Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia nói gì về hiện tượng lạ bùn phun trào, nhiều vết nứt dài ở Phú Yên?

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Hiện tượng trào bùn trên mặt đất rồi chảy thành dòng, xung quanh xuất hiện nhiều vết nứt dài tại thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

Hiện tượng bùn phun trào xảy ra trên ruộng trồng sắn của ông Nguyễn Văn Lợi (72 tuổi, ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam) từ chiều tối 6/4.

Tại đây, một dòng bùn nước mịn màu vàng nhạt liên tục trào lên từ lòng đất, tạo thành khu vực trào bùn rộng. Xung quanh vị trí này cũng xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đất. Hiện vẫn chưa xác định được độ sâu của điểm trào bùn cũng như nguyên nhân chính xác của hiện tượng.

Khu vực bùn phun trào ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Chuyên gia nói gì về hiện tượng bùn phun trào?

GS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - địa chất, chuyên gia địa chất, kiến tạo và tai biến địa chất, cho biết trên báo Thanh niên, phun trào bùn là một hiện tượng địa chất mà trong đó hỗn hợp bùn, dung dịch và khí tích tụ trong lòng đất trào lên trên mặt đất.

Phun trào bùn có quy mô khác nhau, từ các hố nhỏ đến các khu vực rộng lớn tương tự như hoạt động phun trào của núi lửa.

Theo GS Trần Thanh Hải, các kết quả nghiên cứu địa chất cho thấy phun trào bùn thường diễn ra trong các khu vực có khí tạo áp lực cao, có các hoạt động kiến tạo tích cực, nguồn địa nhiệt tăng cao, các khu vực có các tích tụ dầu - khí trong lòng đất.

Hiện tượng này cũng xảy ra trong các bồn trũng có các lớp trầm tích trẻ, bở rời, giàu vật chất hữu cơ đang phân hủy bị vùi lấp.

Cơ chế tạo bùn bắt đầu từ việc nước nóng (hình thành bởi nguồn địa nhiệt trong lòng đất) hòa tan với các khoáng chất của đất đá vây quanh. Dung dịch bùn nhão trộn lẫn với khí và hơi có thành phần khác nhau, có thể giàu các khoáng chất hoặc các loại khí khác, tùy thuộc các khoáng chất có trong đất đá vây quanh.

Trong một số trường hợp liên quan đến động đất, hỗn hợp bùn có thể được hình thành do sự hóa lỏng các lớp trầm tích giàu sét bở rời và chứa nhiều nước.

Ông cho biết thêm, hiện tượng trào phun bùn ở xã Xuân Sơn Nam (H.Đồng Xuân, Phú Yên) cũng tương tự như ở hiện tượng từng xảy ra ở xã Lợi Hải (H.Thuận Bắc, Ninh Thuận) hồi tháng 3/2011. Đây là hoạt động địa chất bình thường, phản ánh hoạt động kiến tạo và môi trường địa chất địa phương.

"Tuy nhiên, để đánh giá chính xác bản chất của các khe nứt mới hình thành và tác động của chúng, cũng như dự báo các hoạt động tương tự có thể diễn ra trong tương lai, cần có các khảo sát địa chất chi tiết và đánh giá định lượng đối với đặc điểm cấu trúc địa chất và các vận động kiến tạo địa phương", GS Trần Thanh Hải nêu quan điểm.

Cơ quan chức năng sẽ sớm có báo cáo về hiện tượng bùn phun. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hiện tượng bùn phun trào từng xuất hiện nhiều nơi ở Việt Nam

Ông Vũ Mạnh Hải - phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cho biết trên Tuổi trẻ, hiện tượng bùn phun trào không phải là điều quá lạ lẫm và từng xuất hiện nhiều nơi tại Việt Nam.

Theo ông, bùn, nước từ bên dưới lòng đất phun lên khi có điều kiện thuận lợi về “con đường” (khe hở trong đất đá) và áp lực đủ mạnh. Quá trình phun trào sẽ có thể giảm dần và thậm chí ngừng phun khi các điều kiện về áp lực, về nguồn không còn đủ lớn.

“Tuy nhiên để đánh giá, phân tích nguyên nhân hiện tượng này cần phải có kết luận của các chuyên gia. Lực lượng của đơn vị chúng tôi đã đến khu vực bùn phun trào tại huyện Đồng Xuân để ghi nhận, quan sát… và sẽ sớm có báo cáo kết quả sơ bộ về hiện tượng này”, ông Hải thông tin.

Ông Nguyễn An Phú - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên - cho biết đoàn công tác của sở đã khảo sát hiện trường để triển khai các biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn cũng đến đánh giá, xác định nguyên nhân, trong đó có Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung.

Tin nổi bật