(ĐSPL) - Hiểu rõ lợi hại của mỹ nhân khiến anh hùng khó qua ải, nhiều vua chúa Việt Nam đã "dụng" kế này... cực kỳ hiệu quả.
Theo sách Tam tổ thực lục, vua Trần Anh Tông mới lên ngôi, nghe triều thần có kẻ gièm pha thiền sư Huyền Quang còn trẻ như thế, chắc gì đã là một vị chân tu, lại đứng đầu các hàng tăng ni, Phật tử, e rằng thiên hạ sẽ sinh ra dị nghị. Một hôm, vua nói với các đại thần: "Người ta sinh ra ở đời, cõng khí âm mà ôm khí dương, ăn của ngon, yêu sắc đẹp, người nào có tình dục ấy. Người ta vì dốc lòng học đạo mà phải ức chế, nhưng chỉ ức chế một phần tình dục ấy mà thôi. Nay xét lão tăng Huyền Quang sinh ra sắc sắc - không không, yên lặng như nước không sóng, trong sáng như gương không bụi, như vậy là sự ấy ức chế được tình dục hay không có tình dục".
Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tâu: "Họa hổ, họa bì nan họa cốt, tri nhân, tri diện, bất tri tâm (tức là vẽ hổ vẽ da khó vẽ được xương; biết người biết mặt không biết được lòng dạ). Bệ hạ hãy sai người thử xem thì mới biết thực, hư". Nhà vua liền tiến hành kế mỹ nhân làm lung lạc Huyền Quang. Và khi đó, cung nhân có sắc đẹp quyến rũ cùng tài văn thơ là Điểm Bích được chọn. Vua Trần Anh Tông chỉ dụ cho Điểm Bích phải lấy được ít nhất một nén vàng trong số 10 nén vàng mà nhà vua đã tặng Huyền Quang, để làm bằng chứng. Điểm Bích vâng lệnh nhà vua đi Yên Tử tìm gặp Huyền Quang và đã dụng đủ các chiêu trò sắc dục mê hoặc thiền sư, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, cô cung nhân này bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm, đã lợi dụng lòng cứu nhân độ thế của Huyền Quang... để lấy được số vàng.
Trở về cung, Điểm Bích tiếp tục dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới, khiến nhà vua tức giận, liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Huyền Quang tới, thấy bày biện vàng lụa, các món mặn, liền biết mình đã bị thử thách. Nhà sư thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương, khấn: "A di đà Phật! Xin Trời, Phật chứng giám, phù hộ độ trì. Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống âm ty địa ngục, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi và những cỗ mặn kia hóa thành cỗ chay tất cả". Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng chay.
Luật nay: Có dấu hiệu của tội vu khống Trước hết, trong vụ việc trên, cung nữ này đã lợi dụng lòng tốt của thiền sư Huyền Quang để chiếm lấy số vàng rồi sau đó về bẩm lại với vua là thiền sư đã phá giới, vu cho thiền sư một số chuyện khác... Trên thực tế, số vàng đó cung nữ không tiêu thụ được. Tuy nhiên, hành vi đó, theo quy định của pháp luật thời nay, sau khi điều tra có đầy đủ chứng cứ thì có thể buộc tội cung nữ theo Điều 122 BLHS, Tội vu khống người khác và khi có đơn của thiền sư Huyền Quang yêu cầu cung nữ phải bồi thường về tổn thất tinh thần thì phải làm rõ hành vi đó. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 122 - Bộ luật Hình sự năm 2000 quy định rất rõ về tội vu khống: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của thiền sư thì ông có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an về hành vi bịa đặt, xúc phạm của cung nữ với ông. Đồng thời, thiền sư cũng gửi kèm theo các tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi... Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ. Nếu xét thấy hành vi nêu trên có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; các vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. |