Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện ít biết về Khương Tử Nha - quân sư xuất chúng bậc nhất Trung Quốc

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Dân gian truyền tụng việc Khương Tử Nha thả cần mà không dùng lưỡi, dùng mồi bởi thực tế ông không câu cá mà là "câu người".

Trong lịch sử Trung Quốc, Khương Tử Nha (1156 trước Công nguyên - 1017 trước Công nguyên) được hầu hết các sử gia, học giả công nhận là quân sư xuất chúng nhất lịch sử Trung Quốc. Ông là khai quốc công thần của nhà Chu.

Khương Tử Nha xuất thân trong gia tộc hiển hách, tiếng tăm lừng lẫy. 

Tổ tiên của Khương Tử Nha là Lã Bá Di, là một trong những người có công giúp Hạ Vũ trị thủy. Theo ghi chép trong sử ký, sau khi hoàn thành việc trị thủy, vua Hạ Vũ phong chức Tứ nhạc cho Lã Bá Di. Lã Bá Di sống ở đất Lã từ thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ.

Tới thời nhà Thương, con cháu của Lã Bá Di bao gồm cả Khương Tử Nha lại không thể tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên mà chỉ có thể thành dân thường. Với gia cảnh khốn khó, Khương Tử Nha và những con cháu khác của Lã Bá Di bị người đời xem thường.

Quá khứ đầy "sóng gió"

Trước khi được Chu Văn Vương mời về phò tá, cuộc sống của Khương Thượng - Khương Tử Nha vốn không hề suôn sẻ, ông sống theo cách khánh kiệt. Vào năm ông 32 tuổi, nhà Thương chiến tranh liên miên, Khương Tử Nha quyết định lên núi tu Đạo để phòng tai họa. Sau 40 năm khổ luyện, tới tận năm ông 72 tuổi mới xuất sơn.

Thế nhưng, do không có nghề nghiệp cụ thể lại thêm tuổi cao, ông chỉ có thể nương nhờ bạn bè. Dù Khương Tử Nha đã dùng đủ cách để mưu sinh như đan sọt, xay bột, bán gia súc, mở quán ăn hay xem tử vi… nhưng đều thất bại. Vì thế ông luôn bị vợ mình là Mã Chiêu Đệ chê cười.

Trong sử sách cũng ghi chép rằng, Khương Tử Nha từng đi bán bột mì kiếm sống. Ông mua 30kg bột mì đem đến trấn Khẩu Tử bán. Ông cất tiếng rao hàng từ sáng sớm đến tận lúc mặt trời xuống núi mà không có một người nào hỏi mua. Khương Tử Nha thất vọng ngửa mặt lên trời thở dài một tiếng: “Trời ơi!” Không ngờ, khi ông vừa ngửa mặt lên há miệng ra than trời thì bị phân chim rơi vào miệng.

Ông vội vàng tới bờ sông tìm nước rửa miệng thì bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, lật tung chiếc sọt đựng bột của ông. Tất cả 30 kg bột mì bị gió thổi bay biến không còn lại chút nào… Đây thực sự là đẩy người ta đến tình cảnh cùng cực.

Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Do gia cảnh bần cùng nghèo khó, nên vợ ông là Mã Thị sinh lòng ghét bỏ ông. Sau này, ông được Trụ Vương giao cho chức vụ Đại phu. Khương Tử Nha thấy Trụ Vương hoang dâm vô độ, bắt người dân chịu khổ vô cùng nên đã khuyên vợ cùng mình đi đến Tây Kỳ (sau này là nước Chu) sinh sống. Vợ ông không những không đồng ý còn chê ông không có tài cán gì, đến chức quan nhỏ cũng không giữ được và nói không muốn cùng ông tiếp tục sống như vậy nữa.

Dù Khương Tử Nha đã hết lòng khuyên nhủ vợ chờ ngày ông đổi vận nhưng vợ ông một mực đòi đuổi ông ra khỏi nhà. Vì thế ông đành một mình rời đi, Khương Tử Nha và Mã Chiêu Đệ kể từ đó mà phân ly.

Khương Tử Nha câu cá

Khương Tử Nha gắn liền với điển tích Thái Công câu cá hay còn được biết đến với hình tượng Lữ Vọng câu cá. Khi đó, Khương Tử Nha xin cáo lão không làm quan của Trụ Vương nữa rồi một mình đến Tây Kỳ. Ông đã đến bên bờ sông Vị, là một khu vực thuộc tỉnh Thiểm Tây, cũng là nơi mà Cơ Xương (tức Chu Văn Vương) cai quản, để sống một cuộc đời ẩn cư.

Hàng ngày Khương Tử Nha đi câu ở ven sông, nhưng cách câu của ông khác với người bình thường. Cần câu của ông không có lưỡi và mồi câu lại còn thả cách mặt nước tới tận hơn 3 thước (có ý kiến cho rằng mỗi thước cổ tương đương 40cm). Ông vừa buông cần câu vừa nói rằng nếu muốn sống thì hãy tự đến cắn vào cần câu.

Ngày ngày cứ như vậy mà trôi qua, cho tới một hôm, Chu Văn Vương tình cờ có việc đi qua bờ sông Vị. Thấy bộ dạng kỳ lạ của Khương Thượng, Chu Văn Vương lệnh cho binh lính theo hầu đến hỏi thăm. Nào ngờ, Khương Tử Nha chẳng buồn để ý cứ thản nhiên ngồi câu mà còn nói thêm rằng cá thì không cắn câu mà tôm tép đã đến quấy rối.

Sau khi nghe kể, Chu Văn Vương liền sai một viên quan lớn đến hỏi chuyện nhưng Khương Tử Nha vẫn không thèm để ý còn nói cá nhỏ đừng đến làm gì. Viên quan không hỏi được đành quay về, Chu Văn Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi ngộ ra. Có thể kẻ lạ đời này là chính là người mình cần đích thân đến hỏi thì mới đáp lời. Sau khi biết chuyện, Văn Vương mới biết ông chính là Khương Tử Nha, một bậc kỳ tài binh pháp.

Chu Văn Vương mừng lắm, ông nói: "Năm xưa, tổ phụ từng nói với ta về việc rồi sẽ có ngày một bậc hiền tài đến giúp cho Chu tộc lên hương. Hóa ra chính là Khương Tử Nha đây, chúng ta đã mong ngài từ lâu lắm rồi".

Văn Vương lập tức mời Khương Thượng cùng mình hồi cung.

Ít ai biết được rằng việc Khương Tử Nha câu cá không lưỡi là một phương pháp tu thân dưỡng tính độc đáo của ông.

Thực ra, đối với Khương Tử Nha, câu cá không lưỡi, không mồi chỉ là một hình thức; cái ông cần là sự thanh tịnh của việc câu cá, việc có thể ngồi ngắm mây trời, nước non và cá bơi lượn tung tăng để lấy đó làm niềm vui cho mình. Cũng nhờ những thứ đó, ông mới có thể thư giãn, tâm tĩnh như nước mà rèn luyện ý chí của bản thân. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp giúp ông rèn luyện sức khỏe, giúp thân thể thêm phần dẻo dai.

Từ đó, Khương Tử Nha được gọi là Thái Công Vọng, hay còn gọi là Khương Thái Công, bởi vì ông là người mà tổ phụ của Chu Văn Vương vẫn luôn chờ mong từ lâu. Sau này Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương tiêu diệt nhà Thương và lập quốc. Sau này được Văn Vương cho trấn giữ đất Tề và còn là khai lập ra nước Tề.

Dân gian truyền tụng là Khương Tử Nha thả cần mà không dùng lưỡi, dùng mồi bởi thực tế ông không câu cá mà là "câu người". Nhưng trời vốn không phụ lòng người có tâm, cuối cùng tới năm ông 80 tuổi đã được Chu Văn Vương phát hiện tài năng và mời về làm quân sư.

Khương tử Nha cũng không làm phụ lòng của Chu Văn Vương. Hậu thế đánh giá Khương Tử Nha là người thay đổi thế cục thiên hạ, khiến cho giang sơn đổi chủ. Không chỉ có công sáng lập nên triều Chu, ông còn là vị tướng tài vĩ đại và góp phần không nhỏ giúp vương triều này kéo dài khoảng 800 năm.

Dân gian Trung Quốc lưu truyền câu nói rằng: “Khương Thượng trước, Tôn Tẫn sau, năm trăm năm trước Gia Cát Lượng, năm trăm năm sau Lưu Bá Ôn”.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật