Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên nội chính thập niên 2000: Tôi làm phóng sự điều tra về băng nhóm Minh "Samasa" (Kỳ 4)

(DS&PL) -

Một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của một người quen trong giới báo chí, rủ ra quán hải sản trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM nhậu chơi.

Một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của một người quen trong giới báo chí, rủ ra quán hải sản trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM nhậu chơi. Không nghi ngờ gì, tôi đi mà không hề nghĩ rằng đây là một cuộc nhậu “có sắp đặt”.

Cuộc gặp đầy nghi vấn

Chưa ngồi ấm chỗ, chưa kịp ăn con cua nào, tôi đã gặp một người đàn ông lạ mặt đến ngồi chung bàn với thái độ rất “lạ”. Trên tay ông ta cầm một cái túi, bên trong có một cục gì đó vuông vuông, giống như một cục tiền rất to (là tôi nghĩ vậy).

Câu chuyện của chúng tôi nhanh chóng chuyển sang đề tài đang rất “nóng” lúc bấy giờ là vụ án “Mafia Vũng Tàu” của báo Thanh Niên, đồng thời tôi cũng nhận ra người đàn ông lạ mặt đang “có ý gì đó” với tôi, vừa có vẻ dò xét, vừa có vẻ muốn thỏa thuận…

Nhanh chóng, tôi tìm lý do đứng dậy đi khỏi bàn nhậu, ra lấy xe, chạy thẳng về nhà anh Lâm “chín ngón” trên đường 3/2, Q.10, TP.HCM (cách Nguyễn Tri Phương không xa) để “đảm bảo an toàn”. Qua tường thuật của tôi, anh Lâm “chín ngón” đoán rằng người đàn ông ấy là Dũng “ba lém”, một quân sư của Minh “samasa” dưới Vũng Tàu.

Sau vài ngày nữa, báo Thanh Niên nhận được “cả ký” đơn thưa từ Vũng Tàu gởi lên tòa soạn. Trong đó, có đơn thưa trực tiếp báo Thanh Niên viết sai sự thực của chính Minh “samasa”, đề nghị phóng viên của báo xuống Vũng Tàu làm rõ mọi chuyện lại; có đơn thưa từ các doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản của cả nhà nước lẫn tư nhân dưới Vũng Tàu (chả liên quan gì) cho rằng báo Thanh Niên viết không đúng, cũng đề nghị báo Thanh Niên cử người xuống Vũng Tàu gặp họ để xác minh lại vụ việc…

Chưa hết, còn có cả một người đàn ông trung niên (khoảng bốn mấy tuổi) nói giọng Bắc, ăn mặc sang trọng, đi xe hơi, xách samsonite đến tận tòa soạn tìm tôi, đưa thẻ nhà báo, card visite, giới thiệu mình là nhà báo ở một cơ quan truyền thông cấp bộ, cung cấp hồ sơ, đề nghị tôi xem xét, điều tra lại vụ việc cho “khách quan”, hứa sẽ “tạo điều kiện tốt nhất” cho tôi công tác, nếu tôi đi cùng ông ta. Thực chất, hồ sơ mà vị “nhà báo” kia (nhà báo thật) cung cấp cho tôi cũng là đống đơn thưa mà chúng tôi đang nhận qua đường bưu điện mấy nay, chẳng có gì mới!

Tất nhiên, tôi kiên quyết đi theo đường của mình, chấp nhận đương đầu, chơi tới cùng, “không tin bố con thằng nào” sau lần suýt mất mạng. Nhưng, hiểm nguy không đến với tôi “từ ngoài đường” được, thì nó đến từ trong… tòa soạn, thế mới đau!

Một buổi trưa, vừa mới từ ngoài đường về tòa soạn để chuẩn bị đi ăn cơm, tôi gặp anh trưởng ban Kinh tế - Chính trị - Xã hội, báo Thanh Niên, chặn tôi ngay cầu thang lên gác. Sếp đưa tôi một mảnh giấy có ghi số điện thoại, một địa chỉ ở quận 4, TP.HCM và nói: “Mầy đi gặp người này đi, có thông tin người ta cần cung cấp cho báo về vụ án Minh “samasa””.

Nhìn thấy địa chỉ trên đường 20 thước, Q.4 (địa bàn của Năm Cam) là tôi đã nghi ngờ và lập tức đặt câu hỏi: “Tại sao người này có thiện chí muốn cung cấp thông tin cho báo Thanh Niên mà không chịu đến thẳng tòa soạn cho minh bạch, mà đòi hỏi tôi phải sang tận nhà riêng? Có vấn đề gì ẩn khuất trong này không?”.

Thế nên, tôi tìm cách thoái thác, hứa là sẽ cho B.C (cấp dưới của tôi lúc đó) sang ghi nhận thông tin vào buổi chiều. Tưởng mọi chuyện cũng bình thường theo quy trình giải quyết tiếp nhận thông tin của báo, nên tôi định bỏ đi ăn cơm… Nào ngờ, “sếp” phản đối: “Mi phải đi, vụ án này do mi trực tiếp làm, không được cử B.C đi”. Tôi đành phải chấp hành mệnh lệnh, đi sang quận 4 ngay sau bữa cơm vội vã…

Tiếp tôi trong căn hộ chung cư vắng vẻ trên đường 20 thước là một người đàn bà trung niên có nước da trắng bệch, đôi mắt một mí lạnh tanh như mắt cá chết. Trong suốt câu chuyện kéo dài khoảng 15 phút giữa đôi bên, tôi không nhận được bất kỳ một thông tin nào về băng nhóm Minh “samasa”, mà chỉ phải tìm cách quanh co trả lời đối phó từng câu hỏi của người đàn bà ấy.

Tôi khẳng định luôn trong đầu rằng đây là một cái bẫy đang giăng ra với mục đích: Một là tìm cách nhận diện tôi –người trực tiếp điều tra vụ Minh “samasa”; hai là tìm cách moi móc thông tin nội bộ của tòa soạn trong vụ án… Không còn cách nào khác, tôi đành phải “chơi mặt lạnh” của một kẻ “sẵn sàng chết”, kiên quyết đứng dậy, rời khỏi ngôi nhà ma quỷ đó.

Tôi lại tìm đến nhà anh Lâm “chín ngón” ngay sau đó, kể lại hết vụ việc. Nghe xong, anh Lâm phán luôn: “Em gặp Hòa “ken” rồi. Con nhỏ này là cánh tay phải của Năm Cam, chuyên mua bán ma túy. Nó cũng là “em” của anh, để đó anh dàn xếp cho…”. Không muốn tin là mình lại bị gài một cách dễ dàng và đau đớn như vậy, tôi bắt anh Lâm “chín ngón” phải chứng minh cho tôi biết là anh Lâm nói đúng.

Buổi chiều, sau giờ làm việc, tôi chở anh Lâm “chín ngón” đến tòa soạn báo Thanh Niên, đưa số điện thoại của đối tượng cho anh Lâm, kêu anh dùng điện thoại của cơ quan gọi vào số máy ấy để tôi bắt máy phụ lên nghe (hồi đó chưa có dùng điện thoại di động phổ biến như bây giờ). Bên kia đầu dây là giọng nói của người đàn bà ban trưa với nội dung: “Anh Lâm đó hả, em Hòa đây” “Nghe nói em mới gặp thằng Hữu Phú báo Thanh Niên hả?” “À, đúng rồi. Em mới gặp nó hồi trưa. Mặt thằng này lì lắm, để em cho mấy đứa tới nhà nó…”.

Thế là xong, giờ thì tôi đã “thành công” trong việc lôi luôn vợ con của mình vào cuộc chiến chống Mafia! Làm sao đây?

Đối diện nguy hiểm

Trước đây, khi tham gia viết bài phanh phui vụ án Năm Cam cùng anh em trong tòa soạn, tôi cũng từng bị hăm dọa nhiều lần, nhưng cũng chỉ quanh đi quẩn lại bằng mấy lá thư nặc danh gởi tới tòa soạn với lời lẽ đe dọa đại loại như: “Chặt tay thằng Hữu Phú, móc mắt thằng Tham Lang (đàn anh tôi trong Báo Thanh Niên, một cây bút phóng sự bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ, thực sự có văn tài)”... Chờ mãi mà chẳng thấy ai “xử”… Riết, tôi không hề rung động mảy may khi gặp những kiểu hăm dọa như thế.

Lần này khác, đúng là dân xã hội đen “có số” thứ thiệt, lời hăm dọa của Hòa “ken” dành cho tôi được “cụ thể hóa” ngay mấy ngày sau bằng một “chiến dịch” khủng bố với quy mô mà lần đầu tôi mới gặp phải trong cuộc đời làm báo của mình...

Hôm ấy, sau khi đi làm về, ăn cơm xong, tôi ra ngoài đường mua thuốc lá hút (mỗi lần tôi mua 1 cây)… Trời đã sẩm tối, anh bạn bán thuốc lá cùng xóm rất thân với tôi đột nhiên hỏi: “Dạo này Phú có làm gì ai không mà sao anh thấy có mấy người đến hỏi thăm nhà Phú hoài?”.

Chột dạ, tôi lập tức hỏi kỹ tình hình thì được biết: Liên tiếp trong hàng tuần lễ liền, có một số thanh niên mặt mày lạ hoắc, bặm trợn, lởn vởn xung quanh nhà tôi quan sát (nhà tôi ở mặt tiền đường), hỏi thăm mấy người dân địa phương, vờ mua thuốc lá, uống cà phê vỉa hè (ngồi ngay chỗ anh bán thuốc lá, phía đối diện nhà tôi) theo dõi nhà tôi cả ngày, rồi bàn luận với nhau thì thầm…

Có lúc, anh bán thuốc lá còn nghe đám thanh niên này văng tục, lớn tiếng những câu như: “Đ.M, đem 1 xe cá mập tới (Toyota Hiace), đổ 2 bao mã (mã tấu) xuống trước nhà nó, vô quất chết mẹ hết là xong chứ gì!”. Cái kiểu dương oai diễu võ, coi trời bằng vung ấy giống như là cố ý để người dân xung quanh nghe thấy và báo lại cho tôi để tôi… sợ chơi vậy! Mà thật, tôi cũng… sợ luôn.

Nếu thời gian trước, những vụ đe dọa chỉ dừng lại ở tòa soạn, thuộc phạm vi công việc của riêng tôi, tôi có thể tự tin chờ đợi hoặc dùng “lá gan” của mình để thi nhau với bọn côn đồ… thì lần này dù muốn, tôi cũng không thể mặt đối mặt “tay bo” với chúng. Đe dọa bạo lực đã đến ngay trước cửa gia đình tôi.

Và nơi ấy, là tổ ấm đang có 2 sinh linh cần tôi bảo vệ. Tôi có thể không sợ chết, không sợ đánh nhau, không sợ nhiều thứ… nhưng tôi sợ vợ con tôi bị tổn hại, nhất là bị tổn hại vì tôi! Đây chính là điểm yếu chí mạng của tôi. Con của tôi lúc ấy còn ẵm ngửa, vợ thì yếu ớt do mới sinh chưa được bao lâu…

Chẳng may hai người thân yêu ấy có “mệnh hệ” gì, thì những thành công –nếu có- trong cuộc đời, sự nghiệp của tôi sau này liệu có còn có ý nghĩa gì nữa không? Chỉ nghĩ đến đó thôi, là tôi đã toát hết mồ hôi hột, không dám nghĩ tiếp nữa. Chắc chắn, không thể để điều gì có thể khiến mình “ân hận không kịp” xảy ra, tôi không thể “liều mình như chẳng có”.

Tôi liền kể cho anh hàng xóm bán thuốc lá nghe hết diễn biến, tình hình công việc của tôi lúc bấy giờ để anh ấy hình dung rõ ràng hoàn cảnh nguy hiểm của gia đình tôi, đồng thời cho anh số phonelink của tôi, nhờ anh giúp làm “đề - lô” (báo tin) trong trường hợp khẩn cấp. Anh hàng xóm đồng ý giúp, không quên trách tôi một câu: “Làm nghề gì không làm, làm chi cái nghề nguy hiểm quá vậy?”. Tôi vâng dạ cho qua chuyện, cầm lấy cây thuốc lá, vọt ngay về nhà.

Về tới nhà, tôi thấy vợ mình sao mà quá… đẹp! Con thì quá bé bỏng, đáng yêu! Tôi chỉ muốn suốt đời bảo bọc, mong hai người thật hạnh phúc, bình yên. Tuy nhiên, hiện thực vẫn là hiện thực, dù nó có phũ phàng. Đã đến lúc tôi không thể giấu vợ chuyện gia đình đang bị bọn giang hồ đe dọa, phải nói hết với cô ấy và hướng dẫn phương pháp để cô ấy có thể xử trí mọi tình huống trong trường hợp không có tôi bên cạnh.

Vợ tôi chẳng trách móc gì, có lẽ cô ấy đã lường trước được những chuyện tương tự khi thấy tôi trở về nhà với thân thể đầy máu như một xác sống trong lần đi công tác trước đó. Khuya hôm ấy, vợ tôi lặng lẽ (sợ con tôi thức giấc) kéo bàn, ghế ra trước cửa, chèn chặt, sau khi đã khóa cửa bằng dây xích mấy lần, như một cam kết đồng hành với tôi trong giai đoạn nguy hiểm nhất. Hiểu ý vợ, tôi cũng lặng lẽ xách con dao to nhất nhà ra, trải chiếu nằm ngang ngay trước cửa, để nếu như có thằng nào phá cửa đột nhập vào, nó phải bước qua xác tôi, theo đúng nghĩa đen.

Đêm hôm ấy, tôi không ngủ, còn vợ tôi thì chốc chốc lại trở mình cho con bú trong buồng, chắc cũng không ngủ, vì không có tôi nằm bên…

(Còn tiếp)

Hữu Phú

Bài đăng tạp chí Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (77)

Tin nổi bật