Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề của vị luật sư "chuyên" bào chữa cho những bị cáo gây tội ác tày trời: Những niềm vui chỉ nghề luật sư mới có

(DS&PL) -

Dù từng bị hiểu lầm là bảo vệ cho cái ác nhưng không ít lần, luật sư Đỗ Hải Bình được bị cáo xem là "cứu cánh cuối cùng", điểm tựa duy nhất của thân nhân kẻ mang án tử.

Dù từng bị hiểu lầm là bảo vệ cho cái ác nhưng không ít lần, luật sư Đỗ Hải Bình được bị cáo xem là "cứu cánh cuối cùng" và là điểm tựa duy nhất của thân nhân kẻ mang án tử. Và, sau mỗi vụ án, dù không giúp được thân chủ thoát án tử nhưng ông vẫn vui vì đã tuyên truyền pháp luật, giúp bị cáo hiểu và biết chấp nhận trả giá trong tâm thế thanh thản.

Luật sư Đỗ Hải Bình trong một phiên tòa. 


"Cứu cánh cuối cùng"

Luật sư Đỗ Hải Bình cho rằng, việc luật sư đứng ra bào chữa cho bị cáo đôi lúc trở thành cái phao, "cứu cánh cuối cùng" của các bị cáo. Trao đổi với PV, ông cho biết, điều này không có nghĩa là bị cáo, người thân bị cáo đặt niềm tin vào luật sư về việc người này sẽ cứu con, cháu, em họ thoát tội, thoát án tử. "Ngược lại, đối với một số gia đình, họ tìm đến luật sư bào chữa cho con mình là để cho bị cáo thấy họ không bỏ rơi người thân. Đối với các bị cáo không có tiền thuê luật sư vẫn được luật sư bào chữa sẽ khiến bị cáo cảm nhận, dù họ phạm tội nhưng không bị xã hội, pháp luật ruồng bỏ,... Từ đó, các bị cáo sẽ bớt tự ti, phẫn uất, họ sẽ tự giác chấp hành án, cố gắng cải tạo, thậm chí, khi ra tù, họ sẽ có ý chí hoàn lương. Ngược lại, nếu không có luật sư, bị cáo cảm giác như bị áp bức, sẽ nuôi hận, không phục khi bị tuyên án dẫn đến tâm lý chống đối, hoặc khi được trả tự do sẽ sớm quay lại đường cũ", luật sư Bình nêu quan điểm.

Dẫn chứng cho quan điểm luật sư là "cứu cánh cuối cùng" của bị cáo, ông kể cho PV nghe câu chuyện ông bào chữa chớp nhoáng cho một người xa lạ, tình cờ gặp mặt trong một phiên tòa. Ông kể: "Trong một phiên tòa, lúc đợi tòa nghị án, bất ngờ có một người phụ nữ đến hỏi tôi có phải là luật sư không. Tôi gật đầu thì chị ấy nói chị muốn nhờ tôi bào chữa cho chị trong một vụ án của chị sắp bị xét xử. Thấy chị ấy thật thà, tôi đồng ý giúp và nói rằng, bây giờ tôi đang phải bào chữa cho một vụ án khác, nếu chị muốn tôi giúp, khi tòa xét xử đến vụ án của chị, chị trình bày với tòa là muốn hoãn xử để chị thuê luật sư".

"Tuy nhiên, sau đó, chị ấy chạy ra và nói là tòa không đồng ý hoãn. Tòa yêu cầu, nếu chị ấy muốn có luật sư thì phải có ngay bây giờ. Không còn cách nào khác, tôi nhận lời vào tòa bào chữa cho chị này. Lúc đó, tòa đưa cho tôi bộ hồ sơ của vụ án dài mấy trăm trang yêu cầu tôi nghiên cứu trong vòng 10 phút. Với thời gian như thế, tôi không thể đọc hết hồ sơ nhưng cũng đánh liều vào tòa bào chữa. Tôi tự nhủ, cứ ngồi nghe chị ấy khai với tòa xem sao. Trong lúc chị ấy khai, tôi đọc lướt qua hồ sơ. Kinh nghiệm cho tôi biết, chỗ nào cần chú ý, chỗ nào cần lướt qua rồi tôi gạch đầu dòng những điểm cần tranh luận. Cuối cùng, sau phần tranh luận của tôi, tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Sau lần ấy, chị này quyết định thuê tôi bào chữa chứ không nhờ nữa", nam luật sư kể thêm.

Theo tìm hiểu của PV, bị cáo này có hoàn cảnh khá bi đát. Người này quen biết, yêu 1 người nước ngoài gốc châu Phi. Khi có 3 đứa con, nhân tình của chị bỏ trốn để chị ấy một mình nuôi con. Sau khi vướng vòng lao lý, chị không biết cách thuê luật sư cũng không biết tự bảo vệ mình nên gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, sau khi "đánh liều" nhờ luật sư Bình, chị ấy đã tìm thấy "cứu cánh cuối cùng" của mình.

Niềm hạnh phúc khi tuyên truyền pháp luật

Một lần khác, nam bị cáo bị truy tố về tội Giết người cũng tìm thấy tia hy vọng nhỏ nhoi khi được luật sư Bình bào chữa. Theo cáo trạng, trong lúc mâu thuẫn, bị cáo đã dùng búa đánh vào đầu vợ "hờ" khiến chị này bị thương tích nặng, phải nhập viện cấp cứu. Ra tòa, bị cáo bị truy tố tội Giết người với khung hình phạt cao.

Chia sẻ về vụ án, luật sư Bình cho biết: "Khi tranh tụng, tôi nói rõ là tôi không đồng tình với VKS về nhận định bị cáo giết người với tính chất côn đồ. Bởi trước khi bị cáo sử dụng búa để tấn công bị hại thì người này đã té ngã. Khi gây án, bị cáo đã cố tình chùn tay với ý định chỉ cố tình gây thương tích cho bị hại".

Sau mỗi lần chia sẻ về những vụ án mình từng bào chữa, vẻ mặt ông lại ánh lên một niềm vui khó tả. Khi được hỏi ngoài việc được thỏa đam mê tìm sự thật phía sau những hành vi tàn độc của bị cáo, ông còn có niềm vui nào khác hay không, luật sư nói ngay là có. Niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt, ông kể, ông vui vì sau khi được ông bào chữa, bị cáo đã chấp nhận bản án, thậm chí là án tử một cách thanh thản. Ông cho rằng, đó là niềm hạnh phúc khi giúp bị cáo hiểu và chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật đối với tội lỗi của mình. Một trong những trường hợp như vậy là lần ông bào chữa cho bị cáo Phạm Mạnh Hùng, bị truy tố tội Giết người, Cướp tài sản, Tàng trữ súng quân dụng. Cáo trạng nêu, do mâu thuẫn, Hùng sát hại chủ thầu rồi lấy xe ô tô Honda Civic của nạn nhân lái ra khỏi công trường.

Khi đến cổng, Hùng bị bảo vệ chặn lại. Lúc này, Hùng liền bước ra ngoài, lấy súng ra dọa và bắn một phát vào chân người này. Vì quá sợ, bảo vệ phải chỉ nơi cất chìa khóa để Hùng mở cửa, lái xe đi. Sau đó, Hùng bỏ lại xe, trốn về tỉnh Hậu Giang rồi bị bắt. Luật sư Bình kể: "Ngày ra tòa, bào chữa cho bị cáo này, tôi chịu nhiều áp lực khi gia đình bị hại vì quá đau buồn do mất người thân nên trút nỗi phẫn uất lên luật sư của bị cáo. Gia đình bị hại cho rằng, luật sư đứng ra bào chữa cho bị cáo là bảo vệ cho cái ác nên phản ứng dữ dội. Họ hô hào, phản đối, đòi hành hung tôi. Trong khi đó, bị cáo cũng tỏ thái độ bất hợp tác và nói không cần luật sư. Bị cáo lo lắng, luật sư sẽ thông đồng với bị hại để gây bất lợi cho mình nên yêu cầu không cần luật sư bào chữa".

"Sức ép từ gia đình bị hại lớn đến nỗi khi xử phiên phúc thẩm, tòa án phải nhờ đến lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Trình bày trước tòa, bị cáo cho rằng bản thân không phạm tội Cướp tài sản mà chỉ giết người. Dựa trên điểm này, tôi đưa ra quan điểm của mình là việc bị cáo lấy chiếc xe ô tô sau khi giết nạn nhân không nhằm mục đích cướp tài sản. Ngược lại, bị cáo lấy chiếc xe này với mục đích làm phương tiện tẩu thoát sau khi gây án. Mục đích của bị cáo là sau khi giết nạn nhân, bị cáo ngồi lên xe ô tô của nạn nhân, điều khiển ra khỏi hiện trường để không ai thấy mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, sau khi sát hại nạn nhân, bị cáo lấy bất cứ thứ gì của nạn nhân đều bị coi là cướp. Do đó, trong vụ án này, tòa vẫn phán quyết tử hình đối với bị cáo. Tuy nhiên, sau khi nghe tòa tuyên, thay vì nổi giận, thù tức luật sư, bị cáo lại quay về phía tôi cúi đầu nói lời cảm ơn và chấp nhận bản án một cách nhẹ nhàng hơn trước đó rất nhiều. Phía bị hại cũng khiến tôi bất ngờ khi không còn nhìn tôi với ánh mắt thù địch, ác cảm nữa", luật sư Bình kể thêm.

Hà Nguyễn 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 40

Tin nổi bật