Theo giáo sư Narushige Michishita, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN... cần gia tăng sức ép để Trung Quốc bớt hung hăng trên biển.
Các nước cần xây dựng cơ chế để Trung Quốc hiểu rằng nước này sẽ chịu thiệt hại khi hành xử vô trách nhiệm. Đó là nhận định của Giáo sư Narushige Michishita, Trưởng nhóm nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản.
|
Phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư Narushige Michishita |
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình căng thẳng tại Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc gây hấn với các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ? Theo ông, mục đích thực sự của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là gì?
Giáo sư Michishita: Như chúng ta đã biết, Nhật Bản cũng từng trải qua sự cố va chạm tàu với Trung Quốc tương tự như Việt Nam. Năm 2010, vụ việc giống như vậy cũng đã xảy ra tại vùng biển gần quần đảo Senkaku khi một tàu cá của Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản.
Khi đó, truyền thông Nhật Bản đăng tải những hình ảnh về vụ đâm tàu này. Giờ đây, khi chứng kiến sự kiện tàu Trung Quốc đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam, người Nhật Bản nhìn chung đều có chung sự đồng cảm và chia sẻ quan điểm với Việt Nam.
Vậy thì mục đích đằng sau của hành động hạ đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là gì? Chúng ta cần lưu ý về thời điểm Bắc Kinh đưa ra quyết định hạ đặt giàn khoan này. Sự việc trên xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama, mang theo những cam kết của Mỹ và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với vấn đề an ninh ở châu Á cũng như những quan ngại đang hiện hữu trong khu vực.
Động thái này của Bắc Kinh dường như là một phép thử đối với quan điểm an ninh của Tổng thống Obama. Washington cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho châu Á vậy thì Trung Quốc muốn thử xem cam kết đó của Mỹ có hiệu lực đến đâu trước những thách thức an ninh mà Bắc Kinh đặt ra. Phải chăng là Washington không thể thực hiện được lời hứa của mình đối với các đồng minh ở châu Á.
Theo tôi, bản chất thực sự của những diễn biến vừa qua chính là việc Trung Quốc đang muốn thách thức những cam kết của Mỹ sau chuyến công du châu Á của ông Obama. Đó là điều khiến tôi thấy quan ngại hơn cả.
PV: Đến nay, Việt Nam hành xử khá kiềm chế mặc dù phía Việt Nam bị thiệt hại sau các vụ cố tình đâm va của tàu Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về sự kiềm chế của phía Việt Nam?
Giáo sư Michishita: Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao như vậy nhưng Việt Nam vẫn giữ thái độ kiềm chế. Tôi đánh giá rất cao khả năng này của các bạn. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi thấy quan ngại là liệu Trung Quốc có tận dụng sự kiềm chế này của Việt Nam để chuẩn bị cho một toan tính nào tiếp theo nữa hay không.
Các bạn càng hạn chế đưa ra các phản ứng tương ứng với sức ép mà Trung Quốc đặt ra thì sẽ càng khiến đối phương thừa cơ dồn vào thế bí.
Do vậy, theo tôi, trong lúc Việt Nam vừa phải duy trì thái độ kiềm chế trước những hành động hung hăng của Trung Quốc thì Hà Nội cần phối hợp với các nước liên quan mà trước tiên là Nhật Bản, Mỹ và ASEAN cùng thống nhất hành động và đưa ra những tuyên bố và động thái ngoại giao tương ứng đáp trả nhằm buộc Bắc Kinh phải xuống thang và giảm bớt những hành động hung hăng trên Biển Đông.
PV: Ông có thể đưa ra một số dự đoán về diễn biến căng thẳng trên biển Đông hay không ạ? Liệu các vụ va chạm tàu và hành động hung hăng của Trung Quốc có leo thang thành xung đột hay không?
Giáo sư Michishita: Liên quan đến việc hai nước sẽ xử lý tình huống căng thẳng hiện nay ra sao, chúng ta có thể nhận thấy là cả Trung Quốc và Việt Nam đều tránh không đưa quân đội vào khu vực giàn khoan. Cả hai bên đều hạn chế đến mức tối đa mức độ can thiệp của quân đội vào điểm nóng này. Phía Việt Nam hiện đang ở vào thế bị hiếp đáp và tình trạng này cứ liên tục diễn ra, bắt buộc Việt Nam phải có động thái đáp trả. Tình thế như vậy sẽ kéo dài.
Một khi Cảnh sát biển Việt Nam không thể đối phó với tàu lớn của Trung Quốc và buộc phải đưa hải quân vào can thiệp. Khi đó Trung Quốc cũng sẽ viện cớ đưa quân đội vào để đối phó. Và đó thực sự là một nguy cơ tiềm tàng khiến căng thẳng leo thang.
Điều tôi lo nhất là Trung Quốc không ngừng sử dụng sức mạnh để thay đổi từng bước hiện trạng nhằm biến thành việc đã rồi. Cứ theo từng bước như vậy Trung Quốc sẽ thay đổi hiện trạng nhiều hơn nữa.
PV: Vậy, các nước nhỏ như Việt Nam cần có biện pháp gì để đối phó với chiến thuật đó của Trung Quốc?
Giáo sư Michishita: Cách tiếp cận của Trung Quốc mang tính dài hạn với việc mở rộng từng bước từng bước vùng ảnh hưởng của mình. Để đối phó với cách tiếp cận đó của Trung Quốc, chúng ta cần từng bước nâng cao năng lực bảo vệ của bản thân, bao gồm năng lực quân sự, năng lực phòng thủ, năng lực của cảnh sát, năng lực chấp pháp trên biển, đồng thời mở rộng cơ chế hợp tác trên toàn khu vực bao gồm trên cả lĩnh vực an ninh lẫn ngoại giao.
Chúng ta cần xây dựng nhận thức chung trên toàn khu vực rằng không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chìa khóa ở đây chính là việc chúng ta phải xây dựng được một cơ chế hợp tác bao gồm cả hợp tác an ninh để dựa vào đó Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại khi có các hành động vô trách nhiệm. Từng bước xây dựng cơ chế này là bài toán đặt ra cho chúng ta hiện nay.
Trong trường hợp cụ thể lần này, Việt Nam cần tận dụng việc kiềm chế, tránh xung đột với Trung Quốc để tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế là các bạn đang nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Việt Nam cần tích cực thông tin một cách thường xuyên và đầy đủ cho các nước trong khu vực.
Truyền thông Nhật Bản cập nhật đầy đủ các diễn biến, qua đó, người dân Nhật Bản và châu Á theo dõi những gì mà Trung Quốc đang làm. Từ đó, dư luận quốc tế sẽ có sự hiểu biết rõ ràng hơn những gì đang diễn ra trên Biển Đông.
Nỗ lực này của Việt Nam sẽ gây sự chú ý của Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và hành xử một cách có trách nhiệm trong khu vực. Theo tôi, đó chính là sức ép lớn nhất mà Việt Nam có thể tạo ra đối với Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải hạ nhiệt căng thẳng.
PV: Vừa qua, ASEAN đã ra tuyên bố về vấn đề biển Đông theo đó kêu gọi các bên nên kiềm chế và tránh sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Ông đánh giá tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào?
Giáo sư Michishita: Việc ASEAN đưa ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông cho thấy một bước tiến lớn mà khu vực đã đạt được trong việc đương đầu với khó khăn chung. Trung Quốc gây ra căng thẳng ở biển Đông và tạo ra thách thức lâu dài đối với khu vực. Theo tôi, vấn đề này không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn mà nó sẽ diễn biến dai dẳng.
Điều mấu chốt là Trung Quốc không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà cả còn tăng cường sức mạnh và uy hiếp các quốc gia khác như Nhật Bản và Philippines. Do vậy, không chỉ tăng cường quan hệ ngoại giao mà các nước như Nhật Bản, Việt Nam cần siết chặt hợp tác quốc phòng để cùng tạo nên một đối trọng cần thiết trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc.
Trong việc này, cá nhân Nhật Bản hay Việt Nam không thể tự giải quyết được mà cần hình thành một khối vững chắc toàn khu vực để đối phó với Bắc Kinh. Với ý nghĩa như vậy, vừa rồi Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản cần cho phép áp dụng quyền phòng vệ tập thể.
Quyền phòng vệ tập thể không chỉ là đảm bảo an ninh cho Nhật Bản mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là đóng góp cho an ninh khu vực. Việc này sẽ tạo cho Nhật Bản một cơ chế mà ở đó Tokyo có thể hợp tác an ninh rộng rãi với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tôi tin rằng việc này sẽ hết sức có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay.
PV: Như vậy, nếu Nhật Bản cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể, Nhật Bản có thể trợ giúp các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông như Philippines và Việt Nam hay không. Điều này có ảnh hưởng gì đến an ninh khu vực?
Giáo sư Michishita: Như tôi đã đề cập, quyền phòng vệ tập thể mà Nhật Bản đang xúc tiến thông qua có một ý nghĩa quan trọng vào thời điểm này. Tokyo có thể phối hợp với Việt Nam và các nước để cống hiến tích cực cho an ninh ở khu vực và cùng thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh.
Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại hiện hữu không ít những khó khăn. Lý do là vì nếu Nhật Bản công khai hỗ trợ Việt Nam có thể khiến Trung Quốc có những động thái đáp trả nhằm vào Nhật Bản.
Ngoài ra, Tokyo sẽ vấp phải không ít trở ngại từ phía những nhân vật trong chính giới có quan điểm trái chiều.
Để tránh việc này, Nhật Bản có thể từng bước hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh. Hai bên có thể bắt đầu từ các hoạt động nhỏ lẻ như giao lưu nhân sự, xây dựng năng lực quân sự, hỗ trợ các trang thiết bị hay tập trận ở quy mô nhỏ. Tôi cho rằng tốt hơn cả là hai nước cần thúc đẩy hợp tác dần dần và từng bước xây dựng quan hệ song phương một cách vững chắc.