Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện động trời ở làng rau sạch lớn nhất Thủ đô

(DS&PL) -

Một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất Hà Nội - ở Vân Nội, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại vẫn được chuộng, còn các chính sách hỗ trợ thì có vấn đề.

Một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất Hà Nội - ở Vân Nội, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại vẫn được chuộng, còn các chính sách hỗ trợ thì có vấn đề.

Xã Vân Nội (huyện Đông Anh) là một trong những vùng rau chuyên canh lớn nhất Hà Nội. Đây là một trong nhưng mô hình TP Hà Nội kỳ vọng có thể thay thế thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học, giảm độ độc hại cho người tiêu dùng. Thực tế lại không phải vậy. Thuốc BVTV độc hại vẫn được chuộng còn các chính sách hỗ trợ có vấn đề.

HTX rau an toàn dùng thuốc cực độc

Kể từ khi khoác lên mình "chiếc áo" rau an toàn, những nông dân ở xã Vân Nội cực kỳ cảnh giác với người lạ. Đã có khá nhiều thông tin phản ánh nông dân vùng rau này sử dụng thuốc BVTV độc hại, thuốc kích thích sinh trưởng trên các loại rau chỉ vài ba ngày là có thể thu hoạch rồi cung cấp cho các đại lý RAT... Thành thử rất khó để bắt chuyện với người trồng rau nếu có dấu hiệu khả nghi.

Thôn Đầm là vùng chuyên canh rau lớn của xã Vân Nội. Những nông dân mà chúng tôi gặp đều một hai khẳng định họ dùng thuốc BVTV sinh học hết rồi. Đại loại như để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng... Tất cả đều nói theo bài cứ như thể đã được quán triệt từ trước.

Tuấn khẳng định gia đình anh không bao giờ dùng thuốc BVTV trợ giá nữa.

 

Vậy mà khi tôi vào vai một nhân viên đi tiếp thị thuốc BVTV sinh học, nhiều nông dân trồng rau lắc đầu nguầy nguậy: Thuốc sinh học khó bán lắm, phun nhiều, giá thành cao, sâu lại lâu chết.

Đến như Chủ nhiệm HTX sản xuất tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội, ông Trần Văn Mây cũng thừa nhận: Dù trồng rau an toàn thật đấy, nhưng cứ phải dùng cả thuốc sinh học lẫn hóa học tưới thì mới... an toàn. Thôn Đầm có khoảng hơn chục ha trồng rau an toàn. Ông Mây nói rằng thuốc sinh học dùng cũng nhiều nhưng với một số loại như bọ nhảy và sâu đất thì chỉ có thuốc hóa học trị là tốt nhất.

Những loại thuốc BVTV có độ độc cao, vạch màu vàng đang thịnh hành ở vùng rau an toàn này là Marshal, Peran, Cóc chúa… Mặc dù rất cố gắng thể hiện ruộng nhà mình đang sử dụng thuốc BVTV sinh học nhưng nhiều nông dân sản xuất rau an toàn ở thôn Đầm lại thừa nhận những loại thuốc hóa học như Peran, Marshal, Cóc chúa… diệt sâu, diệt bọ nhảy nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với những loại thuốc khác.

“Đa số các vùng rau đều nhiều sâu bệnh. Đặc biệt là các loại sâu đất, sâu ổ, nếu dùng thuốc sinh học thì lâu chết, có khi cũng chẳng biết chết hay không. Thành thử để cho chắc ăn thì phải mua thuốc khác cộng vào”, một nông dân ở thôn Đầm khẳng định với tôi như vậy.

Đi vòng quanh một vùng rau an toàn khác ở Vân Nội là thôn Đông, thực trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học cũng diễn ra tương tự. Hầu hết nông dân đều thừa nhận, họ vẫn đang phải dùng thuốc hóa học để phun, tưới cho vùng rau an toàn. Mặc dù sau khi sử dụng, hầu hết bao bì thuốc BVTV được thu gom để tiêu hủy. Nhưng lác đác ở một vài nơi vẫn còn vỏ các sản phẩm có độ độc cao.

Trạm trưởng Trạm BVTV Đông Anh Đinh Văn Thảo thẳng thắn thừa nhận: Để xảy ra sai sót trong quản lý thuốc BVTV là không thể tránh khỏi. Có những hộ nông dân lén lút dùng thuốc hóa học, cách ly chỉ ít ngày là bán. Những loại thuốc BVTV mà nông dân ở các vùng RAT đang dùng như Marshal, Peran... là thuốc hóa học cực độc. "Chúng tôi không khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc hóa học nhưng không thể loại trừ được", ông Thảo thừa nhận.

Các sản phẩm thuốc BVTV nông dân Đông Anh được trợ giá.

 

Nguyên nhân, theo ông trạm trưởng này là do tâm lý người dân đang chuộng các loại thuốc có độ độc cao. Thuốc càng độc hiệu quả càng tốt. Thậm chí, năm vừa rồi cơ quan chức năng còn bắt được một vụ buôn bán thuốc BVTV Trung Quốc cực độc ở ngay trong vùng RAT Vân Nội. Mặt khác, diện tích còn manh mún, chưa tập trung thành vùng bài bản nên khó quản lý.

Dân mang thuốc BVTV trợ giá đi nhờ bán

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giúp người trồng rau an toàn ở Vân Nội hướng đến sử dụng thuốc BVTV sinh học, huyện Đông Anh đã ký cam kết về chính sách trợ giá với Công ty Sản phẩm công nghệ cao (HTP), địa chỉ ở số 6 Bắc Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội) để cung ứng thuốc BVTV sinh học cho nông dân. Thế nhưng hiệu quả của chương trình này khiến nhiều người nghi ngờ về mức độ minh bạch của những người thực hiện chính sách.

Bà L, chủ một đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở trung tâm xã Vân Nội tiết lộ với tôi rằng, có nhiều nông dân mang sản phẩm thuốc BVTV trong chương trình trợ giá đến cửa hàng bà bán hoặc gửi bán. “Họ nói với tôi là thuốc trợ giá gần như không có tác dụng vì phun lên rau sâu không chết. Thậm chí phun nhiều lần rau chết sạch còn sâu vẫn sống nhăn răng ra đó. Ban đầu họ chửi đại lý, sau phát hiện ra nguyên nhân do thuốc trợ giá nên nhiều nhà bán hoặc vứt xó chứ không dùng”, bà L khẳng định.

Số thuốc người dân mang ra gửi bán ở đại lý bà L có tên là SUSUPES 1.9EC do Công ty Sản phẩm công nghệ cao HTP đăng ký và phân phối. Trên bao bì sản phẩm này ghi rõ: Thuốc trừ sâu sinh học. Thành phần: Emamectin benzoate 1,9\% w/w, chất phụ gia 98,1\% w/w.

Cũng ở một đại lý thuốc BVTV khác trong trung tâm xã Vân Nội, ông chủ tên H nói rằng có nhiều nông dân gửi thuốc trong chương trình trợ giá nhờ ông bán nhưng ông không dám vì sợ phun thuốc sâu mà rau chết thì người ta chửi. Mà cũng chẳng ai dại gì đi mua. Đành phải chờ đến vụ lúa, cộng linh tinh vào thì may ra mới có người mua.

Để kiểm chứng thực trạng nông dân gửi thuốc BVTV được trợ giá nhờ đại lý bán vì không hiệu quả, chúng tôi đã làm một cuộc điều tra ở cánh đồng sản xuất rau an toàn ở thôn Đông và có thể khẳng định là có thực trạng ấy.

Đang lúi húi thu hoạch rau cải, khi nghe nhắc đến thuốc BVTV được trợ giá, hai vợ chồng tên Tuấn Vẻ dừng tay thay nhau tố cáo. Anh chồng thì nói thuốc trừ sâu sinh học kiểu gì mà phun cháy cả su hào. Cả đám su hào nhà tôi gần bán, phun thuốc vào tự nhiên cháy rực như thể bị người ta đốt. Còn chị vợ lắc đầu ngán ngẩm: Có trợ giá thì cũng trợ giá loại thuốc nào cho có chất lượng. Còn mấy loại thuốc này chẳng ai dám phun, nhà tôi còn vứt đống ở nhà kia kìa.

Tôi theo chân vợ chồng Tuấn Vẻ về nhà. Đúng là mấy sản phẩm thuốc BVTV của Công ty Sản phản phẩm công nghệ cao HTP vứt đống không dùng thật. Đó là hai sản phẩm Kuraba WP và Aizabin. Cả hai sản phẩm này đều có mẫu mã bao bì rất đẹp, kèm theo những lời giới thiệu cực kỳ hấp dẫn như: Thuốc lý tưởng cho sản xuất rau quả an toàn, hay Vì nền nông nghiệp sạch. Nhưng anh Tuấn bảo: Phun vào hỏng hết rau. Chả biết người ta trợ giá kiểu gì, hình như là thuốc hết hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng mới mang về phát cho dân dùng hay sao ấy.

Thế sao không phản ánh với chính quyền hay công ty? “Kêu rồi, phản ánh rồi, nhưng người ta bảo là thuốc cho không mất tiền thì đừng có mà đòi hỏi, rau chết thì phải chịu thôi”, Tuấn trả lời câu hỏi của tôi như thế.

Vợ chồng Tuấn Vẻ làm 4 sào rau. Sau mấy lần thất bát vì "sâu không chết rau lại chết" họ cạch luôn thuốc trợ giá, quay lại với các loại thuốc BVTV hóa học như Marshal, Cóc chúa, Peran... Chắc chắn không chỉ gia đình họ mà phần lớn nông dân khác đều như vậy. Chủ nhiệm Trần Văn Mây thậm chí còn chẳng thèm nhớ thuốc trợ giá tên là gì dù mỗi năm được nhận vài lần. Ông Mây khẳng định: "Ở vùng RAT này Cóc chúa bán được, dân tin dùng, ưa chuộng nhất".

Chất lượng các sản phẩm thuốc BVTV được trợ giá ở huyện Đông Anh đúng là có vấn đề. Không chỉ riêng vùng rau mà ở nhiều vùng lúa nông dân cũng nhận thuốc về vứt xó rồi đi mua thuốc khác dùng.

Bà T, chủ một đại lý thuốc BVTV ở xã Dục Tú giải thích: Thuốc trợ giá toàn bị nông dân chê. Từ thuốc diệt chuột, diệt ốc, trừ sâu... cho người ta chả buồn lấy. Phun đúng theo hướng dẫn thì sâu cuốn lá trắng xóa, không chết, thậm chí phun vào lúa cháy chẳng khác gì bị đốt.

Bà T mang ra hai sản phẩm thuốc diệt chuột RANPART và thuốc trừ sâu ALOCBALE 40EC do Công ty công nghệ cao HTP sản xuất. Đó là những sản phẩm cực độc, vạch màu vàng nhưng hầu như dân chẳng ai mặn mà.

Theo Nông nghiệp

Tin nổi bật