(ĐSPL) - Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng chục người thiệt mạng vì sét đánh. Thậm chí có gia đình đang ăn cơm trong nhà bị sét đánh chết người. Theo các chuyên gia khí tượng học, thời tiết nắng nóng dị thường sẽ tạo ra những cơn giông sét diễn biến rất khó lường.
Liên tiếp các vụ sét đánh thương tâm
Trong vòng hơn một tháng trở lại đây, ghi nhận phản ánh của nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ người dân bị sét đánh rất thương tâm. Đáng chú ý, nhiều cơn mưa giông kèm theo những tiếng sét giáng xuống khiến không ít người dân đang làm ruộng ngoài đồng mất mạng. Thậm chí, nhiều trường hợp sét đánh qua cả cửa sổ, cửa chính vào nhà gây thiệt hại nặng cả người và tài sản.
Trưa 8/6, người dân trên địa bàn xã Cư Knia (huyện Cư Jút, Đắk Nông) bất ngờ trước cơn mưa như trút nước kèm theo những tiếng sấm sét lớn. Trong khi đó, một gia đình 8 người đang ngồi ăn cơm trưa trong nhà bị sét đánh khiến một người tử vong tại chỗ.
Ảnh minh họa |
Ông Ngôn Hữu Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Knia cho biết khoảng 11h trưa cùng ngày, trên địa bàn thôn 9, xã Cư Knia đã xảy ra một vụ sét đánh khiến một người tử vong và 3 người khác bị thương.
Nạn nhân là cháu Thào Thị D. (14 tuổi) tử vong tại chỗ và 3 người khác trong gia đình bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút. Bốn người còn lại trong nhà may mắn sống sót. Trước đó, cả vùng quê nghèo rúng động khi 6 người thuộc phường An Hòa (TP. Thừa Thiên - Huế) đang đi làm đồng bị sét đánh.
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, cơn mưa lớn kèm theo gió lớn, sấm sét vào đầu giờ chiều 28/5 đúng với thời điểm bà con đang vào vụ thu hoạch lúa khiến không ít người dân không chạy kịp về nhà.
Trong lúc đó, có 6 người đang đi làm đồng kéo bạt trú mưa. Khi cả nhóm đang co ro thì tia sét bất ngờ đánh trúng khiến nhiều người bất tỉnh. Ngay sau đó, 6 người được đưa đi cấp cứu kịp thời. Trong đó, 3 người lớn bị thương nặng phải nằm viện điều trị, còn 3 trường hợp bị thương nhẹ đã được ra viện.
Cách đó vài ngày, người dân TP.Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) hoảng hốt khi cơn mưa kèm theo những tiếng sét chát chúa đã đánh trúng 7 người dân đang gặt khiến 4 người tử vong. Theo đó, chiều 24/5, ông Trần Văn T. ở phường Tân Bình thuê một số người làm công đến gặt lúa cho gia đình tại cánh đồng Cùng thuộc tổ 10. Nhóm 7 nông dân đang làm việc thì mưa giông kèm sấm chớp kéo đến.
Tia sét đánh trúng khiến nhiều người đổ gục tại chỗ trong đó có ông T.. Một nhân chứng cho biết, cơn mưa kéo đến rất nhanh và bất ngờ khiến nhóm lao động mới chạy ra chuyển lúa lên bờ ruộng thì bị sét đánh ngay.
Cũng trong ngày 24/5, cái chết thương tâm của hai mẹ con ở xã Định Hưng (huyện Định Hóa, Thanh Hóa) sau một tiếng sét khiến nhiều người dân không kìm được nước mắt. Khi đang làm đồng, trời đổ mưa to kèm giông sét dữ dội, chị Trương Thị B. cùng con gái chạy về làng trú mưa. Nhưng chưa kịp đến nhà thì bị sét đánh trúng khiến hai mẹ con chết tại chỗ.
Theo phản ánh của người dân, nhiều ngày gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa và khu vực miền Trung nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Vào cuối mỗi buổi chiều, mưa rào kèm theo giông sét thường xuất hiện.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia khí tượng Thủy văn cho rằng, về nguyên nhân hình thành sét, một phần do yếu tố con người gây nên. Theo đó, có hai nguyên nhân chính gây ra nhiều sét là do núi lửa phun trào và do hiện tượng El nino, hoặc do con người đốt rừng gây ra những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc đủ để dẫn điện. Mà nguyên nhân dẫn tới hiện tương El nino là do biến đổi khí hậu, do con người thải nhiều khí đốt lên bầu khí quyển, đốt phá, khai thác rừng bừa bãi.
Giông sét ngày càng dữ dội
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Viết Lành (khoa Khí tượng – Thủy văn, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến thời tiết diễn biến bất thường như thời gian gần đây. Mới đầu hè, nhiệt độ nhiều nơi tăng mạnh, nắng nóng trên diện rộng và kéo dài là rất đáng lo ngại. Hà Nội nắng nóng lên đến 38-400C. Nhưng chưa bao giờ Tây Nguyên như trong mấy tháng gần đây nắng nóng một cách dị thường, nhiệt độ lên đến 390C. Chính việc nắng nóng kéo dài, thay đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những trận mưa lớn kèm theo sét đánh chết người xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước”.
PGS.TS Nguyễn Viết Lành phân tích: “Sét sinh ra do hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây. Nhưng thời tiết càng nắng nóng, khí quyển bất ổn định khiến những đám mây tích tụ lại với nhau thành khối lớn rồi chuyển động theo phương thẳng đứng gây ra các tia sét lớn. Bởi vì, thời tiết nắng nóng, các mây sẽ chuyển động mạnh hơn bởi vậy sự phóng điện giữa các đám mây cũng mạnh hơn rất nhiều”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Lành, khi xuất hiện cơn giông sét, ngoài việc người dân cần tránh các gốc cây to, nơi hoang vắng thì việc tắt thiết bị di động là cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng.
“Những cơn mưa giông kèm theo sét sẽ rất nguy hiểm nếu người dân mang theo thiết bị di động. Bởi thiết bị di động có sóng nên rất dễ bị sét đánh. Để an toàn, khi có sét người dân cần tắt nguồn thiết bị di động. Tắt hết các thiết bị điện trong nhà, thậm chí đóng hết các cửa vì không ít vụ sét đánh qua cả cửa sổ vào trong nhà”, PGS. TS Nguyễn Viết Lành khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo ngắn hạn, trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã đưa ra những cảnh báo về giai đoạn thời tiết nguy hiểm.
Theo ông Tuấn, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Bởi vậy, không khí lạnh vẫn còn hoạt động, di chuyển đẩy rãnh thấp lùi sâu xuống phía Bắc gây xáo động mạnh, tạo ra các hiện tượng tố lốc, mưa đá và đặc biệt là giông sét. Giai đoạn này giông sét sẽ xuất hiện nhiều ở miền Bắc và miền Trung.
Còn khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên khả năng xuất hiện giông sét đã giảm hơn so với khoảng tháng Ba. Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, hàng năm, miền Bắc và miền Trung có hai giai đoạn chuyển mùa, từ mùa lạnh chuyển sang nóng (tháng 4-6) và từ mùa nóng chuyển sang lạnh (tháng 8-9). Vào các giai đoạn này sét xuất hiện nhiều nhất, người dân không nên chủ quan.
Việt Nam hứng hai triệu cú sét đánh mỗi năm TS. Nguyễn Xuân Anh (viện Vật lý Địa cầu – viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông tin: “Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, là một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Trong một năm, Việt Nam có thể có tới hai triệu cú sét đánh xuống đất. Một số địa phương giông sét xuất hiện nhiều như xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), huyện Đông Anh (TP.Hà Nội), huyện Thăng Bình (Quảng Nam), đồng bằng sông Cửu Long...”. |
VŨ PHƯƠNG
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]fLuCM0IKFY[/mecloud]