Đóng

Chuyên gia lý giải thế nào về "tần suất lũ 5.000 năm mới có một lần"?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm thì có nghĩa là xác suất để nó xảy ra là 1/5.000, hay 0,02%. Đây là một giá trị xác suất (hay khả năng xảy ra).

Xác suất thống kê, không phải chu kỳ cứng

Báo Chính Phủ cho biết, theo thông báo khẩn số 604/TB-UBND ngày 22/7 của tỉnh Nghệ An thông tin về lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m3/s (tần suất ~ 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra 1 lần).

Trước thông tin nói trên, dư luận nêu câu hỏi liệu có phải 5.000 năm mới có một trận lũ tương tự? Ông Lương Hữu Dũng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), vừa có chia sẻ về vấn đề này.

Cụ thể, theo ông Lương Hữu Dũng, về thông báo khẩn số 604 của UBND tỉnh Nghệ An có thông tin "lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần", phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn (quy mô) ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5.000 năm mới xảy ra 1 lần.

Đây là nói đến khả năng xảy ra chứ không gắn với thời gian vì lũ xảy ra mang tính ngẫu nhiên cao nên hoàn toàn có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào. Với lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm ứng với xác suất 0,02% có nghĩa là khả năng xảy ra được lũ lớn hơn hoặc bằng con lũ này là rất hiếm.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lương Hữu Dũng cho biết, nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm, điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra là 1/5.000, hay 0,02%. Đây là một giá trị xác suất (hay khả năng xảy ra), chứ không phải gắn liền về mặt thời gian.

Nhiều cơ quan và nhà dân tại xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) bị ngập nặng. Ảnh: TTXVN

Về khái niệm, trong thủy văn, tần suất lũ (ký hiệu là P) được hiểu là xác suất vượt. Có nghĩa là xác xuất để xảy ra trận lũ có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn hoặc bằng lưu lượng ứng với xác suất này. Vì đây là xác suất thống kê, không phải chu kỳ cứng. Một trận lũ có xác suất 0,02% không có nghĩa là phải đợi đúng 5.000 năm mới lặp lại. Trên lý thuyết, năm sau nó vẫn có thể xảy ra nhưng xác suất là rất thấp.

“Chúng ta nên hiểu rằng, nói ‘lũ 5.000 năm’ là cách các nhà chuyên môn nội suy theo thống kê dựa trên chuỗi số liệu mưa và lũ nhiều năm. Nó giống như cách nói ‘lũ lịch sử’ nhưng ở đây là có tính toán rõ xác suất”, VietnamPlus dẫn lời ông Lương Hữu Dũng.

“Không phải để dự báo thời điểm cụ thể xảy ra lũ”

Ông Lương Hữu Dũng cũng lưu ý, nếu số liệu thực đo về lượng mưa và lưu lượng lũ vẫn nằm trong ngưỡng thống kê tương tự như trận trước thì vẫn có thể tiếp tục được đánh giá là tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ lặp lại 5.000 năm. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì nó chỉ phản ánh xác suất thống kê.

"Vì thế, người dân và truyền thông không nên hiểu nhầm rằng đã có một trận rồi thì 5.000 năm nữa mới có trận tiếp theo hoặc lịch sử Việt Nam mới có 4.000 năm thì làm sao biết được lũ 5.000 năm. Điều cần lưu ý là đối với lũ tần suất càng nhỏ thì mức độ hiếm gặp và cực đoan của hiện tượng càng lớn nhưng không có nghĩa là không xảy ra tiếp", ông Lương Hữu Dũng chia sẻ.

Theo ông Lương Hữu Dũng, điều quan trọng là cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn phải nói rõ rằng đây là tần suất lũ (hay là khả năng xảy ra lũ), chứ không phản ánh thời gian cụ thể, cố định có lũ xảy ra.

Việc đánh giá “lũ 100 năm,” “lũ 5.000 năm” là tính toán độ lớn đặc trưng mưa, mực nước, lưu lượng trong thiết kế đê điều, hồ chứa, quy hoạch phòng chống thiên tai, chứ không phải để dự báo thời điểm cụ thể xảy ra lũ.

“Hiểu sai về điều này có thể dẫn tới tâm lý chủ quan hoặc hoang mang không đáng có. Vì thế, tôi rất mong các cơ quan thông tin đại chúng khi truyền đạt phải kèm theo phần giải thích xác suất rõ ràng", ông Lương Hữu Dũng khuyến nghị.

Ông Lương Hữu Dũng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Báo Chính Phủ

Triển khai nghiên cứu để đánh giá lại năng lực phòng chống lũ

Theo VietNamNet, trước bối cảnh biến đổi khí hậu, khi các hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc, ngành khí tượng thủy văn đang triển khai các nghiên cứu lớn nhằm đánh giá lại năng lực phòng chống lũ.

Ông Lương Hữu Dũng cho biết, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ, xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng và đề xuất giải pháp ứng phó”.

Nội dung nghiên cứu gồm: Đánh giá khả năng chống chịu hiện tại của hệ thống sông Hồng, có thể ứng phó với lũ chu kỳ 500 năm (tương đương 1 tỷ m3 nước).

Xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, ứng dụng mô hình học máy và học sâu để xác định các giai đoạn lũ tại các điểm kiểm soát chính. Đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa Sơn La, Tuyên Quang trong thời gian lũ chính vụ (20/7 – 21/8), phối hợp vận hành hồ giữa thượng lưu và hạ du khi có tổ hợp lũ.

“Chúng tôi kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống lũ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên toàn lưu vực sông Hồng", ông Lương Hữu Dũng nói. 

Tin nổi bật