Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ ôn hòa hơn sau PCA cho tới trước Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 diễn ra vào tháng 9 này.
Mới đây, Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Haye (Hà Lan) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý. Theo đó, tòa tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông.
PV Người đưa tin đã có cuộc PV TS Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông, Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xoay quanh phán quyết này.
Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye ra phán quyết rất quan trọng về Biển Đông. Ảnh Rappler.com |
PCA đã đưa ra phán quyết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông, bà đánh giá thế nào về kết quả đó?
Phán quyết của PCA vừa qua là một kết quả công bằng hoàn toàn dựa trên căn cứ là các quy định tại Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc thông qua năm 1982 mà Trung Quốc, Philllippines, Việt Nam và một số quốc gia khác đều là thành viên tham gia (đến nay đã có 157 quốc gia ký kết tham gia trở thành thành viên của công ước).
Mặc dù suốt thời gian qua, Trung Quốc đã tìm mọi cách để phủ nhận vai trò của Trọng tài như cho rằng Toà Trọng tài không có thẩm quyền hoặc bản chất các yêu cầu khởi kiện của Phillippines là khởi kiện về chủ quyền và phân định biển, là các yêu cầu mà Toà Trọng tài không có thẩm quyền hoặc Trung Quốc đã bảo lưu theo Điều 298 của Công ước.
Song với những lập luận vô cùng xác đáng và cũng hết sức thận trọng, PCA đã chia vụ kiện ra thành 2 phần: Xem xét về mặt thẩm quyền của Toà khi mà Trung Quốc cho rằng Toà không có thẩm quyền đối với vụ kiện; và phần xem xét về mặt nội dung đối với các yêu cầu khởi kiện của Phillippines để có thể đưa ra được phán quyết cuối cùng công bằng và hoàn toàn dựa trên các quy định của công ước như ngày hôm nay.
Phán quyết này ngoài là thắng lợi của Phillippines - một nước nhỏ, yếu thế trong cuộc chiến không cân sức với Trung Quốc - một quốc gia lớn và có tiềm lực quân sự mạnh hơn rất nhiều trong quá trình khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phán quyết cũng mở ra cơ hội cho các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông như: Việt Nam, Malaysia… một cơ hội đấu tranh về mặt pháp lý để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí địa chiến lược và là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Bãi cạn Scarborough trên bản đồ Google Map (Nguồn: Rappler) |
Trung Quốc vẫn luôn khẳng định sẽ không chấp nhận, không tôn trọng quyết định của PCA. Nếu Trung Quốc hành động như vậy, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đối với tình hình Trung Quốc và khu vực?
Trung Quốc ngay từ đầu đã khẳng định không chấp nhận, không tham gia, không thực thi phán quyết của Toà Trọng tài. Mặc dù phán quyết của PCA không có cơ chế đảm bảo thực thi phán quyết, tuy nhiên việc Trung Quốc, một quốc gia lớn, có tiềm lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại không nghiêm túc tuân thủ phán quyết công bằng, minh bạch của Toà Trọng tài Liên Hợp Quốc sẽ làm xấu đi hình ảnh của một nước lớn luôn nhấn mạnh mục tiêu xây dựng “nhà nước pháp trị” của Trung Quốc.
Điều này không những ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Trung Quốc mà còn khiến cho các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đánh mất niềm tin của mình vào một nước lớn đang có vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết các vấn đề lớn của thế giới.
Nếu như Trung Quốc vẫn cương quyết không tôn trọng phán quyết dẫn tới sự chia rẽ trong nội bộ của Trung Quốc, bởi quyết định không chấp nhận, không tham gia, không tuân thủ phán quyết của PCA không hoàn toàn là mong muốn của người dân, học giả, các giới, đặc biệt là không phải thể hiện mong muốn của giới học giả có hiểu biết sâu sắc về Luật Quốc tế.
Trong phạm vi khu vực, việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài sẽ làm suy giảm lòng tin của các nước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông về “thiện chí” hợp tác, giữ vững hoà bình, ổn định trong khu vực của Trung Quốc. Bởi có thể thấy rằng, căn cứ quan trọng đầu tiên của quá trình hợp tác giữa các nước không kể lớn hay nhỏ, đó chính là xây dựng và tuân thủ một nguyên tắc chung trong quá trình hợp tác.
Nguyên tắc chung này phải được đa số các quốc gia thừa nhận trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc và đa số các quốc gia khác trong khu vực đã tham gia ký kết.
Chính vì thế, việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết được đưa ra trên cơ sở Công ước sẽ được hiểu là Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc chung trong quá trình hợp tác. Chính vì thế, việc hợp tác trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà có thể đưa ra dự đoán chủ quan của mình về những hành động của Trung Quốc sau phán quyết PCA? Theo bà, Mỹ cũng như các nước trong khu vực sẽ hành động ra sao trước động thái đó của Trung Quốc?
Ngay từ đầu Trung Quốc đã kiên quyết không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận phán quyết và sẽ không thực thi phán quyết, do đó có thể dễ dàng đoán được các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không dừng lại sau phán quyết.
Thêm vào đó, sau một thời gian ngang nhiên cải tạo các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam thì các hành vi của Trung Quốc sau phán quyết của Toà tới trước khi Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay tại Hàng Châu - Trung Quốc thì các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tạm thời ôn hoà hơn, do Trung Quốc muốn làm giảm sự chú ý của thế giới vào khu vực.
Thái độ của Mỹ sau phán quyết của PCA sẽ là yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết, không tiếp tục đơn phương hành động một cách cứng rắn và trái pháp luật quốc tế ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các đồng minh cuả mình gây sức ép đối với Trung Quốc trong việc thực thi phán quyết của Toà.
Trên cơ sở phán quyết của Toà, Mỹ sẽ tự tin hơn trong hoạt động tuần tra ở khu vực, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, thách thức với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Mỹ trong thời gian tới sẽ dành nhiều kinh phí hơn cho việc hỗ trợ năng lực phòng thủ của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Phillipines.
Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!
Xem thêm video tin tức: [mecloud]HfkbtTb1gx[/mecloud]