Thời tiết khô hanh, buốt giá khiến tình trạng đau răng miệng trở nên trầm trọng, những cơn đau nhức kéo dài khiến bệnh nhân khó chịu bỏ ăn bỏ uống.
Chuyên gia hướng dẫn phòng tránh các bệnh răng miệng trong mùa đông.
Ảnh minh hoạ
Bác sĩ Phạm Hữu Thành chuyên Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Bắc Giang cho biết vào mùa đông có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh răng miệng như sâu răng, mòn răng, viêm nha chu…gây biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh sâu răng
Sâu răng là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ngoài việc gây đau nhức và những biến chứng như viêm tủy, viêm quanh chân răng, sâu răng còn làm hơi thở hôi, có mùi, gây cản trở quá trình giao tiếp.
Nguyên nhân gây sâu răng
Sâu răng là do vi khuẩn gây sâu răng có sẵn trong miệng, chủ yếu là vi khuẩn Streptococcus Mutans khi có thức ăn dính lên mặt răng đặc biệt là đường và tinh bột, sau vài giờ các vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng, lâu dần sẽ tạo thành lỗ sâu.
Biến chứng của sâu răng
Trong trường hợp, răng sâu mà không được điều trị đúng cách và kịp thời rất dễ dẫn đến viêm tủy răng, chết tủy răng, nhiễm khuẩn quanh cuống (chóp) răng, áp xe quanh cuống răng, vỡ răng do chết tủy.
Bên cạnh đó sâu răng làm giảm thẩm mỹ, đọng thức ăn gây hôi miệng ảnh hưởng đến giao tiếp của người bệnh…
Điều trị và phòng ngừa sâu răng
Để dễ dàng bảo vệ răng miệng được khỏe mạnh và sạch đẹp nên áp dụng biện pháp phòng tránh bệnh sau đây:
Sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride để vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống, ít nhất hai lần trong ngày (vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy).
Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải đánh răng có đầu nhỏ để vệ sinh các kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì thông thường đầu tăm to nên rất dễ gây chảy máu chân răng.
Sau những bữa ăn nhẹ, nên sử dụng nước súc miệng có chứa Fluoride để làm sạch miệng nhanh.
Thực hiện khám và lấy vôi răng theo định kỳ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc khám răng đúng định kỳ sẽ giúp dễ dàng phát hiện những bệnh lý về răng miệng sớm và điều trị kịp thời.
Đối với những răng bị hư cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để phục hồi hoặc che lấp phần răng bị hư bằng cách trám răng. Phương pháp trám răng không chỉ giúp phục hồi chức năng răng mà còn mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho răng miệng.
Hạn chế ăn vặt, nhất là những thức ăn ngọt, chứa nhiều đường (như bánh, kẹo,...), đồ ăn có mùi nồng (như mắm tôm) hoặc các loại nước uống có gas, thức ăn quá cứng hoặc dễ bám dính sẽ kích thích vi khuẩn tấn công răng miệng.
Sử dụng kẹo cao su xylitol kết hợp với Fluoride để giảm thiểu nguy cơ.
Mòn cổ răng
Mòn cổ răng là tình trạng tổ chức cứng gồm men và ngà răng ở vùng cổ của răng bị mất đi và sẽ không thể thay thế lại một cách tự nhiên.
Nguyên nhân gây ra mòn cổ răng
Nguyên nhân gây mòn cổ răng chủ yếu xuất phát từ thói quen vệ sinh răng miệng thiếu khoa học và chế độ ăn uống không hợp lý của người bệnh.
Đánh răng sai cách quá mạnh, dùng bàn chải cứng chà sát lên bề mặt răng sẽ làm tổ chức cứng của răng bị mài mòn đi nhanh chóng. Việc chải răng theo hướng ngang cũng làm cho lợi dễ tụt xuống thấp, lộ chân răng, vị trí cổ răng đến chân răng chỉ có lớp ngà răng phủ, không có lớp men răng cứng bảo vệ nên khi lợi tụt, cổ răng dễ bị mòn và tốc độ mòn sẽ nhanh hơn.
Giữ vệ sinh răng miệng không sạch thức ăn còn lại bám trên mặt răng phần sát lợi và ở kẽ răng, lâu ngày thức ăn sẽ biến thành môi trường có tính acid gây mòn cổ răng.
Thói quen sử dụng những thực phẩm quá chua trong một thời gian liên tục.
Tiếp xúc với acid và nước ngọt có gas:
Thống kê cho thấy rằng: công nhân tiếp xúc với hơi và bụi nước có tính acid (sản xuất acquy chì,...) có mòn cổ răng trầm trọng.
Răng mọc lệch, chen chúc lợi phủ ở răng mọc lệch mỏng hơn ở các răng khác nên lợi dễ bị tụt và mòn cổ răng.
Khớp cắn không bình thường, răng bị chịu lực uốn ở phần cổ răng không đáng có do nhiều nguyên nhân.
Yếu tố di truyền gây rối loạn hình thành tổ chức cứng của răng, làm cho răng “mềm “ hơn và răng dễ bị mòn.
Bệnh lý toàn thân hay chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh.
Di chứng và biến chứng của mòn cổ răng
Mòn cổ răng nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sâu răng, chết tủy , viêm nhiễm vùng cuống răng, gãy răng,... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân, ê buốt răng mỗi ăn uống hay sinh hoạt do mòn cổ răng gây ra.
Hôi miệng, lợi đỏ, sưng, chảy máu do thức ăn giắt lại gây mất thẩm mỹ..
Một số gợi ý giúp bạn phòng ngừa mòn cổ răng:
Thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày dùng bàn chải đánh răng có lông mềm, kem đánh răng có Fluor, chải răng theo chiều dọc hoặc xoay tròn chậm và nhẹ nhàng, không chà mạnh lên mặt răng, chải sạch ở mặt trong, mặt ngoài và mặt trên cùng của tất cả các răng. Việc chải răng đúng cách sẽ giúp làm sạch răng, xoa bóp nhẹ nhàng vùng lợi sát răng giúp tăng lưu thông máu cho lợi, làm lợi khỏe mạnh mà không gây tụt lợi nhưng chỉ chải răng không là chưa đủ kết hợp chải răng đúng cách và dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch các kẽ răng là phương pháp làm sạch răng hiệu quả nhất.
Hạn chế ăn vặt, ăn nhiều các đồ ăn cứng, dai, quá chua, ngọt, có gas.
Khám răng định kỳ 6 tháng một lần để loại bỏ cao răng, mảng bám trên mặt răng và có những điều chỉnh thích hợp cho hàm răng của mình.
Các bệnh răng miệng trong mùa Đông. Ảnh minh hoạ
Viêm nha chu
Bệnh nha chu (Periodontitis) là một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng làm tổn thương mô mềm và phá hủy xương xung quanh khiến răng bị lỏng hoặc dẫn đến mất răng.
Viêm nha chu là bệnh phổ biến và có thể phòng ngừa được.
Nguyên nhân gây viêm nha chu
Bệnh thường là do vệ sinh răng miệng kém mảng bám trên răng khi ăn tinh bột và đường tương tác với vi khuẩn trong khoang miệng.
Viêm nướu trường diễn có thể gây viêm nha chu, cuối cùng làm cho túi nha chu phát triển giữa nướu và răng của bạn chứa đầy mảng bám, cao răng và vi khuẩn. Theo thời gian, các túi này trở nên sâu hơn không được điều trị gây mất mô nướu và xương và cuối cùng người bệnh có thể mất một hoặc nhiều răng. Ngoài ra, viêm mãn tính liên tục có thể gây căng thẳng, suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh.
Thay đổi nội tiết, chẳng hạn như thời gian mang thai, tuổi dậy thì mãn kinh và kỳ kinh nguyệt hàng tháng là một số giai đoạn có thể làm cho nướu nhạy cảm.
Một số bệnh như ung thư hoặc HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân bị những bệnh này có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh nha chu và sâu răng.
Một số thuốc có thể làm giảm lưu lượng của nước bọt mà nước bọt lại có tác dụng bảo vệ răng và nướu răng, chẳng hạn như các thuốc chống co giật Dilantin và thuốc chống đau thắt ngực Procardia và Adalat có thể gây ra sự phát triển bất thường của các mô nướu.
Thói quen hút thuốc lá có thể gây ra tổn thương mô nướu rất khó để tự phục hồi.
Biến chứng bệnh viêm nha chu
Bệnh viêm nha chu không chỉ gây ra mất răng hàng loạt mà còn đem lại những biến chứng nguy hiểm khác như: Bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, nhiễm trùng nội tâm mạc, sinh non, thiếu cân. Ngoài những tác hại đã được kiểm chứng nhiễm trùng nha chu có liên quan đến những bệnh lý khác như viêm phổi bệnh viện, đột quỵ…
Phòng ngừa bệnh viêm nha chu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh nha chu là tuân thủ tốt vệ sinh răng miệng nên bắt đầu sớm và thực hành nhất quán trong suốt cuộc đời.
Vệ sinh răng miệng tốt đánh răng trong hai phút ít nhất hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày, dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng sẽ làm sạch các mảng thức ăn và vi khuẩn.
Khám răng thường xuyên vệ sinh răng miệng, lấy mảng bám,cao răng ít nhất 6 đến 12 tháng một lần. Nếu có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị viêm nha chu như khô miệng, uống một số loại thuốc hoặc hút thuốc thường được khuyên đến khám và vệ sinh răng miệng thường xuyên hơn bởi bác sĩ nha khoa.
Các biện pháp điều trị bệnh viêm nha chu
Điều trị có thể được thực hiện bởi bác sĩ hoặc nhân viên vệ sinh nha khoa để chữa bệnh nha chu làm sạch triệt để các túi xung quanh răng và ngăn ngừa tổn thương cho xương xung quanh. Người bệnh có cơ hội điều trị thành công khi áp dụng thói quen chăm sóc răng miệng tốt hàng ngày và ngừng sử dụng thuốc lá.
Phương pháp điều trị không phẫu thuật trong trường hợp viêm nha chu không tiến triển, điều trị có thể bao gồm các thủ tục ít xâm lấn hơn như:
Cạo vôi để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. Nó có thể được thực hiện bằng dụng cụ, laser hoặc thiết bị sóng siêu âm.
Bào láng gốc răng (Root planing) làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn và loại bỏ các sản phẩm phụ của vi khuẩn góp phần gây viêm/trì hoãn chữa lành hoặc gắn lại nướu lại lên bề mặt răng.
Sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng sinh hoặc bôi gel có chứa kháng sinh vào khoảng trống giữa răng và nướu hoặc vào túi sau khi làm sạch sâu. Tuy nhiên, kháng sinh đường uống có thể cần thiết để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị phẫu thuật nếu bị viêm nha chu tiến triển, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nha khoa như:
Phẫu thuật giảm túi (Flap surgery) thực hiện các vết rạch nhỏ trong nướu, để lộ chân răng để có khoảng rộng để thực hiện cao vôi và bào láng gốc răng hiệu quả hơn.
Ghép mô liên kết lấp đầy khi người bệnh bị mất mô nướu, đường viền nướu của sẽ bị thụt xuống dưới do đó người bệnh cần phải mô khác để thay thế để răng được vững chắc giúp giảm tình trạng thụ nướu hơn nữa, che phủ chân răng bị lộ và tăng tính thẩm mỹ cho răng của người bệnh.
Ghép xương (Bone grafting) phương pháp này được thực hiện khi viêm nha chu đã phá hủy xương xung quanh chân răng, mảnh ghép có được lấy từ các mảnh xương nhỏ của người bệnh hoặc xương tổng hợp hoặc hiến tặng. Ghép xương giúp ngăn ngừa mất răng bằng cách giữ răng cố định, tạo nền tảng cho xương được tái tạo lại.
Protein kích thích mô một kỹ thuật khác liên quan đến việc sử dụng một loại gel đặc biệt bôi vào chân răng bị bệnh. Gel này chứa các protein tương tự được tìm thấy trong sự phát triển men răng và kích thích xương và mô phát triển khỏe mạnh.
Nguyễn Phương Anh