứa trẻ như Kiên. Kiên đã lê đôi chân tật nguyền của mình sang nhà đứa em họ học ké. Lâu dần, Kiên cũng biết đọc, biết viết. Cuộc sống trôi qua trong sự vá víu của hai mẹ con.

Thương mẹ, cô biết mình không thể ngồi yên vậy để nhìn cuộc sống trôi qua trong sự nghèo khó, tạm bợ, kỳ thị. Và hình như ông trời đã nghe thấu lòng cô, thần may mắn đã mỉm cười với Kiên, đó là khi cô nhận được một chiếc xe lăn do Hội Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn tặng, rồi giới thiệu cô đến Hội Người mù Hà Đông (Hà Nội) xin việc.

Kiên đã bắt xe khách xuống Hà Đông, dù cuộc sống của cô bé khuyết tật ở một làng quê hẻo lánh chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng, đó là một ngày trước Rằm tháng Giêng.

Vợ chồng Hoàng Hồng Kiên - Phạm Hồng Thức.

Cũng bởi vì xa lạ và háo hức mong tìm được việc làm nên Kiên xuống Hà Đông đúng vào ngày chủ nhật, Hội Người mù không làm việc. Kiên lăn xe lang thang khắp Hà Đông, bụng đói, tay đau buốt vì lăn xe chưa quen, tối đến đi thuê trọ không được, chỗ đắt thì không có tiền, chỗ rẻ thì người ta không cho Kiên thuê. Đêm ấy, cô phải ngủ ở bến xe một đêm kéo dài trong hoang mang vô tận. Trời vừa hửng sáng, Kiên đã tìm đến Hội Người mù Hà Đông.

Tại đây đang thiếu một người đi bán chổi, nếu cô có thể đi bán chổi thì người ta sẽ nhận nhưng với điều kiện cô phải đi bán thử, nếu làm tốt mới được nhận. Được lời như cởi tấm lòng, Kiên đồng ý ngay và người ta giao cho Kiên 5 cái chổi. Kiên kể: "tưởng rằng cứ phải bán hết mới được nhận nên tôi vừa đi đường vừa rao loạn lên, và chỉ đến trưa là hết hàng. Mừng quá, thế là tôi được vào làm việc ở Hội Người mù Hà Đông".

Bước ngoặt cuộc đời lần nữa đến với Kiên vào một ngày cuối năm 2002, khi cô đến bán chổi ở Trung tâm Thể thao người khuyết tật trên phố Khúc Hạo. Kiên thấy rất nhiều người cũng khuyết tật như mình đang luyện tập.

Thấy Kiên xem say sưa, lại khỏe mạnh nên Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn bảo cô vào tập thử. Con gái núi rừng, lại quen những ngày rong ruổi khắp nơi đi bán chổi nên Kiên có sức bền dẻo dai mà một vận động viên cần có. Kiên được nhận vào Trung tâm Thể thao Khúc Hạo, sáng tập từ 6h sáng đến trưa về đi bán chổi cho Hội Người mù.

Đến năm 2003, trong giải tiền SEA Games, Kiên tham gia và giành 2 Huy chương vàng. Cầm số tiền thưởng quá lớn lần đầu tiên trong đời (12 triệu đồng), Kiên đã khóc vì hạnh phúc. Rồi Paragame 2005 tại Thái Lan, Kiên tiếp tục gặt hái thành công khi giành 4 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Tiếp sau đó, trong bất kỳ cuộc thi dành cho người khuyết tật nào, cái tên Hồng Kiên cũng đã được xướng lên trong bục danh dự và số huy chương mà Kiên nhận được, phải nghĩ một lúc lâu mới nhớ đủ, đếm đủ.

Cũng trong cuộc hạnh ngộ với thể thao, Kiên đã gặp được một nửa của đời mình, vận động viên Hồng Thức, một vận động viên khuyết tật. Anh Thức chia sẻ: Anh bị tai nạn tàu hỏa năm 15 tuổi, bị cưa mất hai chân. Anh từng rất khổ đau, bất lực trước chính mình, nhiều lần nghĩ không muốn sống nữa vì trở thành gánh nặng cho người thân.

Rồi một lần tình cờ xem trên tivi, chứng kiến giải thi đấu dành cho người khuyết tật, họ cũng đã vươn lên làm chủ số phận mình, vậy thì tại sao mình không thử? Ngay ngày hôm sau anh đã đến Trung tâm và xin được thi tuyển. Anh cũng không ngờ là thể thao đã mang lại cho anh sức mạnh, sức mạnh để chiến thắng trong các cuộc đua và sức mạnh trong cuộc đời, để chở che cho người vợ trẻ và cậu con trai bé bỏng, lành lặn hiếu động đã lên 5 của mình.

Bây giờ gia đình Hồng Kiên - Hồng Thức đã có một xưởng làm chổi chít và làm tăm tre riêng của mình. Hai vợ chồng họ, sáng 5h dậy cùng đi gửi con để 6 giờ đến sân tập thể thao. Tập xong họ lại rong ruổi với chiếc xe lăn đầy tăm tre và chổi với thương hiệu "Thức Kiên" uy tín cả khu vực Hà Đông - Thanh Xuân để đi giao hàng.

Nhìn gương mặt rạng ngời của họ, biết rằng những mùa xuân cuộc đời đang nở hoa vì trong gia đình họ luôn ngập tiếng cười và mỗi sự nỗ lực trong cuộc đời đều mang lại hạnh phúc.

Tin vào những câu chuyện cổ tích

Lan Anh quê ở Thái Nguyên. Cô bị mắc bệnh xương thủy tinh do di truyền. Tuy được gia đình bao bọc yêu thương nhưng từ nhỏ cô lại có tính tự ti, chỉ sống trong đảo ốc của riêng mình. Khi thi đỗ vào Khoa tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (Nay là Trường đại học Hà Nội), Lan Anh đã bắt đầu tham gia vào Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật.

Ở đây, cô cảm thấy mình sống có ý nghĩa vì có thể tham gia vào công tác xã hội để giúp cho những người bạn khuyết tật khác có thể sống hòa nhập cộng đồng.

Tham gia các hoạt động thôi chưa đủ, ra trường, Lan Anh đã cùng một số bạn lên ý tưởng thành lập Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) nằm tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm xây dựng một xã hội không vật cản và vì quyền của người khuyết tật với tôn chỉ: "Chúng tôi tồn tại vì sự phát triển của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam".

Lan Anh chia sẻ: Có rất nhiều kỷ niệm và những thành quả mà Trung tâm ACDC đã đưa lại cho cộng đồng như tư vấn pháp luật miễn phí, tổ chức nói chuyện về sức khỏe sinh sản cho người khuyết tật…

Lan Anh

Không chỉ đi khắp cả nước nói chuyện, trao đổi, tư vấn cho người khuyết tật, mà Lan Anh còn là đại diện của Việt Nam tham dự hội thảo, đào tạo cán bộ, trao đổi về các phương pháp hỗ trợ người khuyết tật ở các nước như Mỹ, Úc, Bỉ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… Với những thành tích đạt được, Lan Anh đã giành được các danh hiệu như Phụ nữ khuyết tật thủ đô tiêu biểu (2007, 2008), Giải thưởng tầm nhìn phụ nữ của CLB Phụ nữ Quốc tế (2013).

Lan Anh may mắn có người chồng ở phía sau hỗ trợ chăm sóc gia đình và cậu con trai 4 tuổi. Anh Lê Văn Sinh, chồng cô là một người đàn ông lành lặn, hiện đang làm quản lý giám sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Bộ Khoa học công nghệ).

Lan Anh chia sẻ: Anh là thành viên tích cực của Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng, tôi là cán bộ dự án chương trình đang hỗ trợ cho người khuyết tật TP Đà Nẵng. Anh đã không nề hà nắng mưa, gió bão đến trợ giúp cho tôi trong những hoạt động thường ngày cũng như các hoạt động dự án. Những ngày đầu đến với nhau, tôi cũng lo lắng vì mình là người khuyết tật... Liệu tình yêu ấy có còn hay không khi mình không thể làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Phía gia đình anh cũng phản đối vì con trai khỏe mạnh lấy vợ ngồi xe lăn có nghĩa là phải chăm vợ cả đời...

Nhưng giờ thì mọi thứ rất yên ổn. Chúng tôi đã có một cậu con trai kháu khỉnh, còn bé nhưng rất tự lập. Tôi có một người chồng lo lắng, cảm thông và yêu thương vợ, đó là nền tảng, là động lực để tôi đến với cộng đồng người khuyết tật và chia sẻ với họ rằng, chúng ta bị khuyết tật nhưng ở phía trước vẫn còn nhiều điều tốt đẹp chờ đợi, chính vì thế, cần phải tin ở chính mình, tin vào tương lai…"

Tin nổi bật