Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện có 1 không 2 ở lớp học dạy nhảy cho người khiếm thị của cô giáo đặc biệt

(DS&PL) -

Khi mới đề xuất mở lớp dạy nhảy cho người khiếm thị, nữ huấn luyện viên trẻ vấp phải sự hoài nghi của mọi người.

Khi mới đề xuất mở lớp dạy nhảy cho người khiếm thị, nữ huấn luyện viên trẻ vấp phải sự hoài nghi của mọi người. Tuy nhiên, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng quyết tâm chị Nhung đã làm được điều tưởng chừng như không thể: Mang nhịp điệu đến với thế giới tối tăm của những mảnh đời kém may mắn.

Chị Hồ Thị Nhung - huấn luyện viên của lớp dạy nhảy Zumba cho người khiếm thị (ảnh: Hoa Hồng).

Biến điều không thể thành có thể

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống, cô gái Hồ Thị Nhung (28 tuổi, trú tại Nguyễn Tuân – Hà Nội) vẫn luôn dành thời gian để ghé thăm và giúp đỡ những mảnh đời thiệt thòi. Làm quen với những hội viên đáng mến của hội Người mù quận Thanh Xuân, chị Nhung bỗng nảy sinh một khao khát thổi một làn gió mới vào đời sống hàng ngày của những người khiếm thị. Bản thân chị Nhung là một nữ huấn luyện viên thể dục với niềm đam mê âm nhạc và nhịp điệu, chị mang khát vọng truyền tải niềm đam mê ấy tới hội viên.

“Khi đề xuất với CLB về bộ môn nhảy Zumba thì ai nấy đều rất ngạc nhiên. Mọi người lắc đầu, khẳng định đó là điều không thể, nhưng mình có niềm tin mãnh liệt là có quyết tâm, điều gì cũng có thể thực hiện được. Nói là làm, mình lao ngay vào nghiên cứu phương pháp dạy nhảy cho người khiếm thị”, chị Nhung chia sẻ.

Để có thể soạn ra một bộ “giáo án” hiệu quả nhất, chị Nhung phải kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sau thời gian vất vả trên phòng tập, khi về nhà chị lại mang “ông xã” ra thử nghiệm. Chị yêu cầu anh nhắm mắt, cảm nhận âm nhạc và làm theo các hướng dẫn để thực hiện các động tác cơ bản nhất.

Dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng khi chính thức đứng lớp, cả cô cả trò vẫn vô cùng bỡ ngỡ. Phải mất đến khoảng 10 buổi đầu để mọi người có thể dần làm quen với lớp học, được sự chỉ dẫn tận tình của chị uốn nắn qua từng động tác tay tiếp sau đó là về phần chân và từng nhịp điệu nối tiếp.

Theo chị, khó nhất là cách diễn đạt để mọi người đều có thể hiểu được, vì ở các lớp học thông thường, chị có thể biểu diễn các động tác để minh họa, nhưng với các “học viên” đặc biệt này thì chỉ có thể chỉ dẫn qua giọng nói. Chưa kể đến việc bất đồng ý kiến giữa các học viên với nhau cũng là một vấn đề đau đầu. Phải mất rất nhiều thời gian, chị Nhung mới có thể tìm được tiếng nói chung trong cả lớp.

Các học viên của lớp học nhảy đặc biệt

Khó khăn liên tiếp khó khăn, tưởng cô trò không thể gắn bó với nhau lâu dài, ấy vậy mà lớp học đặc biệt của chị Nhung đã duy trì được hơn 6 tháng. Điều khiến chị Nhung tự hào là các học viên rất có ý thức tập luyện, dù thời tiết nắng gắt hay mưa lớn, rét buốt các thành viên đều đến lớp và đặc biệt là rất đúng giờ, chưa có ai bỏ giữa chừng. Giờ lớp học nhảy như một gia vị không thể thiếu trong đời sống của những người khiếm thị.

“Thời gian tới, hội Người mù của toàn thành phố sẽ tổ chức cuộc thi tài năng, CLB sẽ chọn ra ra 4 người tập tốt nhất để dự thi”, chị Nhung cho hay.

Tiết lộ những chuyện chưa biết

Trong suốt quá trình đi dạy, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị Nhung là vào ngày sinh nhật 28 tuổi. Đến lớp để chuẩn bị buổi dạy, chị Nhung không ngờ rằng các học viên đã chuẩn bị một bữa tiệc bất ngờ dành cho mình. Đó cũng là lần đầu tiên chị có cơ hội trò chuyện, tâm sự cùng các học viên, nghe họ kể những câu chuyện về cuộc sống trong bóng tối. Vốn dĩ, chị Nhung có lịch dạy và làm khá bận rộn nên đây là khoảng thời gian quý giá để hiểu hơn về học viên của mình. Cũng nhờ đây chị biết rằng hầu hết mọi người trong CLB không bị khiếm thị bẩm sinh, trải qua những biến cố đáng tiếc mà mất đi ánh sáng. Cô và trò chia sẻ với nhau cả niềm vui lẫn nỗi buồn, sẻ chia nụ cười và những giọt nước mắt. Mọi rào cản về ngôn ngữ dần xóa nhòa.

Bên cạnh những kỷ niệm đẹp thì cũng có cả những tình huồng khó xử. Trong buổi học đầu tiên, một học viên nữ cũng khá lớn tuổi dường như không theo kịp được nhạc cũng như những chỉ dẫn của chị Nhung, không kiềm chế được cảm xúc nên cô đã nổi nóng và tỏ thái độ. Hiểu được tâm lý ban đầu của học viên, chị Nhung từ tốn dắt tay nữ học viên lớn tuổi, chỉ dẫn nhẹ nhàng để cô có thể phần nào thoải mái và có thể tiếp tục buổi học.

Dẫu vậy, chị Nhung thú thật rằng phải trải qua những khó khăn vất vả thì mới thấy trân trọng những kết quả hôm nay. Bản thân chị cũng cảm thấy tự hào khi thấy học viên tiến bộ hơn hàng ngày.

Xây dựng lớp học nhảy Zumba dành cho người khiếm thị mang trong mình một ý nghĩa nhân văn giúp thay đổi được nhận thức của mỗi người. Con người ta không có quyền được chọn lựa cuộc sống của chính mình nhưng có thể lựa chọn cách sống giúp bản thân có thể hạnh phúc hơn. Âm nhạc giúp kết nối mọi người lại với nhau gần hơn nữa, giúp khoảng cách giữa người đến với nhau được rút ngắn. Mong rằng những lớp học thiện nguyện này sẽ càng được lan tỏa và nhân rộng hơn nữa để có thể tiếp thêm sức mạnh nghị lực sống nhằm làm nên những kỳ tích như câu nói “Tàn nhưng không phế”.

Chia sẻ về nữ giáo viên của lớp học nhảy, anh Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết: “Mình và Nhung quen nhau trong CLB Hoa Hướng Dương, Nhung là một cô giáo năng động rất nhiệt tình đặc biệt là trong công tác thiện nguyện”. Trong thời gian tới mong muốn của bên hội là được mở rộng thêm về không gian phòng tập và vận động thêm mọi người tích cực tham gia tạo sân chơi bổ ích để phong trào được phát huy hơn nữa.

Hoa Hồng - Đức Anh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 103

Tin nổi bật